'Ốc đảo' điện ảnh Nhật Bản

Thứ Hai, 18/11/2013 07:23 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Cuối tuần qua, tại BHD Star Cineplex Icon 68 (TP.HCM) đã diễn ra lễ khai mạc LHP Nhật với chủ đề “Thổi làn gió mới! Phim truyện và hoạt hình Nhật Bản 2013” (kéo dài đến 21/11 với hơn 30 phim và 1.000 vé phát ra). Bản thân LHP này đã có vài điều thú vị, nhưng bài viết sẽ đề cập vấn đề rộng hơn: Tại sao thế giới vẫn xem điện ảnh Nhật là một “ốc đảo” - theo nghĩa tốt đẹp của từ này?

LHP Nhật tại Việt Nam luôn khác các nước còn lại, vì lúc nào họ cũng dành một thời lượng và số lượng đáng kể cho phim hoạt hình. Đừng tưởng hoạt hình chỉ dành cho con nít, trong mắt giới làm nghề, thực chất chỉ có vài nền điện ảnh hùng mạnh mới làm được; ngay tại Mỹ cũng vậy, chỉ có vài hãng làm thể loại này ra hồn.

Những điểm dị biệt

Nếu xét về bản sắc để so sánh với những nền điện ảnh lớn, mà cụ thể là Mỹ, Pháp và vài nước phương Tây, điện ảnh Nhật có mấy điểm dị biệt chính sau đây.

Thứ nhất, khi du nhập kỹ thuật điện ảnh cuối thế kỷ 19, người Nhật đã xem loại hình như cách để mở rộng và kéo dài cánh tay của sân khấu. Cho nên tất cả quan niệm, triết lý, thị giác và thẩm mỹ của sân khấu Nhật (vốn rất dị biệt) đã đi thẳng vào phim, làm cho nó rất đặc thù; điều này kéo dài tới giữa thập niên 1980. Trong khi giai đoạn đầu này phương Tây và nhiều nước khác đang xem điện ảnh là cách mở rộng của nhiếp ảnh - một nhiếp ảnh động.

Phim hoạt hình Hai đứa con của sói (ĐD: Hosoda Mamoru, 117 phút).
Thứ hai, điện ảnh Nhật xử lý không gian kiểu hội họa truyền thống với tư duy hai chiều, cho nên họ đề cao tính bề mặt và tính ước lệ. Trong khi phương Tây đề cao không gian ba chiều, quan trọng chuyện “giống như thật”.

Thứ ba, điện ảnh Nhật có cấu trúc kịch bản mang tính tùy bút và giàu chất thơ truyền thống, nên câu chuyện thường hay lan man, chậm rãi, nhảy từ chỗ này sang chỗ kia, thường ít chú trọng vào logic, biến cố. Phương Tây, đặc biệt là Mỹ thì gần như ngược lại, câu chuyện của họ lúc nào cũng nhanh, logic và đầy biến cố.

Ngoài ra điện ảnh Nhật còn nhiều điểm riêng biệt về hóa trang, diễn xuất, bố cục hình ảnh, cách chuyển cảnh…

Cuối cùng, có hai khái niệm quan trọng: Nếu điện ảnh Mỹ và phương Tây chú trọng vào khả năng tái trình hiện (re-representation), thì điện ảnh Nhật chỉ chú trọng vào trình hiện (representation).

Sức mạnh của bản sắc

Sau Thế chiến 2, Mỹ giúp châu Âu tái thiết, trong đó có điều kiện là nền công nghiệp điện ảnh châu lục này tạm thời không cần sản xuất phim nữa, để chiếu phim Hollywood rộng rãi. Trừ cái nôi điện ảnh Pháp không chịu nên còn giữ được bản sắc riêng, phần lớn gật đầu, chỉ khoảng 3 thập niên sau, châu Âu đã lệ thuộc phần lớn vào Hollywood. Với chính phủ Mỹ, Hollywood đóng góp cho kinh tế quốc dân chỉ sau hãng xe Ford, nên họ luôn tìm cách biểu dương thanh thế để bán vé. Hiện nay Trung Quốc chỉ cho phép mỗi năm nhập 20 phim nước ngoài - trong khi Việt Nam gần 150 phim và còn đang nhiều lên - thế mà khi thăm ngoại giao Mỹ, ông Tập Cận Bình đã đến thăm Hollywood.

Còn hơn cả tái thiết, Mỹ nhận “bảo kê” Nhật mọi mặt sau Thế chiến 2, trong đó có điện ảnh. Nhìn bề nổi, người ta dễ dàng nói Nhật bị “Tây phương hóa” mãnh liệt, thế nhưng chiến lược ngầm về văn hóa của quốc gia này đã luôn thành công. Riêng về điện ảnh, không những họ giữ được bản sắc, mà phim nội luôn thu về nhiều tiền vé nhất, cho dù phim Mỹ được chiếu chẳng có giới hạn.

Tại LHP Nhật kỳ này, ông Hiroyuki Ikeda (GĐ Japan Image Council) cho biết: Nước này sản xuất từ 400 - 500 phim hoạt hình mỗi năm, phần lớn chiếu rạp và lên sóng truyền hình - con số kỷ lục. Năm 2000, phim nội địa chiếm gần 55% tỷ lệ ra rạp, còn phim ngoại (chủ yếu là Mỹ) là 45%. Năm 2013 phim nội tăng lên tới 65%, phim ngoại là 35%. Những con số này rất có ý nghĩa khi ta biết rằng tại nhiều nước, phim Hollywood đang chiếm đến 90% tỷ lệ ra rạp và doanh thu; ngay tại Pháp mấy năm gần đây cũng có đến hơn 65% phim Hollywood.

VĂN BẢY
Thể thao & Văn hóa

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›