(Thethaovanhoa.vn) - Sau buổi ra mắt ấn tượng với hàng trăm mẫu thiết kế dành cho người đi lễ trong Giác Show (diễn ra tại Hà Nội), nhà thiết kế Kim Ngọc, đã chia sẻ nhiều câu chuyện thú vị, nhiều trăn trở của một người có niềm tin tâm linh sâu sắc, nặng duyên với mũi chỉ đường kim và văn hóa mặc hiện nay.
* Giác Show với dàn siêu mẫu catwalk chân trần, mặc trang phục kín đáo, trang nghiêm đi trong tiếng chuông, mõ, chú, tụng, niệm, và không gian đậm màu Phật giáo, văn hóa truyền thống của dân tộc. Trong vai trò nhà thiết kế, linh hồn sáng tạo ra các sản phẩm trình diễn cũng lạ mắt và độc đáo trong chương trình, cảm xúc của chị sau đêm diễn ra mắt thế nào?
- Đạo diện Việt Thanh đã nắm đúng tinh thần cảm hứng tạo ra bộ sản phẩm Ban Mai tôi cho ra đời dịp tết Kỷ Hợi này. Có lẽ do chị Thanh cũng là khách hàng dùng sản phẩm của Thiện Phát Design ngay từ ngày đầu, nên Giác Show chị dàn dựng rất khớp với í tưởng của nhà thiết kế.
“Giác là sự tỉnh thức của vạn vật từ trạng thái mùa đông chuyển sang xuân, từ đêm tối tới ban mai, từ vô minh ra chính đạo,… và cũng chính là sự giác ngộ của người đi lễ ý thức đúng mực hơn về văn hóa mặc tại nơi tôn nghiêm” – Đạo diễn Việt Thanh đã chia sẻ với báo giới ngay trong đêm diễn như nói hộ nỗi lòng tôi muốn gửi gắm trong bộ sưu tập lần này.
“Giác trong cảnh ngộ thế gian/ Giác trong mũi chỉ thấy ngàn đường may/ Giác trong sắc áo cà sa/ Bỗng nhiên thấy phật, phật là phật tâm”.
* Có vẻ chị là người có niềm tin tâm linh sâu sắc, mỗi lần ra mắt 1 bộ sưu tập mới của chị vào dịp lễ trọng của đạo phật như Phật đản, vu lan, hay xuân mới?
- Tôi là người có đạo, chính vì tìm kiếm đồ lễ cho mình quá khó mà tôi bén duyên với đường kim mũi chỉ. Tất nhiên tôi cũng có 1 chút may mắn là có chuyên môn về thiết kế được đào tạo tại Đại học Mỹ thuật công nghiệp.
Trong văn hóa truyền thống của người Việt mình thì Phật Đản, Vu lan báo hiếu, hay tết âm lịch đều có í nghĩa rất sâu sắc, với những người có niềm tin tâm linh sâu sắc thì các dịp này còn đặc biệt quan trọng hơn.
Lễ tại gia, lễ tại chùa, đình, đền, phủ, điện… đều cần những trang phục trang nghiêm thân tâm. Là một người trong số đó nên tôi hiểu rất rõ nhu cầu tìm kiếm 1 bộ trang phục đẹp đời hợp đạo là rất cấp thiết trong mỗi dịp này.
3 năm trước chính vì nhu cầu tìm kiếm này mà tôi khởi nghiệp thiết kế cho Thiện Phát Design. May cho mình, may cho bạn bè, rồi nhiều người nhờ may giúp... để phục vụ cho người quen thôi. Giờ thì phát triển thành chuỗi cửa hàng ở 4 thành phố lớn mới phục vụ hết các khách hàng tin yêu.
* Ngồi xem Giác Show tôi nghe thấy 1 số tiếng xì xào ‘đẹp thế này đi chùa có hợp không nhỉ”, chị có nhận được nhiều câu hỏi kiểu này từ bạn bè, khách hàng không?
- Đúng là tôi từng nhiều lần nhận câu hỏi này. Lúc đó, tôi chỉ xin hỏi: Đức Phật tương lai, ngài Di Lặc tượng trưng cho điều gì ạ? Niềm hạnh phúc và sự thịnh vượng tuyệt đối ạ. Vậy nên chúng ta có điều kiện thì có được phép mặc đẹp đến chùa, đi lễ không ạ? Rất cần mặc đẹp ạ. Chỉ là quan niệm về mặc đẹp trong chùa và đi lễ phải đúng đạo.
Từ khi bắt tay vào thiết kế trang phục Thiện Phát Design đã nhất quán 1 tôn chỉ: trang nghiêm thanh tịnh về màu sắc, kín đáo trong thiết kế, chất liệu sản phẩm phải mát và hạn chế tối đa bị nhàu khi sử dụng. Đạt được các tiêu chí bắt buộc này thì nhà thiết kế mới sáng tạo các điểm nhấn tô điểm cho trang phục không quá xa lạ với đời thực nhất.
* Với bộ sưu tập "Ban Mai" dành cho xuân mới Kỷ Hợi, nét sáng tạo của nhà thiết kế nằm ở đâu thưa chị?
- Vẫn là màu nâu, lam truyền thống, nhưng Ban Mai có sắc xuân điểm xuyết trên vai áo với chiếc khăn hoặc bông hoa nơi ngực áo màu trầm ấm như vàng nhẹ, cam nhạt, tím nhạt, hay lam phai, đỏ trầm, thể hiện sắc xuân tươi ấm, lấy í tưởng chủ đạo là xin phước điền từ tấm áo cà sa của quý thầy cho người mặc được may mắn, hạnh phúc bình an năm mới. Nét đột phá lớn nhất là chất liệu vải lụa, mềm, mịn, không nhăn nhàu khi sử dụng giúp cho người mặc có cảm giác tự tin, tâm thân thư thái khi hành lễ.
* Sau đêm ra mắt khá thành công vừa qua, điều chị kỳ vọng nhất tới đây là gì?
- Thật nhiều người dùng trang phục của chúng tôi đi lễ xuân này. Nghe có vẻ thực dụng kinh doanh. Nhưng thực tâm tôi mong là người đi lễ mặc đúng chuẩn mưc văn hóa truyền thống, kín đáo trang nghiêm nơi tôn kính linh thiêng.
Trong buổi tọa đàm về văn hóa mặc ngày lễ tết của người đi lễ, đồng thầy Lưu Ngọc Đức, Chủ tịch hội văn hóa di sản Thăng Long - Hà nội có nhận định rất chính xác, ngày nay vật chất đủ đầy mà người đi lễ lại khó chọn lựa được trang phục chuẩn mực vì có quá nhiều mốt thời trang, quá nhiều sự lựa chọn, mà chọn không cẩn thận là mất hết cả công đức đi lễ.
Giờ đi lễ phủ Tây Hồ thôi là thấy trăm ngàn kiểu mẫu trang phục, không ít kiểu từ khá cho tới quá tiết kiệm vải, cho cảm giác rất phản cảm nơi trang nghiêm. Hay như bên chùa Phật Tích, thầy trụ trì còn phải ghi tấm biển rất hóm trong chính điện “Vào chùa xin nhớ người ơi/áo quần kín đáo chớ phơi ra nhiều”.
Bản thân tôi và ê kíp có chung nguyện ước xuân này gửi gắm trong bộ sưu tập Ban Mai là truyền cảm hứng mặc đẹp trang nghiêm nơi linh thiêng tôn kính cho tất cả mọi người nhất tâm đi lễ đầu năm.
* Xin cảm ơn nhà thiết kế Kim Ngọc!
Liên Đặng (thực hiện). Ảnh: NVCC
Tags