Nước mắt chảy nghiêng, loang tràn khắp nơi

Thứ Hai, 02/01/2017 06:51 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Cuối năm, dân tình xôn xao chuyện ca sĩ họ Đàm đăng đàn tố mẹ. Nhưng ở đây, tôi muốn bàn một câu chuyện rộng hơn về tình mẫu tử mà tôi từng trải nghiệm.

Tôi hỏi một anh Mỹ trắng, bốn hai tuổi, vợ con đề huề rằng, nếu bị đặt vào hoàn cảnh tương tự như ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, anh sẽ xử sự thế nào. Không cần nghĩ, anh ta nói luôn: anh sẽ không bao giờ bỏ rơi mẹ mình, dù bất cứ hoàn cảnh nào. Tôi vặc lại: nhưng mẹ anh nghiện bài bạc, lấy của anh đến đồng xu cuối cùng, anh vẫn nhắm mắt phục vụ nhu cầu của một con nghiện được sao?

Nguyên văn trả lời của anh ấy: "Cha mẹ mình, bạn thân mình, họ có làm gì, mắc lỗi gì chăng nữa họ vẫn là cha mẹ là bạn mình. Tất nhiên trường hợp mẹ anh như thế, anh sẽ không dung túng. Anh sẽ vừa giúp bà trả nợ vừa làm đủ mọi cách giúp bà thoát bài bạc. Bước đường cùng, không còn cách nào khác, chắc anh đưa mẹ đến nơi nào đó hoang vắng chỉ có hai mẹ con, đến khi mẹ quên được cờ bạc, sẽ trở về. Như thế anh có thể mất việc, mẹ anh có thể lên cơn mà tự gây thương tích cho mình hoặc thương tích cho anh, song trong tình cha mẹ anh em đâu có bao giờ tính toán thiệt hơn".

Đó là suy nghĩ của một người con Mỹ, nơi mà mối quan hệ cha mẹ - con cái luôn bình đẳng, nơi mà cha mẹ không có quyền áp đặt mong muốn của mình lên con cái từ nhỏ cho tới lớn, nơi mà mẹ chỉ cần đét vài lần vào mông con cũng có thể ở tù nếu bị phát giác. Nơi mà nếu có tài sản, di chúc bao giờ cũng chia đều cho các con bất kể trai gái giầu nghèo. Nơi mà con hiếm khi bắt mẹ phải đến làm người trông cháu và mẹ chẳng bao giờ gào lên “tao đẻ ra mày nuôi mày khôn lớn cho mày học hành, mày phải phụng dưỡng tao...”


Bìa đĩa guitar “Lòng mẹ” của Lê Vinh Quang. Ảnh có tính chất minh họa

Mới nói tình thương yêu phải từ tâm mà ra, nếu xuất phát từ đầu hay miệng, thể nào cũng lụi tắt. Trên đời, chẳng cha mẹ hay con cái nào hoàn hảo. Dù yêu thương nhau đến thế nào, đôi lúc cũng sai lầm cũng hờn giận. Thượng đế trao cho con người dâu tằm để dệt sợi dây yêu thương huyết thống.

Cha mẹ và con cái phải cùng nhau nuôi tằm, trồng dâu, lọc tơ, quay sợi. Con vụng về cha mẹ làm thay, cha mẹ yếu tay con khỏe mạnh con quay giúp. Đạo hiếu là ở đó. Đâu cần con phải học thuộc Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/ Một lòng thờ mẹ kính cha/Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

Hẳn nhiều người đã đọc và nhớ truyện cổ tích Một người mẹ của Andersen. Một người mẹ, sau nhiều đêm thức trắng chăm con ốm đã mỏi mệt thiếp đi, lúc tỉnh lại thấy thần chết đã bắt mất đứa trẻ. Đau đớn, hoảng loạn, mẹ quyết tâm đuổi theo thần chết đòi lại con.

Hành trình xuyên qua bao nhiêu đèo sâu vực thẳm buốt giá, mẹ đánh đổi tất cả mọi thứ mình có: đôi mắt, mái tóc xanh, thậm chí phải vừa khóc vừa hát ru cho vừa lòng thần đêm tối, cuối cùng mẹ cũng gặp thần chết.  Ông ta chỉ cho bà tương lai tăm tối, khổ ải của đứa trẻ nếu tiếp tục sống trên trần gian với bà và cuộc sống tươi vui, rạng rỡ nơi thiên đường sau khi chết đi.

Người mẹ trước đây đã cầu xin thần chết trả lại sự sống cho con mình, nay quỳ xuống, van lạy ông ta hãy mang ngay con mình đến thiên đàng. Còn sự hy sinh nào cao cả hơn thế, vĩnh viễn chia xa để con không phải chịu đớn đau. Cái chết chia lìa thân xác, làm sao chia lìa nổi thương yêu mẫu tử.

Thỉnh thoảng, báo chí lại đưa tin con cái ở đâu đó ngược đãi, đánh đập, giết hại cha mẹ. Rồi bố mẹ bỏ rơi hay tra tấn con như thời trung cổ. Chúng ta lên án họ, đào bới hành động táng tận lương tâm của họ, bàn tán nguyên nhân gây ra nông nỗi. Nhưng mấy ai trong chúng ta thực sự truy xét đến ngọn nguồn, thấu hiểu đến tận cùng nguyên cớ sâu xa gây nên thảm cảnh.

Di truyền, giáo dục, ảnh hưởng xã hội... bao nhiêu là độc tố, là lý giải. Người ta đổ tội cho nghiện ngập, cho nghèo đói, cho ít học mà ít chú trọng đến cách sống, cách cư xử, cách thể hiện thương yêu giữa những con người tội nghiệp đó. Thương yêu có sẵn trong lòng bất cứ ai, mà truyền được thương yêu đến người khác nhiều lúc chẳng dễ chút nào. Chẳng thế, các nhà nghiên cứu đã khẳng định nếu bố mẹ ôm hôn con thật nhiều, khi lớn lên, đứa bé sẽ  thành người tốt.

Lúc trước, còn ở Việt Nam, đọc nghe này nọ, tôi đinh ninh ở phương Tây, mối quan hệ con cái với cha mẹ rất công thức. Đại khái không được can thiệp vào cuộc đời nhau, ai ăn người ấy trả, bố mẹ già thì vô nhà dưỡng lão, có khi cả năm con chẳng đến thăm... Nghe băng lạnh, chả có chút tình nào.

Đến lúc sống ở phương Tây, mới thấy sai bét. Khái niệm bình đẳng trong gia đình khác với bình đẳng tôi và bạn là bằng nhau thông thường ngoài xã hội. Đặt tình thương yêu vào bình đẳng nhiều hơn lý trí, đó là cách tôi thấy người Mỹ tử tế sống. Không thể đứa con bốn tuổi hư, mẹ mắng thì cháu "bình đẳng" mắng lại mẹ. Hay mùa Giáng sinh, mẹ tặng quà cho đàn con, các món quà phải bằng giá tiền nhau. Tôi chứng kiến có ông bốn mươi tuổi đầu ngày nào cũng phải nghe tiếng mẹ mới yên tâm.

Năm ngoái, một phụ nữ hơn bảy mươi tôi quen biết đã uống thuốc độc tự vẫn. Nhiều nguyên do dẫn đến trầm cảm, trong đó căn nguyên chính là người cha hơn trăm tuổi mà bà chăm nom mười mấy năm qua đời. Ai cũng nghĩ cha bà đã sống quá thọ, mười mấy năm bà đã quá mỏi mệt với cha, đáng ra bà nên nhẹ nhõm. Lòng bà đâu giản đơn vậy.

Con một, mẹ bà mất sớm, cha bà dù thành đạt và vô cùng hấp dẫn các cô gái, vẫn không đi bước nữa. Năm cha hơn 90  tuổi, không còn khả năng tự lái xe, bà đón cha về nhà mình. Dù cha bà nhiều tiền để có thể chuyển đến nhà dưỡng lão tốt nhất, bà cũng có tiền để dễ dàng thuê người chăm sóc cụ, và dù cha bà luôn miệng trấn an cha sẽ ổn ở nhà dưỡng lão. Bà nói bà còn sống và khỏe mạnh, nhàn rỗi, sao lại để người khác chăm sóc cha mình.

Năm ngoái, sau Giáng sinh, con cái bà thương mẹ quá, tìm mọi cách từ nhẹ nhàng đến gây sức ép khuyên bà gửi cụ đến nhà dưỡng lão một thời gian ngắn để bà và chồng du lịch châu Âu. Bà đi, được một tuần thì nhận tin cha chết trong nhà dưỡng lão, vào một đêm mưa tuyết, trên tay cầm mảnh giấy vẽ nguệch ngoạc tên vợ và con gái. Thương nhớ, ân hận, dày vò, bà trầm cảm tìm đến thuốc độc. Bà không chết nhưng phải dùng thuốc chống trầm cảm cả năm qua.

Lần gặp nào, bà cũng kể với tôi những kỷ niệm ngày thơ ấu bên cha mẹ. Tôi không lạ trước tình yêu vô hạn bà dành cho cha, bởi đã từng chứng kiến cứ nửa đêm, cha bà lại lang thang khắp ngôi nhà, gõ cửa từng phòng thảng thốt "Cathy, vợ tôi đâu? Chúa ơi, sao người nỡ dắt đi Cathy xinh đẹp của tôi? Con gái, con còn nhỏ lắm..." Đến lượt mình, các con bà cũng bàn nhau và quyết định sẽ không bao giờ đưa bà vào nhà dưỡng lão.

Kể câu chuyện này, tôi chỉ muốn nói một điều, nếu cha mẹ sống tốt, yêu thương gia đình vô hạn, họ sẽ là tấm gương cho con cái, cháu chắt noi theo.

Hôm qua, tôi thấy hình ảnh một người đàn ông mạnh mẽ cạo trọc mái tóc huyền thoại để xin ơn trên cho mẹ mình tỉnh lại. Hôm qua, tôi nghe người bạn có mẹ bị đột quỵ thảng thốt kêu lên: xin trời đừng mưa nữa, đừng rưới thêm nỗi buồn lên tôi...

Luật pháp nghiêm minh, lý thường đúng. Nhưng trong gia đình, tình mới là tối cao, là vô hạn. Lý gì cũng cần một chữ nhường. Sao cứ phải so đo nước mắt chảy xuôi nước mắt chảy ngược. Hãy để chúng chảy nghiêng, để loang tràn khắp nơi...

Yêu thương hóa giải mọi điều, chẳng phải thế sao?

Nhà văn Đỗ Hoàng Diệu
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›