Sau gần 3 tuần tranh tài đầy kịch tính và hấp dẫn, Olympic Paris 2024 chính thức khép lại với lễ bế mạc diễn ra vào tối ngày 11/8/2024 (giờ địa phương) (tức rạng sáng ngày 12/8/2024 theo giờ Việt Nam).
Với chủ đề "Cùng nhau, vì một tương lai tốt đẹp hơn", Olympic Paris 2024 - kỳ Thế vận hội thứ 33 trong lịch sử - đã thành công tốt đẹp, không chỉ là một sự kiện thể thao mà còn là lời kêu gọi hòa bình, đoàn kết và chung tay bảo vệ môi trường.
Olympic 2024 và những dấu ấn
Thế vận hội mùa hè - Olympic Paris 2024 - diễn ra tại Pháp từ ngày 26/7 đến 11/8/2024. Đây là kỳ thế vận hội lần thứ 3 mà Pháp đăng cai tổ chức và cũng là kỳ Thế vận hội đầu tiên có sự bình đẳng giới hoàn toàn khi Ủy ban Olympic quốc tế phân bổ 50% số suất tham dự cho vận động viên nữ và 50% cho nam. Số sự kiện thi đấu cũng cân bằng hơn về mặt giới tính với 152 sự kiện dành cho nữ, 157 sự kiện cho nam và 20 sự kiện cho cả nam và nữ.
Kỳ Thế vận hội năm nay quy tụ hơn 10.700 vận động viên đến từ 206 quốc gia và vùng lãnh thổ, tranh tài ở 32 môn thi đấu, với 329 nội dung. Đoàn thể thao Mỹ tham dự Olympic Paris 2024 đông nhất, với 592 vận động viên. Đứng tiếp theo là các Đoàn thể thao Pháp (573 vận động viên), Australia (460 vận động viên), Đức (428 vận động viên), Italy (403 vận động viên), Nhật Bản (393 vận động viên), Trung Quốc (388 vận động viên). Các Đoàn thể thao Belize, Nauru, Somalia, Liechtenstein tham dự với số lượng vận động viên ít nhất (1 vận động viên). Đoàn Việt Nam có 16 vận động viên tham gia tranh tài ở 19 nội dung.
Kỳ thế vận hội năm nay đã chứng kiến một cuộc đua gắt gao trên bảng tổng sắp giữa Mỹ và Trung Quốc khi hai đoàn so kè quyết liệt đến phút chót, một kịch bản khá giống kỳ Olympic Tokyo 2020 (diễn ra năm 2021 do đại dịch COVID-19). Cụ thể, sau 17 ngày thi đấu chính thức, 329 bộ huy chương đã được trao, trong đó đoàn Mỹ xếp thứ nhất toàn đoàn với 40 Huy chương vàng (HCV), 44 Huy chương bạc (HCB) và 42 Huy chương Đồng (HCĐ). Đứng thứ 2 là đoàn Trung Quốc với 40 HCV, 27 HCB và 24 HCĐ. Đứng thứ 3 là Nhật Bản với 20 HCV, 12 HCB và 13 HCĐ. Australia đứng thứ 4 với 18 HCV, 19 HCB và 16 HCĐ. Đội chủ nhà Pháp đứng thứ 5 với 16 HCV, 26 HCB và 22 HCĐ…
Tại kỳ thế vận hội lần này, 4 quốc gia lần đầu giành HCV Olympic gồm Botswana (Letsile Tebogo, chạy 200m điền kinh), Cộng hoà Dominica (Thea LaFond , nhảy ba bước nữ điền kinh), Guatemala (Adriana Ruano Oliva, bắn súng), Saint Lucia (Julien Alfred , chạy 100m nữ điền kinh). Trong khi đó, hai quốc gia khác lần đầu có huy chương là Albania (Chermen Valiev, HCĐ vật tự do nam hạng 74kg) và Cape Verde (David de Pina, HCĐ hạng 51kg quyền Anh).
Olympic 2024 cũng là nơi chứng kiến nhiều kỳ tích và kỷ lục thế giới mới được thiết lập. Tổng cộng 125 kỷ lục Olympic bị phá vỡ ở 10 môn thi, 32 kỷ lục thế giới bị phá ở 8 môn. Có thể kể đến như kỳ tích của đội bắn cung Hàn Quốc: phá 3 kỷ lục Olympic và 1 kỷ lục thế giới. Đây là môn mà các cung thủ châu Á thâu tóm trọn bộ 5 HCV, tiếp tục giữ vững ngôi vị số 1. Họ không những chiến thắng các đối thủ, mà còn vượt qua chính mình với những kỷ lục mới.
Các vận động viên Pháp cũng tạo ấn tượng mạnh bất ngờ cho khán giả nhà như nam kình ngư Léon Marchand đã đi vào huyền thoại sau khi giành được HCV cự ly 200 mét hỗn hợp cá nhân. Đây là HCV thứ tư trong 4 nội dung cá nhân mà Marchand thi đấu, thậm chí anh lập kỷ lục Olympic ở cả 4 cuộc đua và đặc biệt là giành 2 HCV trong một ngày thi đấu, điều tưởng chừng như không thể sau khi đã vắt kiệt sức cho lần thi đầu tiên.
Ngoài ra, Olympic Paris 2024 còn có hàng chục kỷ lục thế giới khác bị phá vỡ ở các môn bơi lội, cử tạ, nhảy cao, nhảy xa… Có những vận động viên phá vỡ kỷ lục do chính mình tạo ra như vận động viên Thụy Điển Armand Duplantis, vượt qua mức sào 6,25m trong lần thứ chín phá kỷ lục thế giới.
Ấn tượng lễ khai mạc và bế mạc của nước chủ nhà Pháp
Ấn tượng khó quên của Olympic Paris 2024 không thể không nhắc tới lễ khai mạc và bế mạc của kỳ thế vận hội lần này.
Lễ khai mạc diễn ra vào tối ngày 26/7 trên sông Seine, đoạn chảy qua trung tâm thủ đô Paris đã diễn ra Lễ Khai mạc Olympic Paris 2024. Mặc dù thời tiết không ủng hộ lễ khai mạc, song bất chấp trời mưa, 1,5 tỷ khán giả trên thế giới vẫn được chiêm ngưỡng màn diễu hành của các vận động viên. Olympic Paris 2024 là kỳ thế vận hội đầu tiên tổ chức lễ khai mạc trong không gian mở dọc sông Seine. Khoảng 100 chiếc thuyền lớn, nhỏ chở thành viên của các đoàn thể thao diễu hành trên đoạn sông dài 6 km chảy qua trung tâm thủ đô Paris. Đoàn diễu hành đi qua một số cây cầu và những địa danh mang tính biểu tượng của nước Pháp như Nhà thờ Đức Bà, Bảo tàng Louvre và nhiều điểm tổ chức Thế vận hội như Quảng trường Concorde, Bảo tàng Invalides, Cung điện Grand Palais và Cầu Iena.
Bên cạnh đó, khán giả xem lễ khai mạc còn được thưởng thức nhiều tiết mục trình diễn của các nghệ sĩ, cùng bữa tiệc âm thanh, ánh sáng và màu sắc có một không hai của thế vận hội đầu tiên được tổ chức ngoài trời, trên sông nước.
Nếu như lễ khai mạc được tổ chức dọc theo sông Seine - đánh dấu kỳ Thế vận hội đầu tiên khai mạc bên ngoài một sân vận động, thì lễ bế mạc lại được tổ chức theo hình thức truyền thống - tại Sân vận động Stade de France sức chứa 80.000 chỗ ngồi, một trong những địa điểm mang tính biểu tượng của nước Pháp.
Thật không hổ danh là một "kinh đô nghệ thuật và ánh sáng", lời chia tay của Paris với Olympic 2024 diễn ra vào tối ngày 11/8 (giờ địa phương) lung linh, biến đổi sắc màu kỳ ảo nhờ công nghệ hiện đại và đậm chất nghệ thuật đặc sắc, được trình diễn trên sân khấu rộng 2.800 m2 tại sân vận động Stade de France.
Trong hơn 2 giờ 30 phút, đạo diễn nghệ thuật người Pháp Thomas Jolly cùng 270 nghệ sĩ đã biến sân vận động lớn nhất nước Pháp Stade de France thành một show diễn theo phong cách kinh đô điện ảnh Hollywood, bởi Olympic 2028 sẽ diễn ra tại thành phố Los Angeles của Mỹ.
Với chủ đề lễ bế mạc là "Những kỷ lục" (Records), Ban tổ chức muốn phản ánh tinh thần Olympic và thể hiện ý tưởng "mỗi chúng ta đều sống trong thế giới của riêng mình, chia sẻ điều đó để kết nối lại, cùng vượt qua khó khăn, vừa nhìn về quá khứ vừa hướng tới tương lai". Đạo diễn nghệ thuật người Pháp đã kể lại câu chuyện một nhà du hành giữa các vì sao do vũ công nhảy múa Arthur Cadre thủ vai, người đến sân vận động để khám phá những tàn tích của Thế vận hội và hồi sinh nó giống như nhà sáng lập ra Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) Pierre de Coubertin hồi sinh Thế vận hội cổ đại vào cuối thế kỷ XIX.
Giống như các kỳ trước, buổi lễ bế mạc còn có những nghi thức truyền thống như dập tắt ngọn lửa Olympic, trao cờ Olympic cho Ban tổ chức Olympic Los Angeles 2028 và cuộc diễu hành của các vận động viên để khép lại một mùa hè thể thao sôi động.
Dấu ấn của "kinh đô điện ảnh" Hollywood cũng được thể hiện rõ nét qua sự xuất hiện của tài tử Tom Cruise với màn đu người từ trên đỉnh sân vận động Stade de France ở độ cao 42 mét và đáp xuống mặt đất, cầm lá cờ Olympic và phóng xe máy trên đường phố Paris, sau đó lên máy bay để đưa lá cờ Olympic về thành phố Los Angeles của Mỹ.
Với tất cả sự chu đáo và tận tâm của ban tổ chức, cùng sự nhiệt tình, hiếu khách của chính quyền và người dân thủ đô Paris, khách quốc tế và các đoàn thể thao tham dự Thế vận hội mùa Hè 2024 đã thực sự có những trải nghiệm độc đáo và khó quên ở "kinh đô của ánh sáng và hoa lệ". Như lời của Chủ tịch Ủy ban tổ chức Olympic Paris 2024, ông Tony Estanguet, trong buổi họp báo ngày 10/8 đã nói, Ban tổ chức Olympic Paris 2024 tự hào rằng toàn thể nước Pháp đã "đoàn kết" và "hân hoan" trong suốt 2 tuần đăng cai sự kiện thể thao quy mô lớn nhất thế giới. Chủ tịch Ủy ban tổ chức Olympic Paris 2024 khẳng định: "Nước Pháp đã thể hiện mình với thế giới bằng một trạng thái tinh thần rất, rất tốt: tự tin, đoàn kết, nồng hậu, chào đón".
Tags