(Thethaovanhoa.vn) - Bà chủ vốn là người chuộng những thông tin giải trí, thay vì quá quan tâm đến thời sự. Thế nhưng, vụ cháy chung cư tại Xa La (Hà Đông) vừa xảy ra lại trở thành ngoại lệ. Nó làm bà phải suy nghĩ nhiều.
Cháy nhà thì ngày nào, tuần nào chẳng nghe tin. Nhưng đằng này là cháy chung cư 34 tầng. Bao nhiêu là người ở. Biết tin từ chập tối, bà hốt hoảng hết lên mạng internet, bật đài rồi lại hóng bản tin cuối ngày trên vô tuyến để theo dõi tình hình. Phải tới khi đám cháy được dập tắt, sự căng thẳng của bà mới trôi đi.
“Lại còn bận tâm tranh cãi xem cháy một ngàn hay là hai trăm xe máy. Không chết ai là may rồi, còn người thì còn của”. Bà lẩm bẩm với một nụ cười. Cười giễu, chứ không hề vui. Bởi hình ảnh những cư dân tại chung cư CT4 Xa La hoặc khóc nức nở, hoặc hốt hoảng cuống cuồng, hoặc được cấp cứu vì ngạt khói vẫn ám ảnh bà.
“Mình bắt đầu biết đến những cảnh ấy từ bao giờ nhỉ?” - bà tự hỏi. Hình như là tận hơn 20 năm trước, vào đầu những năm 1990. Khi ấy, chính trên ti vi, bộ phim “Vụ cháy khủng khiếp” của Mỹ được chiếu. Phim làm từ năm 1974, nhưng khán giả Việt Nam vẫn choáng váng trước cảnh tòa cao ốc bốc cháy trong lễ khánh thành, với dòng người xô đẩy tìm đường thoát hiểm.
“Hình như, đó cũng là thời điểm mà người Việt mình chỉ thấy những tòa cao ốc chọc trời qua màn ảnh. Còn bây giờ, chỉ cần mở cửa, ai cũng thấy nhà cao tầng mọc lên như nấm xung quanh” - bà nghĩ. Hơn 20 năm, đô thị Việt Nam thay đổi thật nhanh. Ngay cả hỏa hoạn ở nhà cao tầng, nếu muốn, người ta cũng có cơ hội xem tận mắt, chứ không cần phải tưởng tượng qua phim nữa.
Hóa ra, những thảm họa ấy rồi cũng đến lúc xảy ra ngay ở nơi mình sống, chứ không còn là chuyện của nước này, nước nọ xa vời. Bà và gia đình cũng đang sống trong một căn hộ chung cư.
Nhà rộng cả trăm mét vuông, đi lại thoải mái giữa các phòng, chỉ ấn nút thang máy là bước xuống siêu thị nơi tầng một. Đó là những tiện ích mà ông bà vẫn hay tấm tắc với nhau, mỗi khi nhìn lại thời gian sống trong ngôi nhà ba tầng trước đây.
Thế nhưng, vụ hỏa hoạn vừa rồi lại nhắc bà nhìn câu chuyện ở một khía cạnh khác: khi việc vận hành của tòa nhà hiện đại chứa hàng trăm hộ dân ấy lại phụ thuộc rất lớn vào nguồn điện được cung cấp. Hỏa hoạn, điện bị cắt, thử tưởng tượng cảnh ông bà sẽ dắt nhau, sấp ngửa chạy suốt vài chục đoạn cầu thang bộ, giữa sự hỗn loạn của dòng người.
Thở dài, bà lại lẩn mẩn lên mạng, ngồi liệt kê những vụ hỏa hoạn tại nhà cao tầng ở Việt Nam trong vài năm qua. Rồi lè lưỡi, lắc đầu khi đọc những bài báo về sự yếu kém trong phòng chữa cháy tại những nhà cao tầng bây giờ.
Tối nay, khi ông chủ về, câu đầu tiên bà sẽ hỏi ông là… cách di chuyển khi có hỏa hoạn. Ở chung cư, hãy tính cách thoát hiểm khi cháy. Thế mà, từ lúc sống ở đây, chưa bao giờ họ nghĩ tới chuyện ấy...
Remote
Thể thao & Văn hóa
Tags