Ông Phạm Phú Hoà, Phó TGĐ VPF: 'VPF không mập mờ tiền bạc'

Chủ nhật, 18/01/2015 14:14 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Cho rằng cách phân chia tài chính mới của VPF có thể giúp một CLB nhận được khoản hỗ trợ hàng tỉ đồng một mùa nhưng thực tế thu về chỉ vài chục triệu là tuân theo cơ chế đã được công bố công khai tới tất cả các CLB, nên ông Phạm Phú Hòa, Phó TGĐ của VPF cho rằng họ hoàn toàn minh bạch.

“Sở dĩ số tiền hỗ trợ mà các CLB nhận được không giống nhau là bởi chúng tôi có chấm điểm rất chi tiết, cụ thể. Ví dụ như 1 điểm đạt được, tương đương với 10 triệu đồng (hỗ trợ), thì cũng với mức vi phạm đó mà CLB bị trừ đi”, ông Phạm Phú Hòa khẳng định. Ngoài ra, ông Hòa, người phụ trách truyền thông và tài trợ của VPF còn cho biết việc phân chia tài chính cho các CLB không căn cứ vào số lượng các trận đấu, và cũng không liên quan tới tần suất quảng cáo trên truyền hình.

Việc nhà đài vẫn chỉ phát các đoạn clip quảng cáo của HA.GL, Đồng Tâm chỉ “là hình thức trao đổi với các nhà bảo trợ kinh phí cho VPF. Theo quy định ban đầu, mỗi nhà bảo trợ sẽ phải bỏ ra 10 tỷ đồng, nhưng chúng ta đều biết rằng, tình hình kinh tế khó khăn nên những dự tính ban đầu đã không theo như ý muốn. 

Tuỳ vào mức phí bảo trợ khác nhau, các gói bảo trợ - tài trợ khác nhau, mà chúng tôi quy định thời lượng quảng cáo trên sóng truyền hình khác nhau. Ví như năm nay, VPF đã có thêm VietBank, Unilever, rồi Becamex…, để cùng với HA.GL, Đồng Tâm chiếm trọn 15 phút quảng cáo/trận đấu.



Những CLB không vi phạm điều lệ giải, thành tích tốt mới nhận được nhiều tiền hỗ trợ. Ảnh: Thanh Hà

“Chúng tôi hoàn toàn công khai”

Tất cả các khoản thu từ các nhà bảo trợ nói trên, theo ông Hòa, đều đã được công khai tại Đại hội cổ đông VPF, nên việc các CLB vẫn còn khá mờ mịt về số tiền mà họ được hỗ trợ không phải là lỗi của VPF, đơn vị tổ chức giải.

Các vấn đề về tài chính đó được “công khai tại các kỳ Đại hội cổ đông cũng như Đại hội thường niên của VPF. Hàng năm, cũng có Công ty kiểm toán làm việc về vấn đề thu chi của Công ty VPF, con số được công bố rất rõ ràng và minh bạch”, ông Hòa chia sẻ. Đại diện một số đội bóng do không nắm được quy chế cũng như cơ chế, nên không hiểu vấn đề và cho rằng VPF mờ mịt về chuyện này. Thực tế là chúng tôi luôn rất rành mạch và tôi phải khẳng định lại một lần nữa, cơ chế trao đổi với nhà đài và các nhà bảo trợ không sinh ra bản quyền truyền hình mà nhiều đội bóng cho rằng họ xứng đáng được hưởng”.

“Đại diện một số đội bóng do không nắm được quy chế cũng như cơ chế, nên không hiểu vấn đề và cho rằng VPF mờ mịt về chuyện này. Thực tế là chúng tôi luôn rất rành mạch và tôi phải khẳng định lại một lần nữa, cơ chế trao đổi với nhà đài và các nhà bảo trợ không sinh ra bản quyền truyền hình mà nhiều đội bóng cho rằng họ xứng đáng được hưởng”.

Nhưng khoản tiền mà VPF hỗ trợ cho các CLB, theo ông Hòa có thể lên đến 3 tỷ đồng/mùa. Nhưng ông Hòa cũng cho rằng đạt được số tiền đó thông qua thang điểm tối đa là rất khó. “Có CLB tốt cũng nhận được hơn 1 tỷ đồng/mùa giải. ĐT.Long An mùa trước được những hơn 800 triệu đồng. Song, cũng có nhiều CLB do vi phạm điều lệ quá nhiều, để khán giả tràn xuống sân, đốt pháo sáng… thì bị trừ nhiều”.

Thực hiện cách tính để phân chia khoản hỗ trợ tài chính này như ông Hòa lý giải là để các đội bóng phải tự ý thức, nỗ lực, và bóng đá Việt Nam có một sản phẩm tốt, khi ấy mới có thể nghĩ tới nguồn thu từ truyền hình trả tiền, thay vì vẫn chủ yếu phát miễn phí như hiện nay.

Đón đọc kỳ 3: Người Việt có cần xem bóng đá Việt trên truyền hình, đó là câu hỏi cốt lõi của vấn đề bản quyền truyền hình V-League. Chúng tôi sẽ đề cập tới vấn đề này trong bài số 3. 

VPF hỗ trợ vượt trội VFF

Hai năm qua, theo ông Phạm Ngọc Viễn, VPF đã hỗ trợ rất nhiều cho các CLB. Ví dụ như mùa giải năm 2013, mỗi CLB được hỗ trợ 30 triệu đồng 1 lượt trận di chuyển đá sân khách. Nếu tính cả các giải như V – League, hạng Nhất, Cúp quốc gia với tổng cộng hơn 20 đội, gần 250 trận đấu diễn ra thì số tiền hỗ trợ di chuyển cho các CLB đã là 7, 5 tỷ đồng.

Trước đây, các CLB phải chi tiền đi lại ăn ở cho trọng tài, giám sát làm nhiệm vụ ở địa phương cũng xấp xỉ 9 tỷ/ 1năm nhưng giờ VPF cũng đã hỗ trợ. Ngay cả việc các CLB đi đá các giải trong khu vực như AFC Cup sẽ nhận được tiền hỗ trợ di chuyển, như CLB Hà Nội T&T mùa trước được hỗ trợ gần 1 tỷ đồng. So với thời gian trước đây, ví dụ như VFF kiếm được khoảng 2 tỷ thì họ lấy 1 tỷ chia đều cho các các CLB thì số tiền mỗi đội bóng nhận được sẽ là rất ít và quá nhỏ so với số tiền VPF hỗ trợ cho các CLB.

VPF tính điểm “đạo đức” CLB

Theo tìm hiểu, số tiền VPF hỗ trợ cho các CLB được chia theo thứ hạng cuối mùa; và thứ hai là mức độ mà các CLB tuân thủ các quy chế bóng đá chuyên nghiệp như việc đảm bảo công tác sân bãi, an ninh, an toàn rồi thẻ phạt…

Về tiêu chí thứ hạng thì, ví dụ đội vô địch nhận thưởng 2 tỷ chẳng hạn thì các đội xếp sau lần lượt sẽ nhận được tiền hỗ trợ ở các mức thấp hơn. Còn về tiêu chí tuân thủ các quy chế, quy định của bóng đá chuyên nghiệp tính theo thang điểm 100.

Một đội bóng xếp thứ nhất mà không vi phạm các quy chế mà BTC đề ra thì được trọn 100 điểm đồng nghĩa mức thưởng là trọn 2 tỷ đồng. Nhưng nếu vi phạm và tùy theo mức bị trừ điểm thì số tiền hỗ trợ họ nhân được sẽ phải giảm đi. Vì thế, CLB đứng thứ 10 trên bảng xếp hạng thì được hưởng số tiền hỗ trợ tối đa khoảng 800 triệu nhưng nếu vi phạm nhiều quy chế thì có khi còn chẳng nhận được đồng nào hỗ trợ từ VPF. Theo ông Phạm Ngọc Viễn, Hải Phòng chỉ nhận 13 triệu cho mùa 2014 là trường hợp này.

Để tránh các thắc mắc, VPF sẽ gửi thống kê bảng điểm cho các đội sau từng vòng đấu thay vì vào cuối mùa để các CLB có thể cập nhật tốt hơn.


Tùy Phong (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›