Với niềm yêu thích đặc biệt với chính trị, lịch sử để lan tỏa thông điệp bình đẳng giới, nữ sinh 17 tuổi đã xuất sắc giành được học bổng từ đại học danh tiếng hàng đầu của Mỹ.
Nguyễn Khánh Chi (sinh năm 2005, Hà Nội) là học sinh lớp 12 trường TH School, Hà Nội vừa xuất sắc mang về suất học bổng trị giá 54.000 USD một năm (khoảng 5 tỷ đồng) cho 4 năm học, với ba ngành học chính là Lịch sử, Chính trị và Đông phương học của Đại học Yale.
Theo THE, Yale xếp thứ 9 trong bảng xếp hạng đại học thế giới và thuộc nhóm Ivy League - nhóm trường danh giá với ý nghĩa về hệ thống, triết lý giáo dục và chất lượng đào tạo lâu đời và hàng đầu của Hoa Kỳ.
Ngày 15/12, trên website, Đại học Yale công bố chấp nhận 776 ứng viên nhập học trong số gần 7.800 hồ sơ của đợt tuyển sớm. Đây là tỷ lệ chấp nhận sớm thấp nhất trong 20 năm qua của đại học này.
Đặc biệt, trong thư thông báo trúng tuyển, phó giám đốc tuyển sinh của Đại học Yale có thêm vài dòng chữ viết tay gửi đến Khánh Chi: "Em biết cách dùng những món quà, những thứ mình đang có để khuyến khích mọi người xung quanh - phẩm chất khiến em trở thành một sinh viên của Yale".
Khánh Chi xuất sắc khi mang về suất học bổng trị giá 54.000 USD một năm (khoảng 5 tỷ đồng) cho 4 năm học, với ba ngành học chính là Lịch sử, Chính trị và Đông phương học của Đại học Yale.
Góc nhìn đa dạng về cuộc sống và ước muốn bình đẳng giới của cô gái 17 tuổi
Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, bên cạnh việc học, Khánh Chi đã tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa như các buổi tranh biện (debate), tham gia viết báo cho trường (TH Hamlet), viết bài cho một tạp chí về nữ quyền, nghiên cứu về lịch sử Việt Nam thời kỳ đổi mới. Ngoài ra, Chi cũng năng nổ trong hoạt động thiện nguyện, đi dạy vẽ, tổ chức workshop nghệ thuật và từng là chủ tịch hội học sinh năm lớp 10.
Được trải nghiệm từ chính các hoạt động thường ngày nên cô nàng có những góc nhìn đa dạng hơn về cuộc sống. Từ nhỏ, Khánh Chi có niềm yêu thích đặc biệt với chính trị, được truyền cảm hứng từ ông nội của mình - một giáo viên dạy Lịch sử. Nữ sinh thường chăm chú nghe ông kể chuyện, tò mò đặt câu hỏi, rồi tìm tòi các kiến thức mà sách vở chưa nói đến. Đặc biệt, khi tìm kiếm các bài luận về chính trị, lịch sử, tất cả những bài viết cô bạn ấn tượng đều đến từ Đại học Yale.
Nguyễn Khánh Chi sở hữu tính cách tự tin, hoạt bát.
Tháng 12/2021 là lúc giấc mơ Yale bắt đầu, với Khánh Chi khi đó mới là cô bé 16 tuổi. Nhận được lời động viên của người thân rằng mình có khả năng, hoàn toàn có thể thử sức với môi trường đại học ở Mỹ, thay vì ở Australia như dự định. Cô bạn hỏi ý kiến bố mẹ và nhận được sự ủng hộ tuyệt đối, anh trai Chi hiện cũng đang là du học sinh Mỹ nên có thể giúp nữ sinh hoàn thiện hồ sơ.
"Khi tìm kiếm các bài luận về chính trị, lịch sử trên mạng của rất nhiều giáo sư, mình rất ngạc nhiên khi tất cả bài viết đó đều đến từ các giáo sư nổi tiếng ở Yale. Điều này đã khơi gợi sự tò mò của mình về ngôi trường này và mình rất mong muốn được trải nghiệm môi trường học tập và học hỏi thêm được nhiều điều ở nơi đây". Khánh Chi bộc bạch.
Đồng thời, cô bạn cũng tin rằng khi tìm hiểu và trau dồi kiến thức từ chính trị hay các nền văn hóa thế giới sẽ là đòn bẩy để thực hiện hóa mục tiêu của bản thân. Trong cách nhìn nhận của cô gái 17 tuổi, thúc đẩy bình đẳng giới cho phụ nữ chính là yếu tố quan trọng không chỉ cho phụ nữ ở Việt Nam nói riêng mà còn ở Châu Á nói chung.
“Thông qua những việc làm tích cực, mình muốn mọi người đánh giá mình dựa trên thành tích học tập, tính cách và những thành tựu đạt được thay vì chỉ dừng lại ở định kiến giới tính. Mình đã gặp được nhiều người phụ nữ thông minh, tốt bụng và hoàn toàn xứng đáng được sự tôn trọng. Tuy nhiên, những gì họ làm lại không được đánh giá cao chỉ bởi vì họ là phụ nữ".
Sau khi hoàn thành chương trình cử nhân ở Yale, Khánh Chi hy vọng sẽ được làm việc cho các tổ chức ở Liên Hợp Quốc và dùng kỹ năng của mình để góp phần thay đổi định kiến xã hội.
Khánh Chi mơ ước sau này sẽ trở thành một chính trị gia, một nhà hoạt động xã hội để giúp ích cho cộng đồng.
Hành trình xác định điểm mạnh và chinh phục học bổng 5 tỷ đồng vào đại học hàng đầu thế giới
Nhờ có định hướng du học khá sớm nên Chi đã vạch ra những mục tiêu cần hoàn thành. Cô nàng nỗ lực học tập, tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa để làm hành trang khi trình bày với hội đồng tuyển sinh. “Có ba điều cần tập trung là thành tích học tập, hoạt động ngoại khóa và bài luận”.
Các hoạt động ngoại khóa cũng là những điểm sáng trong hồ sơ xin học bổng. Theo Chi: “Để gây ấn tượng với hội đồng tuyển sinh, các bạn nên thể hiện sự năng động, tích cực tham gia hoạt động hoặc tập trung vào một lĩnh vực cụ thể để làm dấu ấn cá nhân riêng của bản thân. Từ đó, các bạn sẽ cho thấy sự quan tâm, am hiểu sâu sắc về vấn đề đó".
Và cũng không nên bỏ qua yếu tố quan trọng nhất trong bộ hồ sơ khi apply chương trình Đại học Yale là thành tích học tập. Trong gần ba năm học ở TH school, Khánh Chi đạt điểm A, A+ ở tất cả môn học. Ngoài ra, cô bạn còn xuất sắc khi cùng đồng đội xếp thứ 11 thế giới trong cuộc thi World School Debate Championship 2022; giành ngôi quán quân cuộc thi Hanoi Debate Tournament 2022, á quân World School Debate Open 2022 của câu lạc bộ tranh biện Đại học Harvard.
Bên cạnh đó, khi xác định ứng tuyển vào Yale, Khánh Chi dành thời gian ôn thi IELTS và SAT (bài kiểm tra chuẩn hóa dùng xét tuyển đại học ở Mỹ). Chi đạt IELTS 8.5, nhưng kết quả hai lần thi SAT vào tháng 8 và tháng 10/2022 chưa khiến cô bạn hài lòng, bởi "chỉ vừa đủ đỗ". Để tiết kiệm thời gian, Chi chuyển luôn sang viết luận, hoàn tất hồ sơ.
Không ngừng trau dồi kiến thức và tìm ra điểm mạnh của bản thân đã giúp cô bạn Khánh Chi cải thiện được hồ sơ của mình
Có 7 bài luận cần hoàn thành, trong đó, một bài luận lớn Chi viết trong thời gian nghỉ hè năm lớp 11 và 6 bài luận nhỏ cô bạn viết vào đầu năm lớp 12. Trong bài luận lớn, Khánh Chi nói về đam mê lịch sử, chính trị của mình. Ở một số bài luận nhỏ, Chi lý giải sự quan tâm tới triết học Marx, tại sao mình chọn Yale và một bài viết về tổ chức nữ quyền cô bàng từng tham gia. Nhờ sớm xác định được vấn đề mình quan tâm, dành nhiều thời gian tìm hiểu về trường và chắt chiu những chi tiết nhỏ trong cuộc sống thường ngày, Khánh Chi hoàn thành tất cả bài luận trong khoảng 5 tháng.
Chia sẻ về bí quyết học tập và giành học bổng của mình, Khánh Chi cho biết bản thân luôn vạch ra một lộ trình cụ thể cho tất cả các môn học, đồng thời rèn luyện khả năng tập trung cao độ. Ở đây có 2 phương pháp học tập chính:
- Một là, khi bắt đầu một môn học mới, luôn xem thời hạn và yêu cầu của các bài tập/bài thi môn học đó, từ đó vạch ra lộ trình cụ thể để chuẩn bị trước.
- Hai là, rèn luyện khả năng tập trung cao độ cho bản thân khi học tập. Khi ngồi vào bàn học cần loại bỏ toàn bộ các yếu tố gây xao nhãng và tập trung suy nghĩ trong một thời gian tương đối dài - đây gọi là trạng thái “flow” (dòng chảy) của suy nghĩ. Từ đó có thể hoàn thành những công việc một cách hiệu quả trong thời gian ngắn.
- Ngoài ra, việc cân bằng học tập và tham gia hoạt động ngoại khóa đến từ sự phân bổ thời gian cho các hoạt động hợp lý bằng cách lên kế hoạch những công việc cụ thể cần thực hiện: học tập, hoạt động xã hội, sở thích, sức khoẻ,…
Kết thúc cuộc trò chuyện, Khánh Chi có một vài lời khuyên đến với các bạn trẻ: "Hãy trải nghiệm nhiều hơn! Trải nghiệm bất cứ thứ gì cũng được, có thể là đi du học, có thể là một công việc mà mọi người không bao giờ nghĩ mình sẽ làm, có thể là một môn thể thao hay một nhạc cụ mà mọi người không bao giờ nghĩ mình sẽ chơi.
Càng lớn mình càng thấy ý nghĩa của những trải nghiệm, bởi mỗi trải nghiệm sẽ cho mọi người một câu chuyện để kể, và một kỉ niệm để nhớ về. Và đôi lúc những trải nghiệm tưởng chừng như chẳng liên quan gì đến những cái thường ngày làm cho mọi người hứng thú lại, khiến mọi người nhận ra một cái gì đấy hay ho về bản thân hoặc về thế giới xung quanh".
Dự kiến, tháng 8/2023, Khánh Chi sẽ nhập học ở Mỹ và cô bạn đang tập trung cho những dự định cá nhân của bản thân.
Tags