17/02/2024 08:13 GMT+7 | Văn hoá
Tôi đến bản Na Riềng, xã Bắc Quỳnh (Bắc Sơn, Lạng Sơn), thì bất ngờ gặp 20 hộ trong xóm còn nghề làm ngói âm dương.
1. Vùng núi phía Bắc nước ta từ xa xưa phần lớn người dân Tày, Nùng, Mông và một số bản Dao định cư thường lợp nhà bằng ngói âm dương. Gọi ngói âm dương là gọi theo cách lợp, hàng dưới ngửa, hàng trên úp. Âm dương là thế, chứ ngói thì chỉ có một loại cong hình mo. Ngói này sản xuất đơn giản, cách lợp càng dễ dàng đơn giản, nhưng rất tốt. Mái ngói âm dương luôn giữ cho không khí trong nhà thoáng mát vì khe hở ngửa, úp của hai viên ngói dễ dàng đẩy khí độc trong nhà thoát ra ngoài, cũng như hơi mát trong nhà luôn được đưa vào đầy ắp. Nên ngôi nhà lợp ngói âm dương không khí luôn thanh sạch.
Chỉ mỗi tội, bị mưa đá hoặc gió lốc tháng Ba là dễ bị sập mái!
Bây giờ, người ta dùng "ngói Tây" bền chắc hoặc mái tôn cho tiện và nhanh. Nhưng mái tôn hay ngói Tây không có ưu điểm bằng ngói âm dương về độ thoáng! Hơn nữa, do công đoạn sản xuất ngói âm dương lại đơn giản, giá rẻ cũng là yếu tố hấp dẫn. Nên nghề làm ngói âm dương không bị mất dù nó không phát triển như một số nghề khác. Đến nay vẫn nhiều nhà dùng.
Bây giờ trên đất Bắc Sơn (Lạng Sơn) vẫn có những lò sản xuất và có nơi tiêu thụ. Nên làm ra không sợ ế, vì tính ưu việt của nó. Ở ta, nghề làm ngói âm dương thường chỉ có ở người Tày - Nùng.
Tôi đến bản Na Riềng, xã Bắc Quỳnh (Bắc Quỳnh là tên mới gộp 2 xã, mất dấu vết lịch sử hai xã cũ rồi), thì gặp 20 hộ trong xóm còn nghề làm ngói âm dương.
2. Ngói âm dương tạo hình khá đơn giản. Sau khi đất đã được lọc sạch nhào kĩ, người ta dùng kéo dây sắt cắt một tảng đất ném vào khuôn vuông vắn 20x20 cm, rồi đứng hai chân lên, day ra bốn phía, nén cho đất thít chặt xuống khuôn. Xong lại dùng kéo dây thép hớt bỏ phần đất phía trên ra. Thế là xong viên ngói. Bây giờ chỉ việc nhấc ra, lăn lớp gio mỏng lên mặt để chống dính khuôn. Đặt viên ngói đất mới làm "cưỡi" lên cái "khuôn" võm hình yên ngựa, thế là định hình viên ngói cong! Để một tuần cho se dần rồi nhấc từng viên ra, xếp nghiêng phơi thêm tuần nữa cho khô là có viên ngói phôi chờ nung.
Làm ngói cũng như đóng gạch, vất vả nhất là khâu che mưa che nắng. Phơi ngói gặp mưa thì khổ đã đành, nhưng nắng rát quá cũng không tốt. Nắng to mặt ngoài khô nhanh, trong rút nước chậm, viên ngói khi nung dễ nứt hỏng. Ngói vào lò hải được khô đều từ ngoài đến lõi mới tốt.
Anh Dương Công Thắng, một chủ lò kể: Làm ngói trông đơn giản thế nhưng cũng là nghề gia truyền đấy, không phải ai cứ muốn làm là được. Làm phải nắm kĩ thuật từ xử lý đất, phơi phóng đến đốt lò thời gian và cách làm thế nào. Đời ông cha anh đã làm, giờ anh làm và con anh cũng đang làm. Xóm này còn hai chục hộ làm...
Đất làm ngói phải đi mua từ Bình Gia về. Phải đào ở độ sâu vài mét mới có đất sạch không dính cát sỏi. Mang về nhồi cho mịn dẻo như đất đắp tượng để đưa vào khuôn mới ra viên ngói. Phơi phóng cả tuần nửa tháng cho khô róc nước tận lõi thì cho vào lò nung được!
Nung ngói này phải dùng củi, tốn lắm. Củi cũng phải mua ở nơi khác, chủ yếu là gỗ keo mới trồng, chứ không được phá rừng, dù rừng vẫn còn.
Lò to nung được 5 vạn viên, nhỏ thì 4 vạn. Xếp gạch vào lò thì nhiều người giúp nhau cũng mất một hai ngày. Gạch xếp úp thìa, theo hình móng ngựa, từ vách lò thu dần vào giữa.
Nung ngói khác hẳn nung gạch. Nung gạch cách ba viên thì đặt một viên than, còn nung ngói thì đốt củi, xếp đều, không ken ghép gì. Nung ngói, củi đốt vào chính giữa lò, than lửa luôn đượm cho sức nóng tỏa đều các hướng. Mỗi một lò đốt mất 15 ngày, tốn 34 đến 35 mét khối củi. Nửa tháng nung phải cắt nhau canh trực 24/24 đấy, phải giữ lửa cháy đều, đến khi ngừng đun, tắt bếp, lại để một tuần cho lò nguội dần. Khi viên ngói chỉ còn hơi âm ấm mới được dỡ!
Vậy là đun một lò ngói từ lúc vào lò, nổi lửa đến khi dỡ lò mất đúng một tháng. Mỗi lò nung bốn vạn viên, lợp được hai nhà sàn vuông to. Chừng trên dưới 2 vạn viên cho mỗi nhà.
3. Ngói âm dương có hai loại. Loại lợp thông thường kích thước 20x20 cm dày chừng 10 ly thì làm nhiều, loại ngói đắp nóc 30x30 cm, dày trên 15 ly làm ít hơn và giá cũng cao hơn vì nguyên liệu nhiều gấp ba lần và nung cũng tốn củi và công hơn. Nên ngói to giá 6 - 7 ngàn đồng một viên, còn ngói lợp mái chỉ 1,7 - 1,8 ngàn một viên. Lò nào đốt xong cũng bị hỏng một ít, chỗ non lửa ngói bị xốp, chín không đều hoặc già lửa quá thì cong vênh, viên ngói khô không đều thì méo vỡ. Nên việc trông đốt lò phải hết sức cẩn thận.
Ngói âm dương đã có từ nghìn năm, vì cách làm dễ. Chưa có nghiên cứu nào về loại vật liệu xây dựng này. Nó có giá trị của văn hóa vùng, không biên giới.
Riêng tôi, mỗi khi nhìn mái ngói âm dương lại gợi cho mình tình làng bản núi rừng rẻo cao ấm áp. Bởi dưới mái nhà lợp ngói này này thường chỉ gặp những dân lành mộc mạc...
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất