Đôi khi những hành động nhỏ cũng có thể khiến bạn vô tình bị "mất điểm" trong mắt đồng nghiệp và cấp trên.
Trong công ty có đủ loại người. Một số người rất thông minh, trong khi số khác thì kém khôn ngoan. Một số người thẳng thắn, số khác lại vòng vo, lắt léo.
Dưới đây là 8 hành vi bị coi là ngốc nghếch, ngớ ngẩn ở chốn công sở. Nếu bạn có một vài hành động thiếu tinh tế dưới đây thì cần chỉnh sửa kịp thời.
1. Sợ hoặc không muốn tiếp cận lãnh đạo
Một số người sợ hoặc không muốn tiếp cận sếp. Điều họ thường nghĩ là: Mình cứ hoàn thành tốt công việc thì cần gì phải kết thân với lãnh đạo. Tất nhiên, một số người do nhút nhát nên rất sợ sếp. Họ làm tốt công việc, hiệu suất cao nhưng khi đối mặt với sếp bỗng lóng ngóng, lo lắng.
Thực tế, các sếp, nhà lãnh đạo cũng chỉ là những người bình thường. Họ chẳng có gì đáng sợ khiến nhân viên chùn bước. Nếu bạn không dám gần lãnh đạo, họ sẽ nghĩ bạn nhút nhát, tự ti, mặc cảm, thậm chí là cả thái độ coi thường.
Bạn càng tạo khoảng cách với các sếp thì vị thế của bạn trong lòng sếp càng xa. Ngay cả khi bạn làm tốt công việc, bạn cũng không có được sự coi trọng, tin tưởng từ sếp.
Vì thế, việc không dám hoặc không tiếp cận sếp được đánh giá là hành vi kém khôn ngoan. Thông thường, nhiều bạn trẻ mới ra trường thường mắc phải lỗi này. Hãy thay đổi ngay, hãy gần gũi hơn với lãnh đạo để được đánh giá tốt. Tuy nhiên, nếu bạn không muốn kết thân với lãnh đạo thì cũng đừng tỏ thái độ trốn tránh.
2. Đi theo con đường của riêng mình, coi bữa ăn với đồng nghiệp là sự lãng phí thời gian
Nhiều người thể hiện cá tính nơi làm việc, làm theo cách riêng của mình mà không quan tâm đến người khác.
Tại chốn công sở, bữa ăn rất quan trọng. Đó là nơi để mọi người gần gũi nhau hơn, xoá tan khoảng cách, thấu hiểu tâm lý cũng như tình cảm không tiện thể hiện trong văn phòng. Đồng thời, thông qua những bữa ăn, bữa tiệc sẽ giúp bạn hiểu được văn hoá công ty và thiết lập mối quan hệ với mọi người.
Tuy nhiên, nhiều người không chú ý đến các hoạt động công ty, trong đó có việc cùng nhau dùng bữa. Họ cho rằng đó là sự lãng phí thời gian, vô nghĩa.
Nếu không tham gia dùng bữa với đồng nghiệp, bạn đang tự gây ra tổn thất lớn cho bản thân. Bạn đang vô hình tạo nên khoảng cách với mọi người, bị mọi người đưa vào danh sách "không dễ giao tiếp", thiếu tinh thần đồng đội.
Trên thực tế, khi bạn tham gia vào các bữa ăn ở công ty, bạn sẽ cảm thấy đây là chất keo gắn kết mọi người với nhau.
3. Diễn đạt không tốt, thiếu kỹ năng báo cáo công việc
Cho dù công việc chưa được suôn sẻ, bạn cũng cần biết cách báo cáo công việc khôn khéo với lãnh đạo. Bạn cần biết cách "nói giảm, nói tránh" điều chưa hoàn thành tốt, làm nổi bật điểm chính, làm thế nào để diễn tả sự nỗ lực của bản thân một cách khéo léo.
Nếu dân công sở không giỏi diễn đạt thì dù hiệu quả công việc rất tốt cũng khó có được vị trí cao trong mắt nhà lãnh đạo. Họ sẽ không thể phát hiện được tài năng của bạn.
Một số người nhận xét đây là hành vi cực đoan khi chỉ biết phô trương trước các sếp. Họ cho rằng những người này giỏi "khua môi, múa mép", nịnh nọt lãnh đạo để thuận lợi trong công việc.
Nhưng nếu nhìn ở góc độ khách quan thì việc ăn nói lưu loát, báo cáo công việc trôi chảy sẽ giúp bạn để lại ấn tượng trong mắt lãnh đạo. Sếp sẽ đánh giá cao thái độ làm việc cùng ý tưởng bạn đưa ra. Vì vậy, bạn phải là người vừa làm giỏi, vừa nói giỏi mới có được sự nghiệp hanh thông.
4. Giấu dốt và thích khoa trương
Một số người yếu kém kiến thức và kỹ năng nhưng không chịu chủ động học hỏi. Họ sợ mọi người biết sẽ coi thường. Còn nếu họ hiểu được chút ít sẽ cố tình khoa trương, khoe mẽ nhằm lôi kéo sự chú ý.
Sự hiểu biết nửa vời này đôi khi gây hoạ lớn và trở thành trò cười trong mắt đồng nghiệp. Biết bao nhiêu thì nói bấy nhiêu, không biết thì tốt nhất nên tránh tuỳ tiện khoe khoang. Bởi tuỳ tiện chỉ khiến bạn lúng túng, thụ động.
Gặp vấn đề nào khúc mắc, tốt nhất bạn nên tìm kiếm đồng nghiệp hoặc lãnh đạo để hỏi. Họ sẽ thông cảm và rộng lượng hướng dẫn bạn.
Nếu bạn thực sự quan tâm đến thể diện của chính mình và kết quả công việc thì nên trở thành người khiêm tốn, trung thực và biết chịu trách nhiệm với công việc của mình.
5. Báo cáo vượt cấp và nghĩ rằng sẽ được sếp đánh giá cao
Trong một nhóm người luôn có 1-2 người vô ý thức, thích báo cáo vượt cấp.
Nhân viên vượt cấp hay vượt quyền có thể hiểu là những người có vị trí, chức vụ thấp hơn nhưng lại có biểu hiện, hành vi không đúng, vượt quá quyền hạn của mình tại nơi làm việc.
Những người này thường không xem trọng quản lý, cấp trên của mình (thường là các quản lý cấp trung), luôn tự ý quyết định những vấn đề trong công việc. Họ tỏ ra ngạo mạn, thích nổi trội trong cơ thể.
Như vậy, đây là lối hành xử thiếu khôn ngoan, tinh tế, có nguy cơ rước hoạ vào thân.
6. Người quá thẳng thắn, dễ bị kích động
Trong công ty, một số người có tính cách thẳng thắn, bộc trực, nghĩ gì nói nấy.
Thẳng thắn là tính cách tốt. Nhưng những người thẳng thắn này cũng thường suy nghĩ thiếu mạch lạc. Vì vậy, khi bị người khác khiêu khích, họ dễ bị kích động, tâm lý bất ổn, hành xử thiếu khôn ngoan.
Những người này thường dễ bị người khác lợi dụng, trở thành quân cờ không hơn không kém mà không hề hay biết.
7. Là một người tốt mù quáng, không biết từ chối
Ở nơi làm việc sẽ luôn có kiểu người rất tốt, nguyên tắc của họ là làm người tốt, không đắc tội với ai, luôn nể mặt mọi người.
Nếu bạn mù quáng làm người tốt, bạn sẽ dễ dàng bị người khác lợi dụng. Bạn có nguy cơ bị lợi dụng không giới hạn, bị mắng mỏ, chèn ép.
Tại sao lại có những người mù quáng làm người tốt đến vậy? Điều này thường vì họ ở vị trí thấp hơn nên có cảm giác bất an ở nơi làm việc. Họ cảm thấy tự ti, thờ ơ với chính bản thân mình. Tuy nhiên, bạn càng yếu đuối càng bị người khác coi thường, lợi dụng.
Vì thế, không phải việc của mình thì nên từ chối. Hãy học cách cứng rắn để cuộc sống thoải mái, an nhiên hơn.
8. Tự cho mình là đúng và có quyền đánh giá người khác
Ở chốn công sở, một số người tự cho mình quyền đánh giá, phán xét người khác. Họ cho rằng mình có sự nhìn nhận khách quan, một mặt nói tốt về người khác, mặt khác lại nói xấu, nói chưa đủ về người khác.
Khi mối quan hệ không tệ thì những đánh giá này có thể là vô hại. Nhưng với một đối tượng mới gặp gỡ, mới giao tiếp hay đang phát sinh mâu thuẫn thì những lời đánh giá này sẽ như con dao găm vào trái tim họ vậy.
Vì vậy, ở nơi làm việc cần tránh tuỳ tiện phán xét người khác. Chuyện này chẳng có gì hay ho, nhất là khi lời đánh giá ấy được truyền miệng bởi nhiều người.
Nguồn: 163.com
Tags