(Thethaovanhoa.vn) - Thể thao & Văn hóa đã có cuộc trò chuyện với ông Bùi Xuân Hòa, 1 trong 7 thành viên trong HĐQT VPF, về các vấn đề xung quanh nội dung cuộc họp lần này.
- Cần trả lại cho VPF sứ mệnh lịch sử
- VPF ra đời là tất yêu của lịch sử
- Tổng Giám đốc Phạm Ngọc Viễn: 'VPF vẫn phải phụ thuộc vào VFF'
- Nội dung thì phải ngày họp mới biết, nên bạn thông cảm. Tôi nghe loáng thoáng cũng không có gì để gọi là bí mật cả, chủ yếu cũng xoay quanh việc đánh giá, tổng kết lại hoạt động tổ chức mùa giải vừa qua. Phân chia tiền hỗ trợ cho các CLB tham dự mùa giải 2015. Công bố nhà tài trợ của mùa giải mới, tôi nghe thông báo là đã tìm được nhà tài trợ rồi.
* Nghe nói cuộc họp lần này, VPF sẽ tính thay đổi một số vị trí, trong đó vị trí TGĐ của ông Phạm Ngọc Viễn?
- Không phải là bầu lại TGĐ đâu. Tại Đại hội cổ đông lần trước, công ty VPF có ra một nghị quyết là đến hết mùa giải 2015, anh Phạm Ngọc Viễn sẽ nghỉ để một người khác lên thay. Đáng ra, anh Viễn đã nghỉ từ giữa giai đoạn 1 của mùa giải 2015 rồi, nhưng anh ấy đang làm thì công ty thống nhất để anh ấy làm đến hết mùa giải này.
Đồng ý như thế rồi, nên cuộc họp sắp tới sẽ tính toán lại, tính toán lại thôi chứ không phải kết luận không cho anh Viễn làm TGĐ nữa. Tính toán để mùa giải mới nếu có người năng lực làm việc tốt hơn thì có thể lên thay anh Viễn. Dư luận đồn thổi trong HĐQT muốn anh Phạm Ngọc Viễn nghỉ để anh Phạm Phú Hòa, hoặc anh Nguyễn Minh Châu lên làm TGĐ là không đúng đâu.
* Ông đánh giá như thế nào về quá trình hoạt động của Công ty VPF trong 4 năm qua?
- Cái này thì để Chủ tịch HĐQT Võ Quốc Thắng đánh giá, tôi đánh giá thì không hay lắm. Mà tốt nhất là để mọi người cùng đánh giá tại Đại hội cổ đông thường niên sắp diễn ra.
Tất nhiên, nhìn nhận theo mặt tích cực thì việc ra đời của công ty VPF là xu thế tích cực cho nền bóng đá. Tất cả 7 con người trong HĐQT của công ty VPF cũng đều là tích cực cả. Về phía đại diện cho CLB, có tôi và anh Nguyễn Hồng Thanh (SLNA), VFF có ba người là anh Trần Quốc Tuấn, anh Phạm Ngọc Viễn và chị Đinh Thị Thu Trang kế toán, còn người của công ty có anh Võ Quốc Thắng, anh Nguyễn Công Khế.
Nhưng cũng phải thẳng thắn là hạn chế thì còn nhiều, trong quá trình vận hành cũng có những sai sót, tất cả những con người trong HĐQT đâu phải chuyên nghiệp cả, như anh Thắng là doanh nhân, anh Khế lo cho công việc bên công ty Cổ phần truyền thông Thanh Niên của anh ấy cũng đủ mệt rồi.
* Việc ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch CLB Hải Phòng chỉ trích gay gắt VPF tại Hội nghị tổng kết mùa giải 2015 thì ông nghĩ sao?
- Anh Hùng bức xúc, góp ý như thế là chuyện của cá nhân anh Hùng, còn các CLB khác có ai ý kiến gì đâu.
Theo tôi công ty VPF người ta làm đúng cả đấy. Việc công ty VPF chuyển các khoản tiền như đã hứa với các CLB muộn là chỉ với Hải Phòng thôi, còn SHB Đà Nẵng và các CLB khác vẫn bình thường.
Thậm chí CLB Hải Phòng đến bây giờ cũng chưa đóng góp các khoản tiền theo quy định, cho nên phía Hải Phòng sai, đúng ra Hải Phòng không được tham gia thi đấu. Vì anh chưa thực hiện đúng trách nhiệm của mình sao anh đòi hỏi quyền lợi được.
Còn nếu VPF có chậm chuyển tiền cho các CLB thì cũng là chuyện bình thường trong thời buổi hiện nay. Cũng giống như việc các CLB thỉnh thoảng vẫn chậm lương, chậm thưởng cho cầu thủ.
* Những chỉ trích của ông Trần Mạnh Hùng hướng đến ông Phạm Phú Hòa, Phó TGĐ VPF thì sao?
- Nói anh Phạm Phú Hòa không kiếm ra tiền là không đúng, một mình anh Hòa sao có thể kiếm ra tiền tài trợ được. Anh Hòa phải dựa vào tập thể, vào uy tín thương hiệu của giải đấu mới kêu gọi nhà tài trợ được chứ. Ai vào đây làm cũng thế cả thôi.
Anh Hùng chỉ trích như thế, động cơ chính chủ yếu nằm ở chỗ anh Phạm Ngọc Viễn. Anh Hùng muốn anh Phạm Ngọc Viễn tiếp tục làm TGĐ của công ty, mà anh Viễn sắp nghỉ nên anh Hùng suy nghĩ rằng anh Hòa lên thay thì sao làm được tốt như anh Viễn, ví dụ như thế.
Thực ra là nó cũng chỉ luẩn quẩn như thế, chứ không liên quan gì đến vấn đề năng lực cá nhân.
* Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
4. Được cấp giấy phép hoạt động từ ngày 7/12/ 2011, đến nay VPF đã có 4 năm nắm quyền tổ chức, điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Tuy thế, nhiều người cho rằng VPF không thể phát triển vì VFF siết “vòng kim cô” quá nặng nề. 7. Là số thành viên trong HĐQT Công ty VPF, trong đó Liên đoàn bóng đá Việt Nam chiếm 3 ghế trong HĐQT. VFF chiếm 35,4 % cổ phần nên họ có quyền chi phối nhân sự cũng như hoạt động của VPF. 1. Đại hội đồng cổ đông lần thứ I của công ty VPF đã bầu ông Võ Quốc Thắng là Chủ tịch HĐQT, các ông Lê Hùng Dũng, Nguyễn Đức Kiên và Đoàn Nguyên Đức là Phó Chủ tịch, đến nay chỉ còn duy nhất ông Võ Quốc Thắng còn tại vị. |
Tuệ Chính (Thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Tags