Liên tiếp nhiều ngày qua, Hà Nội là một trong những thành phố đứng hàng đầu thế giới về ô nhiễm không khí. Ô nhiễm đã, đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, cũng như sức khỏe người dân Thủ đô.
Gia tăng các bệnh về hô hấp, da liễu
Theo thông tin từ ứng dụng theo dõi, dự báo chất lượng không khí IQAir, Hà Nội chịu tác động của bụi mịn ở mức độ cao. Chỉ số AQI có lúc đã vượt quá 300 (cảnh báo đỏ đậm) và nhiều khu vực ở mức trên 200 (cảnh báo tím).
Trên thực tế, tình trạng khói bụi mù mịt bao trùm thành phố, nhất là khoảng thời gian sáng sớm là điều không còn xa lạ với người dân. Từ xa có thể thấy lớp sương mù dày đặc bao trùm nhiều tòa nhà cao tầng, đường phố. Tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng này khiến cho nhiều người đang sống, làm việc ở Thủ đô không khỏi than phiền vì ảnh hưởng đến giao thông, cũng như những lo lắng về sức khỏe.
Theo các chuyên gia, miền Bắc và Hà Nội đang trong mùa ô nhiễm không khí từ tháng 10 đến tháng 3 hàng năm. Bên cạnh đó, thời tiết Hà Nội liên tục đảo chiều về mặt hình thế và nền nhiệt, biến động liên tục. Do ảnh hưởng của điều kiện thời tiết nên các chất ô nhiễm trong không khí hạn chế khuếch tán, đặc biệt là bụi PM10 và bụi mịn PM2.5. Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.
Việc hít thở hàng ngày trong môi trường khói bụi không chỉ gây ra các vấn đề về sức khỏe như viêm phổi, hen suyễn, còn ảnh hưởng đến tinh thần của con người. Khảo sát tại nhiều bệnh viện lớn trên địa bàn cho thấy tình trạng quá tải bệnh nhân các khoa hô hấp ở mọi đối tượng.
Ghi nhận tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, nhiều người già tới thăm khám với tâm trạng lo lắng, mệt mỏi. Ông Nguyễn Văn Hùng ở quận Hai Bà Trưng có triệu chứng ho kèm khó thở đã kéo dài 1 tuần nay. Ông cho biết mình có tiền sử bị bệnh liên quan đến hô hấp nên thời tiết thay đổi khiến ông rất khó thở. Tình trạng không khí ô nhiễm ảnh hưởng rất nhiều đến những người có hệ hô hấp yếu như ông.
Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, số lượng người đợi xếp hàng lấy số khám bệnh từ sớm tăng vọt. Đa phần những người tới đây đều mắc các bệnh hô hấp, hen suyễn, chủ yếu là trẻ em.
Có tiền sử bệnh viêm phổi từ sơ sinh, mỗi lần thời tiết bất thường kèm theo ô nhiễm, gia đình bé N.T.M ở quận Hoàn Kiếm lại ngược xuôi tới bệnh viện. Gia đình đã mua thuốc, trong đó có kháng sinh nhưng tình trạng của con không đỡ. "Chúng tôi cảm thấy vô cùng lo lắng. Tình trạng ô nhiễm kéo dài và không thấy chấm dứt. Cứ tái diễn như thế này thì gia đình chúng tôi rất vất vả", gia đình bé N.T.M cho hay.
Thời gian gần đây, Khoa Nhi - Bệnh viện Thanh Nhàn tiếp nhận nhiều trẻ em nhập viện mắc bệnh lý liên quan đến hô hấp. Theo đại diện Bệnh viện, thời tiết chuyển biến, nhiệt độ thấp kèm theo chất lượng không khí xấu tạo điều kiện thuận lợi cho sự gia tăng các bệnh đường hô hấp, như: cúm, viêm xoang, viêm thanh quản và bệnh đường hô hấp dưới, như: viêm phế quản, viêm phổi…
Những người dễ bị ảnh hưởng từ ô nhiễm không khí chủ yếu ở người cao tuổi, phụ nữ có thai, trẻ em, người có sức đề kháng yếu. Ô nhiễm không khí còn có thể ảnh hưởng tới nhiều bộ phận cơ thể người, gây ra nhiều bệnh, đặc biệt là các bệnh lý tai mũi họng. Những người có sẵn bệnh lý về hô hấp cũng dễ gặp các triệu chứng nặng. Người bệnh sẽ thấy khó thở nhiều hơn, ho nhiều hơn, kèm theo tức nặng ngực và các dấu hiệu của đợt cấp sẽ xuất hiện.
Ngoài các bệnh về hô hấp, các bệnh về da cũng tăng cao tại thời điểm này. Theo ghi nhận, tại các tiệm spa luôn đông đúc khách hàng ghé thăm. Chủ một tiệm spa trên đường Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên cho hay, từ sáng đến tối luôn có khách đặt dịch vụ với mong muốn chăm sóc, bảo vệ da tốt nhất.
Bà Nguyễn Thị Hoa ở quận Tây Hồ làm công việc bốc vác ở chợ, ca làm việc thường vào sáng sớm. Do có làn da khá nhạy cảm nên bà thường phải bịt kín khuôn mặt để hạn chế tác động của ô nhiễm. Dù vậy, da vẫn gặp phản ứng nhẹ như mẩn đỏ và ngứa khiến bà không khỏi lo lắng.
"Công việc của tôi không tránh khỏi việc tiếp xúc trực tiếp với không khí ô nhiễm. Hà Nội thời gian này thời tiết cũng ẩm ương, khó chịu, cơ thể vừa khó thở vừa mẩn da. Trong khi công việc của tôi không có nhiều thời gian chăm sóc bản thân", bà Hoa nói.
Theo một bác sỹ da liễu, bụi mịn PM2.5 là một trong những tác nhân chính gây viêm da, mẩn đỏ, ngứa và sưng tấy. Người có tiền sử mắc bệnh chàm, viêm da có thể trở nặng hơn khi tiếp xúc lâu với không khí ô nhiễm. Bên cạnh đó, các chất ô nhiễm góp phần làm tổn thương DNA trong tế bào da. Về lâu dài, tình trạng này có khả năng phát triển ung thư da. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thời gian để chăm sóc da, đặc biệt là những người thường xuyên phải làm các công việc ngoài trời vào ban ngày, tiếp xúc lâu với không khí ô nhiễm.
Để phòng, chống các bệnh về hô hấp và viêm da, các bác sỹ khuyến cáo, người dân cần đeo khẩu trang khi đi ra ngoài; rửa mũi họng bằng nước muối sinh lý làm sạch đường hô hấp; thoa kem chống nắng, dưỡng ẩm da; ăn uống lành mạnh, uống nhiều nước để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể trước sự tấn công của các yếu tố ô nhiễm không khí.
Các hoạt động kinh tế - xã hội bị gián đoạn
Không chỉ gây hại đến sức khỏe, hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống hàng ngày của người dân cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, ô nhiễm không khí có thể gây mất cân bằng sinh thái; cây cối bị rụng lá, không thể đơm hoa kết trái, gây hại cho mùa màng, có thể bị giảm sản lượng, mất mùa…
Tại huyện Sóc Sơn, công tác gieo cấy vụ xuân đã, đang được triển khai để kịp mùa vụ. Tuy nhiên, sương mù dày đặc kèm hơi ẩm, mưa phùn dai dẳng đã khiến người dân lo lắng.
Chị Nguyễn Thị Hoan, chủ đồng ruộng cho biết chị thường xuyên phải kiểm tra, tăng cường bón thúc và theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết để kịp thời bảo vệ giống lúa. Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến những người làm công việc đồng áng từ sáng sớm, phải bịt khẩu trang liên tục nên nhiều lúc cảm thấy ngột ngạt, khó thở.
Tại các vựa rau xanh, cây trồng trong hợp tác xã tại huyện Mê Linh, nhiều người dân cũng đang tìm cách để bảo vệ giống cây khỏi ô nhiễm. Nhiều nơi đã triển khai các biện pháp bảo vệ cây trồng; chủ động kiểm tra cây trồng; hạn chế tối đa việc bị mất mùa…
Ngoài ra, công tác sản xuất kinh doanh, buôn bán, xây dựng của người dân cũng không mấy khả quan. Nhiều đơn vị phải lùi thời gian mở cửa, triển khai công việc muộn hơn để giảm bớt tác hại của ô nhiễm tới người lao động. Một số đơn vị gặp tình trạng nhiều người lao động xin nghỉ do mắc phải các bệnh về hô hấp. Nhằm bảo vệ sức khỏe, các đơn vị đã tăng cường tuyên truyền về tác hại của ô nhiễm không khí và các biện pháp bảo vệ sức khỏe, tăng cường sức đề kháng; công bố, cập nhật chất lượng không khí không chỉ hàng ngày, hàng giờ qua các app, website…
Trong lĩnh vực du lịch, Thủ đô Hà Nội vốn là nơi thu hút khách trong nước và quốc tế tới thăm quan, du lịch. Song, nhiều du khách cho rằng, Hà Nội luôn trong tình trạng ô nhiễm, khiến họ cảm thấy khó chịu, mệt mỏi.
Anh Vũ Minh Đức, du khách từ Thành phố Hồ Chí Minh cảm thấy bất ngờ khi Hà Nội luôn chìm trong sương mù và bụi. "Nhóm chúng tôi rất thích ngắm Hà Nội trong những buổi sáng sớm. Thế nhưng dạo gần đây thời tiết ẩm ương, mù mịt, chúng tôi không dám ra đường vì sợ ô nhiễm. Điều đó cũng khiến cho chuyến đi chơi của cả nhóm không mấy hứng thú như trước", anh Đức chia sẻ.
Mới đây, tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khi cho ý kiến vào dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh vấn đề cốt yếu hiện nay của Thủ đô là ô nhiễm môi trường.
"Nhiều người nước ngoài ở Hà Nội nói Thủ đô rất tuyệt vời, chỉ có mỗi điều là không khí tệ quá. Thủ đô phát triển nhưng lại thường xuyên tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm không khí. Do đó, cần phải cải thiện vấn đề không khí vì thực tế khi theo dõi truyền hình đưa tin, hiếm khi nào cho thấy chất lượng không khí ở Hà Nội tốt", Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề.
Từ thực trạng trên, các chuyên gia môi trường cao cấp của Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam đề xuất: Hà Nội cần tạo cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng mô hình sản xuất sạch; các sở, ngành, địa phương phải tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí do các hoạt động công nghiệp; giám sát, xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường; đẩy nhanh xây dựng các nhà máy đốt rác, xử lý rác tiên tiến, thúc đẩy trồng cây phủ xanh đô thị; kiểm soát ô nhiễm không khí từ hoạt động giao thông vận tải, dừng vận hành đối với các xe không đạt tiêu chuẩn về khí thải. Đồng thời, cần phát triển nhanh hơn nữa mạng lưới giao thông công cộng để hạn chế phương tiện giao thông cá nhân trong nội thành; thúc đẩy tiến độ di chuyển trường đại học, trụ sở cơ quan ra khỏi nội đô để dành đất phát triển không gian xanh.
Tags