Cũng xin nhắc lại, bộ sưu tập Quà tặng của thượng đế mà Võ Việt Chung đem đi trình diễn tại đêm thời trang J Autumn Fashion Show vừa rồi là sự kết hợp giữa áo dài Việt Nam và sự mơ mộng, viễn tưởng về thế giới trong phim Avatar của James Cameron. Dường như Võ Việt Chung (người gắn liền với áo dài) đang tìm cách rời bỏ nó?
Không cần đánh chuông ở xứ người
* Cách đây khoảng 10 năm, anh từng tâm sự về chuyến trình diễn thời trang đầu tiên ở quốc tế với cảm xúc đầy bỡ ngỡ. Vậy chuyến đi vừa rồi của anh thế nào?
Bây giờ tâm trạng của tôi đã khác, tôi nghĩ rằng một nền thời trang không chỉ có mỗi áo dài, không nên lặp lại một thứ. Một công dân chung sống trong thế giới thì phải biết giao thoa và cảm thông, đừng quá hẹp hòi, ích kỷ. Nói vậy không phải tôi phủ nhận vẻ đẹp chuẩn mực và bền vững của áo dài, mà là đã đến lúc cá nhân tôi và thời trang Việt phải vượt qua “mặc cảm” để tự đứng lên và thay đổi. Bây giờ ai nói tôi mang chuông đi đánh xứ người tôi sẽ “giận”, vì tiếng chuông của Việt Nam người ta đã nghe rồi, mình không cần mang đi nữa. Chính vì thế mà tôi mới kết hợp áo dài với phim Avatar để tạo nên bộ sưu tập về thế giới song hành, nơi chúng ta chung sống và bảo vệ môi trường sống, chứ không phải để so đo cao thấp, hơn thua.
* Vậy thì theo anh, tại sao nhiều nhà thiết kế sau này vẫn lấy áo dài để làm bản sắc của mình, hòng tìm kiếm cơ hội với quốc tế, nơi dù muốn dù không, họ vẫn thích cái gì đó là lạ từ các nền văn hóa vùng biên?
- Mấy năm gần đây, mỗi năm tôi nhận được cả chục lời mời từ các tuần lễ thời trang quốc tế, nhưng tôi không tham dự hết, vì sức mình có hạn và vì tôi muốn chọn lựa những địa chỉ danh tiếng để xuất hiện. Có thể nói tôi “đang mơ” về châu Âu, nơi thời trang là tiếng nói vừa chia sẻ, vừa phản biện. Nói ra điều này để thấy rằng, nếu tôi dễ dàng gật đầu và an phận với mỗi áo dài thì đi bao nhiêu cũng có đủ bộ sưu tập, nhưng tôi không cần cái danh hão đó, mà muốn mỗi khi xuất hiện, người ta sẽ có một cái nhìn khác về công việc thời trang ở Việt Nam.
Từ kinh nghiệm bản thân, tôi rất buồn mỗi khi nghe đồng nghiệp các nước nhận xét: “Áo dài Việt Nam thật đẹp”. Rõ ràng họ ngầm hỏi: “Chẳng lẽ Việt Nam chỉ có áo dài thôi sao?” Tôi không chịu điều đó, nên muốn góp sức thay đổi quan niệm và thành kiến này.
Nếu có đồng nghiệp nào còn nghĩ áo dài là cơ hội để thăng tiến ra quốc tế thì quả sai lầm và đầy... mặc cảm, vì quốc tế đã khâm phục vẻ đẹp hoàn mỹ của áo dài rồi, họ không muốn xem mãi một thứ, họ muốn các nhà thiết kế trong thế giới phẳng này phải chia sẻ được tiếng nói và thông điệp của nhau.
|
Hay, đẹp… nhưng thiếu đồng bộ
* Ngoài chuyện áo dài, những lời phê bình mà anh thường gặp trong các tuần lễ thời trang quốc tế là gì?
Đơn cử như vải vóc và các phụ kiện, muốn loại tốt thì ta phải nhập, nên rất lúng túng trong việc định hình một hình ảnh riêng biệt. Hiệp hội thời trang cũng có rồi đó, nhưng khi cần thì họ đi đâu mất, chẳng có tác động hay giúp ích gì cụ thể trong việc bảo vệ thương hiệu chung. Từ bối cảnh thiếu đồng bộ này, thật khó để nói đến khái nghiệp “công nghiệp” hay “định hướng” chung cho thời trang.
* Khi nghe ai đó nói về xu hướng màu sắc hay phong cách thời trang của mùa này, năm kia, anh nghĩ sao?- Khi một nhà thiết kế đơn lẻ nào đó ở các nền thời trang vùng biên như Việt Nam mà dám đứng ra dự đoán về xu thế màu sắc thì cũng không khác gì ngồi đáy giếng nói trời vuông tròn. Bởi có dự đoán đúng thì sức lan tỏa và tác động của cá nhân này cũng chẳng ảnh hưởng gì đến thời trang chung, mà khả năng dự đoán sai và lố bịch thì rất nhiều.
Chính vì vậy, tôi nghĩ việc cần làm ngay của những nhà thiết kế Việt Nam là hãy chấp nhận mình là một tiếng nói bé nhỏ của hệ thống thời trang đồ sộ; hãy biết lắng nghe và chia sẻ những thông điệp chung, để qua đó nói lên tiếng của mình trong một hệ thống ngày càng đồng bộ hơn. Tôi xin nhắc lại, đã đến lúc thời trang Việt thôi tự đánh lừa mình. “Không tự đánh lừa mình”, đó là định hướng.
Như Hà (thực hiện)