Ông Trần Minh Cả và những trăn trở với ngành du lịch Quảng Nam

Thứ Năm, 04/07/2013 11:25 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Chỉ vài ngày trước khi đột ngột qua đời tại nhà riêng, ông Trần Minh Cả - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, Trưởng Ban Tổ chức Festival Di sản Quảng Nam lần thứ 5 đồng thời là Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam lần thứ ba vừa có cuộc trả lời phỏng vấn Thể thao & Văn hóa.

Ông đã chia sẻ rất nhiều điều về Festival Di sản Quảng Nam, cũng như những trăn trở để làm sao du lịch Quảng Nam phát triển hơn nữa trong tương lai. Thethaovanhoa.vn xin giới thiệu nội dung cuộc phỏng vấn này, được đăng trên Thể thao & Văn hóa Cuối tuần số ra hôm nay, 4/7/2013.

Giữa “rừng” gần 8.000 lễ hội diễn ra trong năm trên cả nước, Festival Di sản Quảng Nam lần thứ 5, bế mạc ngày 26/6 vừa qua, cũng giống như du lịch Quảng Nam, theo lời Vụ trưởng Vụ Lữ hành - Tổng cục Du lịch Việt Nam, “là trường hợp đặc biệt”. Đặc biệt, bởi sau khi được công nhận 2 di sản (Hội An, Mỹ Sơn), khách quốc tế tới Quảng Nam tăng 14 lần, khách nội địa tăng 50 lần, thu nhập từ du lịch tăng 35 lần. Quảng Nam được xem là “điển hình cho việc khai thác giá trị di sản văn hóa phục vụ cho phát triển”.



Ông Trần Minh Cả - Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam, Trưởng BTC Festival

* Thưa ông, du lịch Quảng Nam và sự kiện Festival Di sản Quảng Nam đang được nhìn vào như một “hình mẫu” khai thác giá trị di sản văn hóa phục vụ cho phát triển kinh tế du lịch. Là chủ nhà, nhìn lại một cách thẳng thắn, ông thấy việc tổ chức festival lần này có những điểm nào được và chưa được?

- Mục tiêu của Festival Di sản Quảng Nam lần thứ 5 là tôn vinh di sản, bảo vệ và phát huy giá trị di sản vì mục tiêu văn hóa và phát triển. Cái được lớn nhất của festival là nhấn mạnh và nâng cao ý thức cộng đồng, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, của các cấp chính quyền và huy động sự tham gia của các nhà khoa học trong công tác gìn giữ, bảo tồn, trùng tu và phát huy giá trị các di sản.

Công tác chuẩn bị và tổ chức festival đã đạt được yêu cầu chu đáo, chất lượng, thiết thực và hiệu quả. Toàn bộ nội dung chương trình triển khai trên nhiều địa điểm đã được thực hiện rất tốt, phong phú, nhiều sắc màu đặc trưng văn hóa vùng miền, văn hóa ASEAN. Đặc biệt cuộc trưng bày không gian di sản Việt Nam - ASEAN trên Quảng trường Sông Hoài là một cuộc hội ngộ văn hóa di sản các vùng miền trong cả nước và các nước ASEAN. Cuộc triển lãm này được người dân, du khách và dư luận đánh giá rất cao về sự trân trọng gìn giữ di sản và sự lan tỏa ý thức bảo vệ, tôn vinh di sản thông qua các hoạt động của cuộc trưng bày trong festival.

Sự tham dự và ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo trung ương, của quan khách nước ngoài và các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Tổng giám đốc UNESCO, bà Irina Bukova, thể hiện sự cam kết của Việt Nam và UNESCO về bảo vệ và phát huy giá trị di sản, gắn văn hóa với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Nhân dịp này chúng ta cũng đã tranh thủ được sự ủng hộ của UNESCO về hồ sơ xin trình công nhận di sản văn hóa thế giới như Tràng An, Óc Eo và di sản văn hóa phi vật thể như đờn ca tài tử, hát ví dặm, bài chòi miền Trung,...  

Hình ảnh du lịch Quảng Nam, một lần nữa được tỏa sáng và được giới thiệu rộng rãi thông qua festival, đặc biệt là rất nhiều điểm đến du lịch làng quê, du lịch sinh thái đã được các đoàn famtrip khảo sát và thiết kế tour. Hòa quyện với vẻ đẹp thiên nhiên, nét cổ kính bình yên của di sản là hoạt động rất thành công của cuộc thi hợp xướng quốc tế và cuộc thi Hoa hậu Các dân tộc Việt Nam.

Công tác an ninh đã được đảm bảo, không có tình trạng trộm cắp, cướp giật, đặc biệt môi trường văn hóa du lịch được giữ vững không có tình trạng chèo kéo khách hay chặt chém, nâng giá trong dịp festival tập trung hàng chục vạn người.

Bên cạnh những thành công, vẫn còn nhiều điều BTC còn áy náy. Việc phục vụ cùng một lúc cho hàng vạn khách khiến không tránh sai sót về bố trí đón tiếp, ăn ở, đi lại và chỗ ngồi trong các buổi lễ khai mạc, bế mạc và các hội nghị, hội thảo,... 



Kết hợp hài hòa giữa bảo vệ di sản và phát huy du lịch là kim chỉ nang thành công của Quảng Nam

* Qua quan sát của chúng tôi, Festival lần thứ 5 này hơn hẳn những lần tổ chức trước về lượng và chất. Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm chuẩn bị  cho sự kiện này như thế nào?

- Công tác tổ chức cho festival đã được chuẩn bị từ giữa năm 2011, từ xây dựng ý tưởng, thiết kế nội dung, xác định thời điểm và lực lượng tham gia. Đầu năm 2012 chúng tôi bắt tay vào làm kế hoạch nội dung hoạt động, dự toán kinh phí, thành lập ban chỉ đạo, BTC…, huy động tài trợ, tranh thủ sự chỉ đạo của các bộ ngành trung ương, đặc biệt là Bộ VH,TT&DL. Có thể nói thành công của Festival Di sản Quảng Nam là sự thành công chung của tỉnh và của Bộ VH,TT&DL. Các cục, vụ, viện và các trung tâm của Bộ VH,TT&DL, Bộ Ngoại giao và Ủy ban Quốc gia UNESCO... đã vào cuộc giúp đỡ ngay từ cuối năm 2012, do vậy chúng gặp rất nhiều thuận lợi trong công tác chuẩn bị và tổ chức thực hiện.

* Ngoài ý nghĩa văn hóa, các lễ hội luôn được trông đợi sẽ là chất kích thích cho tăng trưởng kinh tế du lịch, nhất là ở Quảng Nam, địa phương duy nhất trên cả nước hiện nay sở hữu tới 2 di sản thế giới và được Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch, đánh giá là một “trường hợp đặc biệt”…

- Du lịch Quảng Nam đang phát triển khá tốt, qua sự kiện này chúng tôi tin tưởng rằng du lịch Quảng Nam sẽ phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Nhiều tuyến, điểm du lịch đã được hình thành và đang tập trung cho công tác quảng bá, xúc tiến. Các công ty lữ hành cũng đã khảo sát và đưa vào hành trình những điểm đến hứa hẹn sự phong phú và hấp dẫn này.

Các chương trình thu hút du khách chúng tôi vẫn triển khai thường xuyên, nhưng quan trọng nhất không chỉ là các chương trình khuyến mãi mà là sự phong phú về sản phẩm du lịch mới hấp dẫn, sự an toàn trong môi trường sinh thái và văn hóa du lịch.

* Quảng Nam được đánh giá cao về việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các di sản vào phát triển kinh tế du lịch. Xin ông chia sẻ kinh nghiệm này khi trên thực tế, nhiều địa phương đang có cảnh du lịch “phá” di sản?

- Cách tốt nhất để tránh và khắc phục tình trạng này là nâng cao ý thức của người dân, đảm bảo sự hưởng lợi thực sự của cộng đồng thông qua việc phát huy giá trị của di sản. Điều quan trọng thứ hai là trách nhiệm của các cơ quan quản lý và chính quyền cấp xã, huyện và sự chỉ đạo của tỉnh, của bộ, đặc biệt là chính quyền tỉnh, huyện phải chỉ đạo thực hiện kiên quyết, thường xuyên với những nhận thức đầy đủ về Luật Di sản Việt Nam cũng như công ước quốc tế.

* Cảm ơn ông!

6 tháng đầu năm 2013, Quảng Nam đón hơn 1.6 triệu lượt khách, tăng 19, 58% so với cùng kỳ năm ngoái, thu nhập từ du lịch đạt 1.859 tỷ đồng, tăng 27.84% so với cùng kỳ năm trước. Ngày 18/6/2013, Hội An của Quảng Nam là 1 trong 4 điểm đến của Việt Nam (Hà Nội, TP.HCM, Hội An, Hạ Long) được nhận giải thưởng Asia Destination Awards 2013 của website du lịch TripAdvisor bình chọn. Hội An đứng thứ 17 trong 25 điểm du lịch hấp dẫn nhất châu Á.


Hồng Thúy
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›