(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 15/4, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa X đã họp kỳ họp lần thứ 4 do Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều chủ trì với sự tham gia đầy đủ của các Ủy viên Ban chấp hành: Trần Đăng Khoa, Nguyễn Bình Phương, Khuất Quang Thụy, Trần Hùng, Nguyễn Thị Thu Huệ, Bích Ngân, Phan Hoàng, Hữu Việt, Lương Ngọc An, Vũ Hồng.
Đến tham dự cuộc họp còn có đại diện của một số cơ quan Trung ương và nhà thơ Hữu Thỉnh, Cố vấn Ban Chấp hành.
Một trong những nội dung quan trọng tại Hội nghị liên quan đến ông Lương Ngọc An Phó Tổng biên tập, Thư ký toà soạn Báo Văn Nghệ. Theo đó, Ban Chấp hành quyết định điều động nhà thơ Lương Ngọc An thôi giữ chức vụ Phó Tổng biên tập, Thư ký toà soạn Báo Văn Nghệ để nhận nhiệm vụ mới kể từ ngày 1/5/2022.
Trước đó, nhà thơ Dạ Thảo Phương tên thật là Phan Thị Thanh Thúy công tác tại Báo Văn nghệ từ tháng 9/1996 với vị trí phóng viên, rồi biên tập viên đã gửi thư ngỏ tố cáo hành vi cưỡng hiếp của ông Lương Ngọc An đến Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, đến nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.
Trong nội dung tố cáo gửi đến Hội Nhà văn Việt Nam, trong thời gian công tác tại Báo Văn nghệ, chị Dạ Thảo Phương cho rằng đã "nhiều lần bị thao túng, khống chế, bạo hành, cưỡng bức" từ năm 1999. Trong đó, vụ việc xảy ra vào trưa ngày 14/4/2000 đã được nhiều người chứng kiến.
Người thứ hai tố cáo ông Lương Ngọc An là nhà văn Bùi Mai Hạnh, cũng lên tiếng trên Facebook cá nhân, về việc ông An đã tấn công tình dục bà không thành.
Trước các nội dung tố cáo, xác nhận với Báo VietNamNet, ông Lương Ngọc An cho hay: "Tôi đã làm đơn tố cáo lên công an vì thấy mình đang bị bà Dạ Thảo Phương vu khống''.
Trên trang cá nhân, ông Lương Ngọc An cũng có những chia sẻ dài. Ông viết: ''Hơn một tuần qua với tôi thật dài. Sững sờ trước những gì diễn ra vào buổi tối 6/4 không phải chỉ vì tên mình, hình ảnh của mình, cùng những bài thơ vô tội đang bị đem ra mổ xẻ, phê phán một cách gay gắt trên mạng xã hội; mà còn bởi vì tôi không hiểu nổi vì sao bỗng dưng lại xảy ra chuyện đó. Một câu chuyện tôi không muốn nhắc lại thêm một lần nữa không phải chỉ vì sự đúng sai, bởi dù đúng hay sai thì cũng chẳng vui vẻ gì.
Tôi đã từng trả giá cho những sai lầm của mình từ hơn 20 năm qua. Suốt hơn 20 năm qua, ai dám bảo sự im lặng là không có sóng. Giữa cái lý với cái tình, khi không thể đồng hành thì tránh đi chẳng phải tốt hơn sao. Trả lời báo chí: “Không biết nói gì lúc này” không phải là né tránh, mà là muốn nghĩ kỹ hơn về chuyện này và chọn thời điểm thích hợp để bớt tổn thương những người không có liên quan".
Kỳ họp của lần thứ 4 khóa X Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam còn có nhiều nội dung quan trọng khác liên quan đến hoạt động của Hội.
Ban Chấp hành đã tập trung thảo luận, đánh giá những hoạt động cơ bản của Hội Nhà văn trong những tháng đầu tiên của năm 2022 và thông qua kế hoạch hoạt động trong thời gian tới.
Về các hoạt động của Hội: Tổ chức thành công Cuộc vận động Sáng tác văn học viết về đề tài thiếu nhi, triển khai in đợt sách miễn phí đầu tiên dành cho trẻ em miền núi và vùng sâu vùng xa.
- Hội Nhà văn Việt Nam trao Giải thưởng Văn học năm 2021
- 4 tác giả, tác phẩm xuất sắc được vinh danh Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam 2021
- Phê duyệt Điều lệ Hội Nhà văn Việt Nam
– Đánh giá ảnh hưởng tốt của Giải thưởng Tác giả trẻ và việc xử lý 1 tác phẩm được trao giải khi có những nghi vấn liên quan đến bản quyền.
– Khẳng định chất lượng và sự đồng thuận cao của Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021.
– Khẳng định quan điểm mới của Ban Chấp hành về việc xét kết nạp hội viên và rút kinh nghiệm quá trình xét kết nạp hội viên năm 2021.
– Triển khai các công việc cho Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10 được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng.
– Lấy ý kiến Ban Chấp hành về việc tổ chức NGÀY NGUYỄN DU lần thứ 1 tại Hà Nội như một sự kiện quan trọng của văn hóa, văn học.
– Chuẩn bị cho việc tổ chức NGÀY THƠ VIỆT NAM sau 3 năm bị gián đoạn vì đại dịch Covid-19 tùy theo tình hình bệnh dịch trong thời gian tới.
P.V
Tags