Những áp lực từ sự kỳ vọng, đặc biệt là sau khi nữ Philippines đánh bại New Zealand, đã khiến đội tuyển nữ Việt Nam nóng vội trước Bồ Đào Nha, và rồi thất bại.
Nữ Việt Nam nóng vội vì ý nghĩ "ăn" được Bồ Đào Nha
Thực tế thì ngay trước trận đấu với Bồ Đào Nha, chính HLV Mai Đức Chung cũng phát biểu rằng ĐT nữ Việt Nam chịu áp lực từ chiến thắng lịch sử của Philippines trước đồng chủ nhà New Zealand. Đây chính là đội bóng từng đánh bại Việt Nam 2-0 ở trận giao hữu trước giải. Kết thúc 90 phút ở sân Waikato, Thanh Nhã cũng thừa nhận rằng cô và các đồng đội đã nóng vội.
Những phút đầu tiên của trận đấu là thời điểm mà đội tuyển nữ Việt Nam đã dâng lên gây sức ép mạnh mẽ. Và nếu chỉ nhìn vào khoảng thời gian (ngắn ngủi) ấy, có lẽ không ít người hâm mộ đã tin rằng thầy trò Mai Đức Chung có thể làm được một điều gì đó trước đối thủ được xem là "mềm" nhất ở bảng E. Bồ Đào Nha cũng mới lần đầu dự World Cup như chúng ta, "chỉ" hơn chúng ta 11 bậc, chứ không cao vời vợi như Mỹ hay Hà Lan.
Ngay từ trước giải, ban huấn luyện cũng như các cầu thủ, và cả số đông người hâm mộ cũng đã tin rằng mục tiêu ghi được bàn thắng, hay tham vọng hơn là có điểm, chỉ có thể được thực hiện ở trận đấu với Bồ Đào Nha. Việc chỉ thua Mỹ 0-3 càng khiến nhiều người ảo tưởng về một kết quả ấn tượng trước Bồ Đào Nha, bất chấp việc chúng ta không sút nổi một cú nào trước nhà ĐKVĐ (so với 28 cú của đối phương).
Áp lực từ chiến thắng của Philippines
Nhưng động lực (hay áp lực?) khiến ĐT nữ Việt Nam nóng vội chính là chiến thắng của nữ Philippines trước nữ New Zealand hôm 25/7. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, có hai đội Đông Nam Á cùng góp mặt ở một VCK World Cup, nên việc so sánh cũng là dễ hiểu. Philippines đã biết chiến thắng. Thái Lan cũng từng làm được điều đó (trước Bờ Biển Ngà ở World Cup 2015). Tâm lý nóng vội, vì thế, đã nảy sinh ngay sau tiếng còi khai cuộc. Và khi tấn công không nổi thì những khoảng trống lộ ra, và ĐT nữ Việt Nam phải trả giá.
Nếu nữ Việt Nam kiên trì phòng ngự như trước tuyển Mỹ, liệu chúng ta có cơ hội chiến thắng, hay khiêm tốn hơn là một trận hòa? Không ai có thể khẳng định điều đó. Song có một điều chắc chắn: nếu chúng ta phòng ngự đủ tốt, áp lực sẽ chuyển ngược lại Bồ Đào Nha, đội bóng thật ra dứt điểm cũng không tốt (dứt điểm 26 lần, ghi 2 bàn). Khi ấy, cơ hội phản công là có, và việc ghi được bàn thắng không hẳn là bất khả thi.
Đây không phải lần đầu tiên, ĐT nữ Việt Nam rơi vào cái bẫy tâm lý kiểu như vậy. Tại vòng loại World Cup 2015, chúng ta đã tiến rất gần tấm vé dự VCK khi được tiếp Thái Lan trong trận play-off ở sân Thống Nhất, nhưng rồi áp lực trước 15000 khán giả vào gần kín sân đã khiến các học trò của HLV Trần Vân Phát không còn là chính mình. Nhà cầm quân người Trung Quốc thừa nhận rằng đội thua một phần vì áp lực từ khán đài.
Nhưng dù sao thì việc ĐT nữ Việt Nam đến với VCK đã là một kỳ tích. Và trong bóng đá, có những giới hạn rất khó có thể vượt qua, nhất là khi những đôi chân nặng trĩu vì áp lực tâm lý. Vì thế, người hâm mộ cũng không nên tạo thêm sức ép cho những nữ tuyển thủ nữa, mà cần để họ thi đấu với một tâm thế thoải mái nhất có thể.
Tags