Có nên chống phân mảnh ổ SSD không?
Nếu là người sử dụng máy tính lâu năm, bạn có thể đã từng đọc ở đâu đó hoặc được nghe truyền miệng rằng khi ổ cứng có dấu hiệu bị chậm, đó là lúc cần thực hiện một quy trình gọi là chống phân mảnh. Nhưng liệu lời khuyên đó có phù hợp trong thời đại phổ cập của ổ cứng thể rắn (SSD) như hiện nay không? Hãy cùng tìm hiểu xem chống phân mảnh có tác dụng gì và liệu SSD của bạn có cần hay không nhé!
Chống phân mảnh là gì?
Chống phân mảnh (Defragmentation hay defragging) là quá trình tổ chức và sắp xếp lại dữ liệu trên thiết bị lưu trữ, chẳng hạn như ổ cứng, để dữ liệu được lưu trữ trong các khối liền kề nhau. Điều này có thể giúp cải thiện hiệu suất và tốc độ của thiết bị.
Lý do là bởi đối với ổ cứng truyền thống, dữ liệu được lưu trữ trên các đĩa quay được gọi là đĩa cứng. Khi một tệp được lưu, nó được chia thành các phần nhỏ hơn được gọi là các khối, nằm rải rác trên các đĩa cứng. Khi máy tính cần truy cập một tệp, nó phải đọc các khối từ nhiều vị trí khác nhau trên đĩa cứng, việc này có thể mất nhiều thời gian hơn là đọc tất cả các khối từ một vị trí duy nhất. Chống phân mảnh sắp xếp lại các khối của tệp để chúng được lưu trữ cùng nhau, giúp máy tính truy cập tệp nhanh hơn.
Nói cách khác, chống phân mảnh là tái cấu trúc cả các khối dữ liệu lưu trữ trong ổ cứng để chúng nằm gần nhau trong không gian vật lý, điều này có khả năng tăng tốc thời gian đọc khi truy cập dữ liệu trên ổ.
Ổ SSD không cần chống phân mảnh
Cách thức hoạt động của SSD khiến lợi ích của việc phân mảnh tệp gần như không rõ rệt, mà thậm chí còn có thể gây “tác dụng” phụ không mong muốn.
SSD không mất nhiều thời gian để truy cập dữ liệu từ bất kỳ vị trí nào so với vị trí khác. Trên thực tế, nếu các phần dữ liệu khác nhau được lưu trữ trong chip bộ nhớ sử dụng các kênh bộ nhớ khác nhau, thì việc truy xuất tổng dữ liệu thậm chí có thể nhanh hơn do băng thông của nhiều kênh và chip được kết hợp.
Mặc dù bạn chắc chắn có thể chạy quy trình chống phân mảnh trên ổ SSD của mình, nhưng như đã nói, bạn nhiều khả năng sẽ không nhận thấy bất kỳ sự khác biệt nào về hiệu suất. Thêm vào đó, có những rủi ro tiềm ẩn mà bạn không lường được.
Tags