(Thethaovanhoa.vn) - Có mặt tại Incheon, ông Hoàng Vĩnh Giang đã trao đổi với phóng viên TTXVN về những vấn đề liên quan đến đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) cũng như ASIAD 17.
* Với những gì đã thể hiện, ông có nghĩ rằng những tấm huy chương đã phản ánh đúng thực trạng của thể thao Việt Nam?
- Tôi cho tham dự ASIAD lần này, mình có quan điểm tiết kiệm hơn lần trước. Tức là, đã tinh gọn hơn, những môn nào mình đánh giá tiến dần đến khả năng có huy chương thì đi. Tất nhiên cũng có một số một môn không đánh giá hết được. So sánh với ASIAD ở Quảng Châu tổng cộng được 33 huy chương, đến hôm nay chúng ta được hơn 30 huy chương, chắc chắn là còn thêm nữa. Lần nay HCB ít hơn. Nếu so sánh chuyện huy chương chúng ta thấy nó chưa bằng ASIAD lần trước nhưng có thêm tấm HCV thì mọi chuyện khác ngay.
Trong thi đấu thể thao đỉnh cao HCĐ không có nghĩa là đồng, có thể bạc hay vàng sau này. Trong bất cứ Đại hội nào cũng có tính tổng các huy chương, và Việt Nam đứng trong top 8 có tổng số huy chương nhiều. Bạc và vàng chênh nhau nhiều khi còn phụ thuộc vào may mắn.
Nếu Nguyễn Hoàng Phương bình tĩnh hơn, Bùi Thị Thu Thảo điều chỉnh đà tí nữa thì có HCV bắn súng và nhảy xa. Những tấm HCB của Thu Thảo, Quách Thị Lan, Hà Thanh… là rất đẳng cấp. Chúng ta đã tiến gần đến đẳng cấp châu lục.
Hay boxing chúng ta “ba chìm, bảy nổi”. Bị chôn vùi từ những năm 1980 về trước, năm 1982 khôi phục thì lại xảy ra sự cố Hải Phòng để rồi mãi đến năm đăng cai SEA Games 2003 thì mới phục hồi. Chúng ta mời nhiều chuyên gia sang huấn luyện.
Tuy nhiên, trong bối cảnh này thì chỉ có boxing nữ là triển vọng. Nhiều nước Hồi giáo không chơi boxing, chúng ta lấy nữ làm chủ công là đúng hướng. Lê Thị Bằng và Lừu Thị Duyên lần đầu mang về huy chương cho boxing là đáng khích lệ, mở ra hy vọng đầu tư cho boxing sẽ hái quả ngọt trong tương lai. Tiếc rằng chúng ta chưa có trọng tài tham gia vào thành viên của BTC boxing nên thiệt thòi cho VĐV.
* Ý ông muốn nói việc tinh tế trong tham gia chỉ đạo cũng là nhược điểm của chúng ta?
- Cũng có thể gọi là vậy. Ví dụ tôi xem boxing thấy 3 luồng ý kiến chỉ đạo: Tiến lên đánh 3 quả nhưng quả nào phải trước, quả nào trái trước. Hay chỉ đạo đánh đi nhưng đối thủ cách cách 1,5m sao mà đánh. Tôi thì lại chỉ đạo bước vào áp sát gần đối thủ. Chỉ đạo hợp lý trong thi đấu cũng rất quan trọng với các HLV, lãnh đội trong ít ngày tới. Và đối với những môn thi đấu cảm tính dễ bị trọng tài xoay chuyển, không chỉ nỗ lực của VĐV, HLV mà phải có đội ngũ khác, chúng ta hay gọi là vòng ngoài, là quan hệ, là tầm ảnh hưởng để tác động ngược đến các trọng tài, quan chức buộc họ phải nể chúng ta và công bằng hơn. Đôi khi chưa biết cái nào hơn cái nào. Tôi mong các lãnh đội cần phải biết quan hệ rộng, có cái uy và phải tài ba thì mới khuếch trương được vị thế của thể thao Việt Nam.
* Ông có nghĩ rằng công tác trọng tài đang có vấn đề tại ASIAD 17? Và liệu đoàn TTVN cần có đối sách với trọng tài ở chặng nước rút?
- Đúng là ở ASIAD, vẫn phải cẩn thận với trọng tài. Nhưng chúng ta cũng nên chiến thắng bản thân mình trước. Sắp tới có những trận Karatedo. Nhật Bản, Malaysia, Iran mạnh, còn Hàn Quốc cũng không đáng gờm. Chúng ta có Hoàng Ngân tham gia nội dung kata, trọng tài khó mà ép vì Hàn Quốc không có VĐV nào đọ được với Ngân. Malaysia không bằng, Nhật ngang ngửa nhưng chúng ta vẫn được đánh giá cửa trên. Nếu Hoàng Ngân đoạt được tấm HCV thì trọn vẹn.
* Ông có nhận xét gì về bức tranh thể thao của Đông Nam Á. Và, việc nhiều nước nhập tịch VĐV có là gợi mở cho TTVN?
- Tôi không bất ngờ về thể thao các nước Đông Nam Á. Singapore với chính sách nhập tịch ai cũng biết, nên không phải nói họ mạnh. Indonesia đang cho thấy dấu hiệu trỗi dậy mạnh mẽ, có sự đầu tư chu đáo khi đăng cai ASIAD 18. Họ cử đoàn cán bộ sang Hàn Quốc khá đông để học hỏi. Thái Lan mạnh nhất, chúng ta không thể so sánh. Còn chúng ta thì cần phải cố gắng nhiều hơn nữa thì mới không tụt hậu.
Nếu nói thẳng và thật, các bạn hay ví thể thao Đông Nam Á là cái ao làng hay giếng làng gì đó, nhưng tôi thì thấy mình đang sống trong cái “ao làng” thật.
Tôi không tán đồng quan điểm nhập tịch để kích cầu thành tích. Chúng ta có thể áp dụng chính sách đón các con em Việt kiều về nước thi đấu. Trong họ có dòng máu “Lạc Hồng”, nên khi vô địch tấm huy chương cũng sướng và giá trị! Hôm thi nhảy xa nếu Bùi Thị Thu Thảo tăng tốc độ lên và chuẩn hơn nữa ở bước chạy đà, tôi tin cô sẽ vô địch chứ không phải VĐV nhập tịch của Indonesia.
* Cảm ơn ông về cuộc trao đổi.
Hữu Quý (thực hiện từ Incheon)
Thể thao & Văn hóa
Tags