(Thethaovanhoa.vn) - Tại Việt Nam, Thủy Nguyễn được biết nhiều với thiết kế thời trang và trang phục các phim như Cô Ba Sài Gòn, Mẹ chồng, Tấm Cám: Chuyện chưa kể, Ngày nảy ngày nay..., nhưng với khía cạnh nghệ thuật thị giác, Tia Thủy Nguyễn vừa trở thành nghệ sĩ Việt đầu tiên có tác phẩm trong bộ sưu tập danh giá tại Château La Coste, Pháp.
Tác phẩm của Tia Thủy Nguyễn có tên Silver Room (Nhà bạc), là một sắp đặt cỡ lớn, kết hợp kiến trúc nhà rông của Tây Nguyên, kỹ thuật dát quỳ bạc của sơn mài truyền thống, nghệ thuật chạm khắc trên chất liệu đá thạch anh và gỗ mít.
Tia Thủy Nguyễn mất gần 3 năm để nghiên cứu và thực hiện tác phẩm. Thiết kế mái mở và kẽ hở có chủ ý giữa các thanh gỗ tạo nên những họa tiết bằng ánh sáng và bóng đổ, khiến tác phẩm tự thân nó không ngừng biến đổi theo thời gian, ánh sáng. Vì vậy, Silver Room không chỉ dừng lại ở một sắp đặt mang tính đặc thù địa điểm, mà còn mang tính thời khắc (momentous).
Tác phẩm có kích cỡ tương đương một căn nhà thật, với tổng chiều cao 16,2 mét, rộng 6 mét và dài 14,9 mét. Phải mất 10 tháng để già làng Ynut tìm được vật liệu gỗ phù hợp và xử lý gỗ thật kỹ trước khi ráp thành tác phẩm.
Toàn bộ hệ thống 26 cột nhà và sàn được làm từ khoảng 1.300 mét khối gỗ sến đỏ và cấu trúc mái mở được dựng từ những thân tre già cao từ 4-12 mét. Tất cả mọi mối nối của nhà rông đều buộc bằng dây, không dùng đinh. Chỉ có già làng - nghệ nhân Ynut - mới biết cách dựng mái, buộc tre và chỉ đạo lớp thanh niên làm theo.
Tác phẩm đã nhấn mạnh chữ duyên trong Phật giáo, thể hiện lối sống và niềm tin của chính nghệ sĩ vào một cõi an nhiên trong tâm hồn khi đứng giữa bộn bề những xung đột giữa quá khứ - hiện tại - tương lai; giữa khát khao và sự buông bỏ; giữa những bản sắc của quê hương và sự hòa nhập với thế giới.
Chính triết lý này, cộng với đam mê đặc biệt với văn hóa và con người Việt Nam đã khiến chủ nhân bộ sưu tập - Paddy McKillen - quyết định chọn tác phẩm của Tia Thủy Nguyễn.
Tác phẩm Silver Room đặt bên cạnh hàng loạt các tên tuổi như Tadao Ando, Louise Bourgeois, Tracey Emin, Alexander Calder, Sean Scully, AI Wei Wei, Tom Shannon, Sophie Calle, Tunga, Tracey Emin, Frank O. Gehry, Liam Gillick, Andy Goldsworthy, Jenny Holzer, Guggi, Per Kirkeby, Kengo Kuma, Paul Matisse, Tatsuo Miyajima, Jean Nouvel, Larry Neufeld, Renzo Piano, Richard Serra, Michael Stipe, Hiroshi Sugimoto, Jean-Michel Othoniel, Lee Ufan, Franz West…
Château La Coste có khuôn viên 700 mẫu Anh, hiện là trang trại hữu cơ lớn nhất mước Pháp. “Tôi thích điêu khắc và không gian” - nhà sưu tập Paddy McKillen cho biết. Để tăng tiện ích cho giới đam mê nghệ thuật, nơi đây xây mới một khách sạn 5 sao hoàn toàn với 28 biệt thự và 7 căn hộ nằm trong rừng, nhiều phòng có hồ bơi và sân riêng.
Quan sát khu vườn nghệ thuật với những tác phẩm đồ sộ, cũng như đọ giá của các tên tuổi thời danh trên thị trường, chắc chắn Château La Coste phải chi hàng chục triệu USD trở lên để có thể sở hữu.
Trong buổi ra mắt tác phẩm ấm cúng với chỉ khoảng 50 khách mời danh dự, bao gồm các nhà sưu tập, giám tuyển và nghệ sĩ đến từ Brazil, Pháp, Anh và Mỹ..., Tia Thủy Nguyễn không giấu nổi xúc động.
- SỐC: tranh của nhà thiết kế thời trang Thủy Nguyễn bán hơn 2,3 tỷ đồng
- Từ phiên đấu giá tranh tại Hong Kong: Tranh của các họa sĩ Pháp vẽ Việt Nam gây sốt
Trong bài phát biểu của mình, cô nói: “Tôi chỉ là một nghệ sĩ nhỏ bé với niềm tin lớn lao rằng nếu mình thật sự đam mê và làm việc với cả trái tim thì tiếng nói của mình sẽ vang được xa hơn. Nghệ thuật Việt Nam đang trên đà phát triển, tôi hy vọng sẽ còn nhiều nữa những tiếng nói mang văn hóa và nghệ thuật Việt Nam vươn đến khắp năm châu bốn biển”.
Sau tiếng vang của Silver Room tại Château La Coste, Tia Thủy Nguyễn đã nhận được khá nhiều lời mời từ những phòng tranh uy tín và một số trung tâm nghệ thuật tại Pháp. Sắp tới, cô sẽ quay trở lại với chất liệu quen thuộc là tranh vẽ, thử nghiệm thêm một số sắp đặt tương tác với ánh sáng tự nhiên cho triển lãm cá nhân trong năm tới, đồng thời ấp ủ một cuốn sách về thực hành phác thảo của mình.
Như Hà
Tags