(Thethaovanhoa.vn) - Với công chúng yêu nhạc, ngoài mùa nhạc Giáng sinh và nhạc Xuân, từ 21 năm qua, đã có thêm một mùa nhạc đặc biệt nữa. Có thể gọi tên đơn giản, ngắn gọn, là mùa nhạc Trịnh.
Khác với nhiều không gian âm nhạc khác, sân khấu nhạc Trịnh không nhất thiết phải luôn hoành tráng, rực rỡ. Nó có thể chỉ là một góc ở nhà hát, quảng trường, phòng trà, một cuộc tụ tập bạn bè, hoặc đặc biệt nhất, là ngay bên ngôi mộ của Trịnh Công Sơn.
Với người hâm mộ nhạc Trịnh lâu nay, ngay trong ngày 1/4, họ đã cùng đến hát và nghe nhạc Trịnh bên mộ của ông, trong chương trình có tên Thao thức cùng Trịnh, mỗi năm một chủ đề nào đó.
Đêm nhạc dài kỷ lục
Từ hơn 10 năm qua, tại ngôi mộ Trịnh Công Sơn ở nghĩa trang Gò Dưa, Thủ Đức, vào đúng ngày mất của ông (theo dương lịch), từ khắp mọi miền, người yêu nhạc cùng hẹn về, cùng đàn hát cho nhau nghe. Một cách rất tự nhiên mà không cần đến bàn tay đạo diễn chuyên nghiệp nào và đây cũng là chương trình không có một giọng ca chuyên nghiệp nào!
Năm nay cũng thế, Thao thức cùng Trịnh lần thứ 10 diễn ra từ 19h30 tới rạng sáng! Người ta cùng hát, cùng nghe, cùng song ca, tốp ca rồi đồng ca. Không nề hà hay dở, hát bị chênh phô nốt hoặc lúng túng, lạc nhịp cũng không sao. Miễn cùng tình yêu nhạc Trịnh.
Ai có sức ngồi nghe hoặc có sức hát tới bao nhiêu thì hay bấy nhiêu! Nên không lạ khi mà sau 23h, bên cạnh những người ra về thì có thêm những người khác chạy xe máy đem theo ghế xếp vào nghĩa trang nghe nhạc Trịnh!
Khán giả và “ca sĩ” là người quanh vùng cũng có, từ Huế vào, từ Cần Thơ lên, Đà Lạt xuống, thậm chí có người từ Vũng Tàu chạy xe máy lên! Người ta ngồi khắp nơi, vì nghĩa trang chật chội, ít có chỗ! Bên mộ Trịnh Công Sơn, bên mộ mẹ và bà ngoại của ông, bên những thành mộ, dưới mấy quãng trống giữa các ngôi mộ lân cận! Nghe lời ca tiếng đàn vang lên giữa các ngôi mộ nhấp nhô cũ mới, trong những khoảng sáng tối của nghĩa trang giữa khuya, quả là một trải nghiệm đáng để nhớ với công chúng yêu nhạc Trịnh!
Sinh thời, chắc nhạc sĩ họ Trịnh chưa bao giờ nghĩ rằng khi rời cõi tạm, chính ngôi mộ của mình lại trở thành sân khấu “dã chiến”, nơi sẽ đón nhận những tiếng hát hồn nhiên cùng chung niềm yêu thương tác phẩm của mình đến vậy.
Năm nay, chương trình Thao thức cùng Trịnh còn được tổ chức như một sự lưu giữ kỷ niệm, có thể là chương trình cuối cùng tại thành phố Thủ Đức. Khi mà sắp tới, mộ Trịnh Công Sơn sẽ được di dời về Huế.
Mùa nhạc đến hẹn lại lên
Hàng năm, người yêu nhạc Trịnh đều dành sự quan tâm đón đợi nhất định với các chương trình kỷ niệm Trịnh Công Sơn do chính gia đình ông thực hiện. Năm nay, khác với thường lệ, gia đình cố nhạc sĩ lại kết hợp cùng nhà làm phim Em và Trịnh để tổ chức đêm nhạc. (Bộ phim Em và Trịnh kể về một phần đời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, đã đóng máy một năm trước, dự kiến sẽ ra mắt trong tháng 6 tới). Chương trình mang tên 21 năm nhớ Trịnh Công Sơn diễn ra với quy mô tổ chức cũng nhỏ gọn, đơn giản, vào chiều 1/4/2022 tại Đường sách TP.HCM, một địa điểm quen thuộc mà gia đình ông ưa thích tổ chức.
Ngoài chương trình nhạc Trịnh của gia đình, điểm qua có thể thấy nhiều hoạt động ý nghĩa khác được lồng ghép vào các đêm nhạc Trịnh. Mà thí dụ cụ thể có thể kể đến là đêm dành riêng cho các em thiếu nhi khuyết tật hát nhạc Trịnh. Đêm này diễn ra lúc 20h ngày 3/4/2022 tại phòng trà Lalaland, Q.1, TP.HCM, với doanh thu được trích ra để hỗ trợ cho các em thiếu nhi khuyết tật.
Với ca sĩ Ánh Tuyết, cái cách chị nhớ người nhạc sĩ thân tình của mình là tái xuất hiện trong các đêm nhạc Trịnh. (Từ nhiều năm nay, Ánh Tuyết hầu như ngưng đi hát, chỉ dành thời gian chủ yếu để chăm lo gia đình). Ánh Tuyết là ca sĩ chính trong 2 đêm nhạc Trịnh tối 31/3 và 1/4 có chủ đề Hãy yêu nhau đi tại Hội An.
Năm nay, quê nhà Ánh Tuyết, tỉnh Quảng Nam, còn “chơi lớn”, làm riêng một đêm nhạc Trịnh Công Sơn trong Năm du lịch quốc gia Quảng Nam 2022. Đây là dịp khi thành phố Hội An vừa có một “sản phẩm du lịch” mới, một không gian để tưởng niệm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở Cồn Bắp bên dòng sông Thu Bồn. Một đêm nhạc Trịnh dự kiến sẽ tổ chức ở đây dịp 1/5/2022.
Người ta vẫn không ngừng nghe, hát những ca khúc của Trịnh Công Sơn suốt bao nhiêu năm qua, từ trong nước đến hải ngoại. Thậm chí có hẳn một phòng trà mở ra chỉ để hát nhạc Trịnh hàng tuần như phòng trà Trịnh Ca ở Hà Nội.
Nhưng kể từ ngày ông ra đi, đã thành thông lệ bất thành văn, quãng thời gian từ sau sinh nhật Trịnh Công Sơn 28/2 đến ngày giỗ 1/4 dương lịch, kéo dài trên dưới 1 tháng sau đó, rất tự nhiên, được mặc định dần dà như một mùa nhạc Trịnh.
- Trịnh Công Sơn trong tôi: Những không gian in bóng Trịnh
- Tưởng nhớ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại Trịnh Ca nhân 21 năm ngày mất
- Trịnh Công Sơn - Trở về như mùa Xuân...
Mùa mà trên các sân khấu ca nhạc lớn nhỏ trên cả nước và hải ngoại đều có các chương trình hoặc tiết mục nhạc Trịnh. Các biên tập viên âm nhạc ở các sân khấu, tụ điểm, phòng trà… luôn phải cân đo đong đếm để tránh ca sĩ hát trùng bài. Mùa mà các ngôi sao khi hát nhạc Trịnh đều muốn phát hành album mới của mình vào dịp này. Mùa mà lượt nghe nhạc Trịnh trên các nền tảng nhạc số, YouTube… có lượng/lượt nghe đáng kể nhất trong năm. Mùa mà thời băng đĩa nhạc còn thịnh hành, là dịp trúng lớn của các cửa hàng băng đĩa vì họ bán rất chạy các chương trình băng đĩa liên quan đến nhạc Trịnh Công Sơn.
Mùa mà, có lẽ, hình như chưa có nhạc sĩ Việt nào có được. Âu đó cũng là niềm hạnh phúc không thể đong đếm được của người sáng tác.
Minh Minh
Tags