Nữ Việt Nam gặp Mỹ: Không gì cản nổi những ước mơ

Thứ Sáu, 21/07/2023 07:28 GMT+7

Google News

Hành trình lớn nhất và gian nan nhất của những cô gái kim cương bắt đầu từ 8h00 sáng mai (giờ Việt Nam) trên sân Eden Park. Đó là hành trình lớn chưa từng có, gian nan chưa từng có và cũng đáng tự hào chưa từng có của họ. Và dù có điều gì xảy ra chăng nữa, họ cũng có quyền ngẩng cao đầu.


Hành trình lớn nhất ấy bắt đầu từ hôm nay và sẽ là một dấu mốc lịch sử đối với một nền bóng đá luôn khát khao vươn lên đỉnh cao từ một xuất phát điểm rất thấp. Năm 1991, ở World Cup nữ đầu tiên, khi Mỹ đăng quang sau một trận chung kết đầy kịch tính, bóng đá nữ ở Việt Nam mới đang manh nha ra đời. 32 năm đã qua kể từ ngày đó, trong khi chúng ta mới lần đầu có mặt ở World Cup, Mỹ đang là đội tuyển nữ số 1 thế giới, và đang hướng đến chức vô địch thứ 5.

Một ngọn núi, một tượng đài

Kể từ hôm Mỹ thua Nhật Bản trong trận chung kết ngày 17/7/2011 đến nay, nước Anh đã có 5 Thủ tướng, nước Mỹ có 3 đời Tổng thống và thế giới cũng đã trải qua một đại dịch lớn. Nhưng trong khoảng thời gian ấy, đội tuyển nữ Mỹ chưa hề thua bất cứ một trận đấu nào ở vòng knock-out World Cup. Trong lịch sử tất cả các kỳ World Cup đã tham dự, họ mới chỉ thua đúng 4 trận.

Và giờ đây, họ thậm chí còn đang hướng tới việc lập kỷ lục 3 lần liên tiếp đăng quang.

Những gì mà báo chí thế giới và Mỹ viết về đội bóng của Megan Rapinoe và Alex Morgan ấy những ngày này là những lời ngợi ca. Netflix có kế hoạch làm một series phim tài liệu về hành trình World Cup này của họ, trong đó có phần đặc biệt dành cho Rapinoe, người sẽ có World Cup cuối cùng trước khi giải nghệ ở tuổi 38.

Cô là đồng Vua phá lưới và cũng là cầu thủ hay nhất World Cup 2019. Tạp chí Forbes dành những lời có cánh cho Trinity Rodman, chân sút trẻ tài năng 21 tuổi, người đã ghi cả 2 bàn trong trận thắng xứ Wales 2-0, trận giao hữu chuẩn bị cuối cùng trước World Cup, và không quên nhắc rằng, cha của cô là Dennis Rodman, một trong những vận động viên bóng rổ xuất sắc nhất trong lịch sử giải NBA.

Tạp chí nổi tiếng Sports Illustrated thì dành cả một bài báo lớn cho Alex Morgan, tiền đạo xinh đẹp và tài năng, người vẫn muốn toả sáng ở World Cup này, khẳng định rằng sau khi sinh con, cô vẫn khát khao những vinh quang mới.

Đương nhiên, không phải mọi chuyện đều ổn với nhà ĐKVĐ. Cũng không khó để chỉ ra rằng, trong khi Mỹ có khá nhiều vấn đề về nhân sự và chuyển giao thế hệ, và được dẫn dắt bởi một HLV lần đầu đến World Cup, thì các đội tuyển cạnh tranh khác đã nâng cao trình độ, nhất là các đội châu Âu.

Anh đã vô địch EURO nữ và đã đánh bại Mỹ 2-1 trong một trận giao hữu gần đây, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Canada cũng rất đáng gờm. Dù Mỹ luôn là số 1 thì họ cũng không phải là bất khả chiến bại. Sau chức vô địch 2019, Mỹ đã chỉ đoạt huy chương đồng ở Thế vận hội Tokyo 2020 và 3 trận thua liên tiếp trước các đối thủ châu Âu vào mùa Thu năm ngoái là một lời cảnh báo cho thấy, Mỹ không còn ổn định và không có nhiều tiến bộ. Vị trí số 1 của họ sẽ bị thách thức mạnh mẽ ở World Cup này.

Không gì cản nổi những ước mơ - Ảnh 1.

Hôm nay, các nữ cầu thủ Việt Nam sẽ bắt đầu một hành trình lịch sử. Ảnh: Anh Ngọc

 Luôn ngẩng cao đầu trước bão dông

Nhưng một đội Mỹ như thế vẫn là một đỉnh Everest với Việt Nam. Chúng ta đã quen leo lên Fansipan, đỉnh núi cao nhất Đông Dương, đã luôn chinh phục những cái hồ gần nhà, nhưng đây là đỉnh núi cao nhất thế giới, là đại dương, làm sao có thể không choáng ngợp trước viễn cảnh ấy?

Nhưng những ngày trước trận đấu lớn nhất trong đời họ, luôn có tiếng cười trong các buổi tập ở sân Fred Taylor Park, ngoại ô Auckland. Dưới bầu trời lúc nắng lúc mưa bất chợt và khá lạnh hàng ngày, họ tập ở đó và vui vẻ. Tâm lý tốt, thoải mái là một trong những yếu tố quan trọng nhất để đối đầu với một đối thủ hùng mạnh cả về đẳng cấp lẫn tầm vóc (theo nghĩa bóng, cũng như theo nghĩa đen, khi đối phương đa phần cao hơn các cầu thủ chúng ta một cái đầu). HLV Mai Đức Chung đã nói với tôi rằng, ông đã luôn làm việc về mặt tâm lý với các cầu thủ và giải toả trong họ những nỗi lo lắng, hồi hộp và cả sự tự ti nếu có. Chúng ta vẫn chưa biết được tâm trạng thực sự của các cầu thủ như thế nào và liệu điều đó có ảnh hưởng đến cách tiếp cận trận đấu sáng mai hay không, nhưng rõ ràng các cầu thủ cần những tác động tâm lý tích cực sau một hành trình giao hữu với kết quả từ tốt đến tệ. Họ đã chơi không tồi trước Đức, đội bóng số 2 thế giới. Nhưng sau đó, họ đã thua New Zealand, đội không thắng được lần nào trong 10 trận trước đó, và rồi thua tiếp Tây Ban Nha, một ứng viên vô địch, tới 0-9. Kết quả ấy có thể là một cú sốc, một sự nhắc nhở World Cup nghĩa là thế nào.

Vậy nên, nghe các tuyển thủ nữ, từ Huỳnh Như, người tôi đã nói chuyện trước khi đội tuyển sang châu Âu tập huấn, cho đến trung vệ Diễm My ở buổi tập mấy ngày trước, nói rằng họ sẽ cố gắng hạn chế bàn thua và đặt mục tiêu ghi bàn vào lưới Mỹ, mà cảm thấy nể. Đó chính là mục tiêu của họ. Một bàn thắng như thế nghĩa là lịch sử, trong một giải đấu mang tính lịch sử, với một thế hệ vàng của bóng đá nữ Việt Nam. Nhưng ngay cả khi không có bàn thắng ấy thì sự có mặt của họ ở đây cũng đủ để khiến người hâm mộ tự hào.

Amelia Earhart, nữ phi công nổi tiếng người Mỹ đã từng nói: "Một cuộc phiêu lưu tự nó đã có ý nghĩa". Cô lại nói, trước khi bay trong hành trình vượt Đại Tây Dương đến cái chết: "Hãy biết cách sợ hãi. Chính nó sẽ dẫn đến chỗ bạn để lòng dũng cảm". Vậy đó, hãy nghe Earhart và hãy lấy chính đội tuyển Mỹ làm tấm gương cho bản thân trong hành trình lịch sử này, hỡi những cô gái Việt Nam! Cứ mơ thôi, không gì có thể cản nổi những ước mơ… 


Trương Anh Ngọc (phóng viên TTXVN tại Auckland, New Zealand)

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›