Nhiều hãng xe lớn trên thế giới như BMW, Tesla, Ford hợp tác với một công ty được mệnh danh là “ông trùm” xe điện Trung Quốc. Đây cũng là một trong những đối tác chiến lược mới của VinFast.
Đó là Contemporary Amperex Technology (CATL), nhà sản xuất pin ô tô điện lớn nhất thế giới hiện nay.
Vào ngày 30/10/2022, dưới sự chứng kiến trực tiếp của ông Robin Zeng (hay Zeng Yuqun), Chủ tịch CATL và ông Phạm Nhật Vượng, chủ tịch Vingroup kiêm Chủ tịch VinFast, CATL và VinFast đã tiến hành ký kết hợp tác chiến lược toàn cầu về phát triển xe điện, bao gồm công nghệ khung gầm thông minh tích hợp pin CTC (Cell to Chassis).
Theo đó, CATL và VinFast dự kiến hợp tác nhằm phát triển công nghệ mới, trong đó pin cùng nhiều bộ phận quan trọng được tích hợp vào khung gầm xe, để giảm trọng lượng, giảm chi phí, đồng thời tăng quãng đường di chuyển của xe. Với sự hợp tác chiến lược cùng CATL, VinFast kỳ vọng sẽ là nhà sản xuất ô tô tiên phong đưa công nghệ mới này ra thị trường toàn cầu.
Ngoài ra, sự hợp tác giữa VinFast và CALT cũng thúc đẩy các đột phá về công nghệ pin, hướng tới giải pháp di chuyển điện hóa trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt đóng góp vào những mục tiêu chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải carbon trên hành tinh xanh.
Việc VinFast hợp tác chiến lược với CATL được coi là bước tiến mới, tạo động lực để hãng xe Việt vươn ra thế giới.
Vậy, CATL là công ty như thế nào? Tại sao nhiều hãng xe hàng đầu trên thế giới lại mong muốn hợp tác?
CATL – “Ông trùm” ngành pin xe điện hiện nay
CATL là công ty sản xuất pin xe điện có trụ sở ở thành phố Ninh Đức, tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc). Dù là cái tên mới xuất hiện trong hơn một thập kỷ trở lại đây (thành lập năm 2011), nhưng CATL hiện đang chiếm tới hơn 30% thị phần pin xe điện trên toàn thế giới. Công ty này đã và đang hợp tác với nhiều “ông lớn” trong ngành xe, như BMW, Tesla, Volkswagen, …
Cuối năm 2019, một nhà máy tại Arnstadt, miền trung của nước Đức, được khởi công xây dựng với diện tích gần 57 mẫu Anh (ước tính khoảng 100 sân bóng đá). Dự án trị giá 2 tỷ USD này chính là một nhà máy sản xuất pin với quy mô lớn đầu tiên của nước Đức, có khả năng cung cấp đủ pin cho hàng nghìn xe ô tô điện mỗi năm.
Tuy nhiên, ít người biết rằng, nhà máy này lại không phải do một nhà sản xuất ô tô ở Đức xây dựng. Thay vào đó, dự án được tài trợ nhờ CATL, một công ty Trung Quốc lúc đó còn ít tên tuổi và mới được thành lập chỉ 8 năm trước.
Theo đó, CATL đã đạt được thỏa thuận cung cấp pin cho BMW và Volkswagen khi các nhà sản xuất ô tô này đang tìm cách để tự tái tạo và tiến hành loại bỏ động cơ đốt trong. Bên cạnh đó, CATL cũng đạt được thỏa thuận cung cấp pin cho xe buýt và xe tải điện của hãng Daimler.
Để đáp ứng được các mục tiêu về giảm lượng khí thải carbon toàn cầu để ứng phó với biến đổi khí hậu do Liên minh châu Âu, đặt ra, các nhà sản xuất ô tô bắt đầu công bố những lời hứa táo bạo về số lượng ô tô điện mà họ sẽ sản xuất.
Nhưng việc tăng số lượng ô tô điện cần phải có lượng lớn pin, bộ phận được coi như trái tim của xe điện. Do đó, các nhà sản xuất ô tô của Đức dường như không có lựa chọn nào khác ngoài việc hướng đến đối tác đến từ châu Á như CATL nhằm mua được pin xe điện với số lượng lớn, đồng thời mua cổ phần trong các công ty sản xuất pin ở Trung Quốc.
Đến năm 2022, CATL đã cung cấp pin xe điện cho hầu hết các nhà sản xuất ô tô điện trên thế giới, trong đó bao gồm cả Ford và Tesla. Điều này mang lại cho công ty ở Trung Quốc vị thế dẫn đầu trong quá trình chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch.
Tuy nhiên, làm thế nào một công ty Trung Quốc với xuất phát điểm ít người biết đến lại có thể đánh bại được các nhà sản xuất ô tô Đức trong cuộc chơi mà chính họ tham gia?
“Người hùng thầm lặng” của CATL
CATL được ấp ủ ra đời từ tham vọng của một chàng thanh niên trẻ tuổi tên là Zeng Yuqun. Sinh ra trong một gia đình nông dân tại một ngôi làng nhỏ ở tỉnh Phúc Kiến tại phía đông nam Trung Quốc, vào năm 1968. Đến năm 17 tuổi, Zeng Yuqun đã theo học ngành kỹ thuật ở ĐH Giao thông Thượng Hải và sau đó ông nhận bằng Tiến sĩ Vật lý tại Học viện Khoa học Trung Quốc ở Bắc Kinh.
Ông Zeng đã ở lại thành phố Đông Quan trong 10 năm và sau đó trở thành giám đốc duy nhất của SAE Magnetic tại thị trường Trung Quốc. Trong thời gian này, ông bắt đầu tìm hiểu về pin. Đến cuối những năm 1990, giám đốc điều hành của công ty chuyên sản xuất đầu ghi từ tính cho ổ cứng máy tính đã thuyết phục ông Zeng thành lập công ty sản xuất pin.
Đến năm 1999, ông Zeng thành lập cơ sở sản xuất pin cho thiết bị điện tử di động (ATL). Đây là thời điểm ra mắt lý tưởng bởi doanh số bán điện thoại di động đang tăng lên và nhiều người kết nối với internet. Điều này cũng đòi hỏi nhiều năng lượng di động hơn. Từ đó, thời kỳ bùng nổ của pin lithium đã bắt đầu và Đông Quan nhanh chóng trở thành một trung tâm sản xuất điện thoại di động, bộ sạc và phụ kiện.
Thế nhưng, khi mới thành lập, ATL có rất ít tài sản trí tuệ của riêng mình và gần như không có bất kỳ công nghệ đột phá nào. Lúc bấy giờ, ông Zeng và các đồng nghiệp của ông đã chi 1 triệu USD để mua bằng sáng chế lithium polymer từ Bell Labs tại Mỹ. Nhưng sau đó, ông Zeng và ATL nhận thấy rằng việc làm cho công nghệ này hoạt động lại không dễ dàng như họ nghĩ, thậm chí còn lo lắng đây có thể là dấu chấm hết của công ty còn non trẻ. Cuối cùng, sau 2 tuần nỗ lực nghiên cứu và tìm hiểu, ATL đã tìm ra cách cho pin lithium polymer hoạt động được. ATL nhanh chóng cắt giảm được chi phí sản xuất, một mô hình được lặp này sau này với pin xe điện.
ATL cố gắng sản xuất pin với chi phí ước tính chỉ bằng một nửa so với các đối thủ từ Hàn Quốc. Hơn nữa, pin lithium polymer của họ cũng được đánh giá là mỏng hơn so với các mẫu khác và có thể định hình được theo thiết bị. Kết quả, chỉ trong vòng 3 tháng kể từ khi sản xuất pin, công ty ATL đã có lãi.
Nỗ lực vươn lên thành công ty sản xuất pin hàng đầu thế giới
Trung Quốc bắt nhịp khá chậm với ngành công nghiệp sản xuất pin lithium. Trên thực tế, đến năm 2000, Nhật Bản chiếm tới 90% sản lượng pin lithium-ion hàng năm của thế giới với 500 triệu viên pin. Trong khi đó, Trung Quốc chỉ sản xuất được 35 triệu viên mỗi năm. Tuy nhiên, đến năm 2001, ATL đã giúp Trung Quốc trở thành một trong những nhà sản xuất pin có giá trị cao.
Vào năm 2011, ông Zeng quyết định chuyển sang lĩnh vực sản xuất pin cho ô tô điện và ra mắt CATL. Chỉ trong vài năm ngắn ngủi, đến năm 2017, công ty CATL đã vượt qua Panasonic để trở thành nhà sản xuất pin lithium-ion lớn nhất trên thế giới về doanh số bán hàng. Trong thời gian này, CATL vẫn duy trì việc tiết kiệm chi phí sản xuất so với các đối thủ từ Hàn Quốc, Nhật Bản, bằng cách tiến hành tăng quy mô sản xuất.
Ngoài ra, CATL còn cung cấp pin xe điện cho một số công ty khởi nghiệp của Trung Quốc, chẳng hạn như Nio, Xpeng. Đây là hai công ty đã niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ.
CATL có hơn 33.000 nhân viên (tính đến năm 2020), hiện đang cung cấp khoảng 1/3 lượng pin cho các hãng xe điện trên toàn thế giới, trong đó có cả Tesla, BMW, … và mới đây nhất là VinFast.
Năm 2022, ông Zeng đứng thứ 29 trong danh sách những người giàu nhất thế giới năm 2022, và đứng thứ 30 trong danh sách của Bloomberg.
Tính đến nay, theo Bloomberg Billionaires Index, nhà sáng lập hãng sản xuất pin xe điện lớn nhất thế giới sở hữu khối tài sản có giá trị tới 33,5 tỷ USD, và là người giàu thứ 39 trên thế giới.
Bài viết tham khảo nguồn: Time, Bloomberg, Forbes, VinFast
Tags