Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh được Google vinh danh

Thứ Tư, 01/02/2023 13:09 GMT+7

Google News

Sáng 1/2, trên trang Google tại Việt Nam, logo quen thuộc của công cụ này được cách điệu thể hiện hình ảnh bà Sương Nguyệt Anh.

Bà Sương Nguyệt Anh là nữ chủ bút đầu tiên của tờ báo phụ nữ đầu tiên ở Việt Nam. Vào ngày 1/2/1918, tờ báo Nữ giới chung xuất bản số đầu tiên. Bức vẽ bà Sương Nguyệt Anh trên trang chủ Google do họa sĩ Camelia Phạm (Hà Nội) thực hiện.

Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh được Google vinh danh - Ảnh 1.

Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh được Google vinh danh. Ảnh: Chụp màn hình

Theo VnExpress, họa sĩ Camelia Phạm cố gắng tìm kiếm hình ảnh biểu tượng từ những bài thơ của Sương Nguyệt Anh để minh họa.

Sinh thời, nữ sĩ từng sáng tác bài Cây mai với những câu từ: "Tài không sắc, sắc không tài/ Lá úa nhành khô cũng tiếng mai/ Ngọc ánh chi nài son phấn đượm / Vàng ròng há sợ sắc màu phai". Họa sĩ kết hợp phong cách đồ họa phẳng với màu sắc hoài cổ, nhằm gợi cảm giác xưa cũ nhưng vẫn giữ được nét hiện đại.

Camelia Phạm khắc họa sự quyết tâm, ý chí mạnh mẽ của Sương Nguyệt Anh khi cố gắng phá bỏ rào cản để thành lập tờ báo riêng cho phụ nữ, thông qua biểu cảm trên gương mặt.

Trong phần giới thiệu của Google Doodle, bà Nguyệt Anh sinh ngày 8/3/1864 tại làng An Bình Đông, tỉnh Bến Tre, là con gái của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. 

Cuộc sống của bà trải qua nhiều vất vả. Cha qua đời khi bà 24 tuổi, bà cùng anh trai tiếp quản trường học để dạy cho người địa phương. Sau đó, bà chuyển đến Rạch Miễu, Mỹ Tho kết hôn và sinh được một con gái. Hai năm sau, chồng bà qua đời.

Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh được Google vinh danh - Ảnh 2.

Chân dung bà Sương Nguyệt Anh. Ảnh: Pháp luật Việt Nam

Ngày 2/1/1918, tờ báo Nữ giới chung lần đầu xuất bản, bà trở thành nữ tổng biên tập đầu tiên của Việt Nam. Trong số mở đầu, bà chủ bút nói rõ mục đích của tờ báo là truyền bá chữ Quốc ngữ, nâng cao luân lý, dạy cách sống hằng ngày, chú trọng đến thương mại và tiểu công nghệ, tạo sự tiếp xúc giữa những con người với nhau…

Suốt 20 số báo, Sương Nguyệt Anh dành trọn cả tài năng và tâm huyết của mình để góp phần làm chấn hưng tinh thần nữ giới nước nhà. 

Chính vì vậy, những số báo phát hành đều đề cập đến việc dạy nữ công, đức hạnh phụ nữ và phê phán luật lệ khắt khe với nữ giới thời đó, đồng thời chủ trương đấu tranh mạnh mẽ cho vấn đề bình đẳng nam nữ.

Bà Sương Nguyệt Anh viết nhiều tác phẩm về vai trò của phụ nữ trong văn hóa và xã hội, bút danh Sương Nguyệt Anh, nghĩa là "Nguyệt Anh góa bụa". Bà qua đời ngày 20/1/1921, ở tuổi 57.

Bảo Anh (tổng hợp)

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›