(Thethaovanhoa.vn) - Thời gian vừa qua, câu chuyện về cuộc sống của người dân tại các chung cư ở các thành phố lớn như Hà Nội hoặc TP.HCM thu hút sự chú ý của dư luận xã hội; đặc biệt là sau khi xảy ra những vụ hỏa hoạn, hay sàm sỡ phụ nữ, trẻ em trong thang máy…
Chung cư rõ ràng là còn nhiều vấn đề mà một trong những vấn đề có cảm tưởng như ít được quan tâm, đó là văn hóa ứng xử cộng đồng trong chung cư.
Tôi bất chợt nhớ lại cái ngày gia đình tôi được phân căn hộ tầng 1 trong một khu tập thể đầu những năm 1980.
Đối với gia đình tôi khi đó, được chuyển từ nhà tranh vách nứa lên nhà gác 2 tầng quả là một sự may mắn bởi vì nhà tôi không thuộc diện được phân nhà. Các tiêu chuẩn bao gồm: bố hoặc mẹ là cán bộ, nhà đông con, gia đình chưa có nhà ổn định… và một số tiêu chuẩn khác gia đình tôi đều không đúng đối tượng. May mà có một hộ được phân nhà nhưng từ chối và nhường lại ưu tiên đó cho chúng tôi.
Những năm đầu sống trong khu chung cư mới quả thật rất thú vị. Vì các gia đình trong khu tập thể đa phần là công tác cùng cơ quan cho nên hầu như đều quen biết nhau cả. Và mặt bằng sinh hoạt cũng tương đương cho nên không thấy có sự phân biệt giàu nghèo.
Hàng ngày, khi người lớn đi làm thì ở nhà tất cả trẻ con ngoài giờ đi học tụ tập chơi những trò chơi tập thể như đá bóng, đánh khăng, thi thoảng rủ nhau đấu kéo co giữa các dãy nhà. Đến giờ thổi cơm thì những đứa được phân công tự giác về nhóm bếp, nhặt rau chuẩn bị. Nếu thiếu con dao gọt mướp, cái cối giã cua hoặc là thứ gì đó đều có thể sang nhà bên cạnh mượn về dùng. Ai cũng thoải mái hỗ trợ chia sẻ.
Buổi tối, những gia đình có ti vi thường chuẩn bị ghế ngồi hoặc trải chiếu để cho những nhà chưa có đến xem cùng, mọi người thường thể hiện sự nhường nhịn cho người già, ưu tiên cho trẻ nhỏ ngồi phía trước. Quả thật rất tình người, rất thân thiện.
Cái tình cảm hàng xóm láng giềng đậm nét nhất trong các khu chung cư khi đó nhớ nhất có lẽ là khi nhà ai đó có đám tang. Hầu như không ai bảo ai, khi biết tin mọi người đều rủ nhau đến chia buồn thăm hỏi, hỗ trợ tiếp khách, cắt cử người đi lo giúp cỗ áo quan, chuẩn bị đào huyệt mộ để chôn cất.
Đặc biệt vào dịp gọi thanh niên lên đường nhập ngũ làm nghĩa vụ quân sự, cả khu không phân biệt già trẻ gái trai, tối đến tất cả đều đến các gia đình có con em lên đường động viên chia sẻ, tặng quà.
Cuộc sống trong các khu chung cư bây giờ thế nào?
Ngoài vấn đề an ninh tòa nhà, an toàn cho các hộ dân, chuyện phòng cháy chữa cháy hay vấn đề về thang máy thì cuộc sống tại các khu chung cư còn khá nhiều vấn đề.
Cư dân sống trong chung cư hiện nay thường là công việc và địa vị xã hội khác nhau, nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội. Họ đến từ nhiều vùng miền khác nhau vì vậy đem theo luôn cả cái văn hóa vùng miền vào ứng xử hàng ngày tại chung cư.
Những thói quen tùy tiện, thiếu ý thức trong sinh hoạt họ không thay đổi cho phù hợp với cuộc sống đô thị. Họ không cần quan tâm đến hàng xóm là ai, quen biết thì chào hỏi, không chào cũng chẳng sao. Cùng một tầng có khi cũng chẳng biết nhau chứ nói gì chuyện tầng trên tầng dưới.
Những câu chuyện kiểu như giúp đỡ hàng xóm hay hỗ trợ nhau chuyện này chuyện kia trong chung cư giờ đây có vẻ đang ít dần, đa số mọi người ngại va chạm hoặc nhờ vả nhau gì đó.
Chính vì vậy, có rất nhiều gia đình con cái có nhà chung cư trên thành phố nhưng bố mẹ dưới quê nhất quyết không chịu lên ở cùng. Đa phần các cụ lý giải là sống ở chung cư buồn, chả nói chuyện được với ai cả, cả ngày cửa khóa ngồi trong nhà xem ti vi chán ngắt. Nếu có ra ngoài thì không gian vui chơi không có hoặc chật chội, rất khó thích nghi.
Chưa kể đến việc nhiều gia đình có điều kiện thuê ô-sin, kiến thức không có nhiều, mỗi khi cho trẻ nhỏ vào thang máy cứ hết bấm lên lại xuống, ảnh hưởng đến mọi người chờ đợi. Rồi chuyện đổ rác sai quy định, có khi vứt bừa sang cửa nhà hàng xóm.
Thế mới thấy là trong cuộc sống ở đâu cũng vậy thôi, có thể không phải nhà cao cửa rộng, tiện nghi vật chất nhiều hay ít mà đôi khi chỉ cần những ứng xử văn hóa, những chia sẻ trong cuộc sống đời thường khi gặp khó khăn, cách đối xử với hàng xóm láng giềng văn minh lịch sự... chúng ta cũng đã thấy được giá trị của nơi mình sống.
Nó cũng đúng với câu nhiều người hay nói: “An cư mới lạc nghiệp”.
Quốc Thắng
Tags