"Tôi đến Mỹ để theo đuổi một cuộc sống tốt đẹp hơn và tôi đã thành công. Tôi mong muốn được kết nối các nhà khoa học tại Việt Nam đến với cộng đồng quốc tế", GS Nguyễn Thục Quyên, nhà khoa học gốc Việt vừa được bầu vào Viện Hàn lâm Kỹ thuật Quốc gia Hoa Kỳ (NAE).
Viện Hàn lâm Kỹ thuật Quốc gia Hoa Kỳ (NAE) vừa công bố 106 thành viên mới và 18 thành viên quốc tế, trong đó có GS Nguyễn Thục Quyên, nhà khoa học gốc Việt nằm trong top 1% Nhà nghiên cứu Khoa học Vật liệu được Trích dẫn Nhiều nhất thế giới của Thomson Reuters và Clarivate Analytics. Nữ GS hiện đang công tác tại Khoa Hóa và Hóa sinh tại ĐH California, Santa Barbara (UCSB) và là Đồng Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture.
Các nghiên cứu của GS Nguyễn Thục Quyên (SN 1970) chủ yếu xoay quanh tính chất điện tử của polyelectrolytes liên hợp, giao diện trong các thiết bị quang điện tử, việc tạo và vận chuyển điện tích trong chất bán dẫn hữu cơ, vật liệu mới cho các ứng dụng pin mặt trời hữu cơ, tự lắp ráp phân tử, xử lý vật liệu, đặc tính kích thước nano của pin mặt trời hữu cơ và vật lý thiết bị.
Bên cạnh việc giảng dạy tại trường ĐH, tham gia nghiên cứu khoa học, một trong những tiêu chí quan trọng để được bầu vào NAE đó là nhà khoa học phải có nhiều đóng góp tích cực cho xã hội, cộng đồng khoa học ở trong và ngoài nước. Do đó, khi được chọn vào NAE, GS Nguyễn Thục Quyên cảm thấy rất vinh dự vì những đóng góp, cống hiến của bà trong cộng đồng khoa học và giáo dục đã được các đồng nghiệp coi trọng và ghi nhận. Được bầu vào NAE cũng là một trong những sự công nhận cao nhất từ các đồng nghiệp dành cho một kỹ sư hoặc nhà khoa học.
NAE có thể tham gia giúp đỡ nhiều vấn đề xảy ra trong xã hội, chẳng hạn như đại dịch Covid-19. Do đó thành viên của NAE có trọng trách nhiều hơn so với một nhà khoa học thông thường.
Mong muốn kết nối nhà khoa học Việt ra thế giới
Theo GS Nguyễn Thục Quyên, việc trở thành viện sĩ của NAE giúp bà có tiếng nói quan trọng hơn trong cộng đồng khoa học và xã hội.
"Tôi sẽ dùng sự ảnh hưởng này để mang đến những thay đổi tích cực cho cộng đồng khoa học. Đương nhiên tôi nhận thấy những trách nhiệm của bản thân khi được trở thành một thành viên của Viện Hàn lâm Kỹ thuật Quốc gia Hoa Kỳ, không chỉ trách nhiệm về những công việc mình làm hàng ngày như nghiên cứu, dạy học mà còn trách nhiệm với cả xã hội cũng như với NAE", nữ GS cho hay.
GS Nguyễn Thục Quyên là đồng Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture, giải thưởng nhằm tôn vinh những công trình và phát minh có tác động tích cực giúp cải thiện cuộc sống loài người. Điều này có sự tương đồng với NAE, bởi một trong những tiêu chí của NAE là hướng tới quan hệ giữa khoa học và chất lượng cuộc sống.
Tuy nhiên, theo GS Quyên, mục tiêu hoạt động Quỹ VinFuture là kết nối toàn cầu. Đó là kết nối các nhà khoa học thế giới với Việt Nam. Nhưng thực tế tình trạng nghiên cứu khoa học ở nước ta còn nhiều khó khăn. Thứ nhất, có rất ít sự hợp tác trong nước giữa các nhà khoa học. Thứ hai, các cơ sở hạ tầng nghiên cứu chưa đáp ứng được yêu cầu, vẫn có rất ít máy móc và sự hợp tác để mượn, trao đổi máy móc.
"Trong khi đó, việc chọn vào NAE là thành quả nghiên cứu của hợp tác nhóm, nghiên cứu với sự tham gia của nhiều người. Ông bà ta có câu 'Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao'. Với việc trở thành thành viên của NAE, tôi hy vọng trong tương lai có thể giúp đỡ được đất nước và nhiều nhà khoa học ở Việt Nam", GS Nguyễn Thục Quyên chia sẻ.
Trước mắt, trong tương lai gần, GS Quyên chia sẻ, ước mơ rất lớn của bà chính là giúp Việt Nam xây dựng một hạ tầng để phục vụ nghiên cứu - một phòng thí nghiệm tối tân trải dài từ Bắc vào Nam. Đây là điều GS tin rằng sẽ giúp đỡ thúc đẩy nền khoa học Việt Nam. Bây giờ điều cần làm là phải thuyết phục những nhà đầu tư và chính phủ, để kêu gọi sự sẵn sàng đầu tư những cơ sở hạ tầng như vậy. Sau khi có những cơ sở hạ tầng này mới có thể thu hút những nhà khoa học Việt Nam làm việc ở nước ngoài về với đất nước. Khi về nước, họ cần phải có những cơ sở hạ tầng tốt để làm nghiên cứu.
"Hãy nỗ lực cho những đam mê của mình và hãy cố gắng thực hiện thật tốt, sau đó những người đồng nghiệp và cộng đồng khoa học sẽ ghi nhận những nỗ lực của bạn. Hơn nữa, nếu bạn cần sự giúp đỡ, mong muốn hợp tác với các nhà khoa học nước ngoài thì đừng ngần ngại, hãy cứ liên lạc với họ và họ sẽ tương tác. Nếu tôi có thể giúp đỡ được bất kỳ ai, hãy chủ động tìm đến tôi, tôi luôn sẵn sàng đưa ra lời khuyên. Tôi hy vọng giúp đỡ được các nhà khoa học trẻ, đặc biệt là nhà khoa học nữ ở Việt Nam nhiều hơn", GS đưa ra lời khuyên cho các nhà khoa học trẻ.
Được thành lập vào năm 1964, NAE thuộc Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học Quốc gia Hoa Kỳ. Các thành viên mới phải được các viện sĩ đương nhiệm xét bầu chọn kết nạp hàng năm dựa trên thành tựu nghiên cứu nổi bật. Đó là những người có tầm lãnh đạo và kiến thức chuyên môn để đóng góp cho "nhiều dự án tập trung vào mối quan hệ giữa kỹ thuật, công nghệ và chất lượng cuộc sống". Các viện sĩ của NAE đều là những nhà khoa học hàng đầu tại những trường đại học hoặc viện nghiên cứu, tập đoàn lớn trên thế giới.
Tags