Công ty OpenAI, chủ sở hữu ứng dụng ChatGPT, đang đối mặt với nguy cơ bị kiện tại Australia liên quan đến thông tin trên ChatGPT cho rằng một thị trưởng ở bang Victoria từng “ngồi tù vì tội nhận hối lộ”.
Đây có thể là vụ kiện đầu tiên nhằm vào ứng dụng ngôn ngữ tự động đình đám của công nghệ Mỹ liên quan đến hành vi “phỉ báng” người khác.
Trước đó, ngày 5/4, Cơ quan Bảo vệ Dữ liệu Pháp (CNIL) thông báo đã nhận được hai khiếu nại về chương trình trí tuệ nhân tạo (AI) ChatGPT, trong bối cảnh các cơ quan quản lý châu Âu đang tăng cường giám sát công cụ chatbot này.
Khiếu nại đầu tiên là của cô Zoe Vilain, thành viên nhóm Janus International. Trong đơn khiếu nại, cô Vilain cho biết khi tìm cách đăng ký tài khoản của ChatGPT, cô đã không được yêu cầu đồng ý với bất kỳ điều khoản sử dụng hoặc chính sách quyền riêng tư nào.
Trong khi đó, David Libeau, một nhà phát triển, khẳng định đã tìm thấy thông tin cá nhân khi hỏi ChatGPT về hồ sơ của mình. Khi anh yêu cầu chatbot này cung cấp thêm thông tin, thuật toán đã bắt đầu bịa ra những câu chuyện, tạo ra trang web hoặc tổ chức các sự kiện trực tuyến giả.
Hiện CNIL vẫn chưa thông báo mở cuộc điều tra sau khi tiếp nhận các khiếu nại trên.
ChatGPT đã tạo nên một "cơn sốt công nghệ", sau khi được ra mắt vào tháng 11/2022. Ứng dụng này có thể đưa ra câu trả lời cho những câu hỏi hóc búa, viết mã code, sáng tác thơ hoặc viết bài luận, thậm chí có thể giúp học sinh-sinh viên vượt qua các kỳ thi khó. Các báo cáo của ngân hàng đầu tư đa quốc gia UBS cho thấy tính đến tháng 1/2023, ChatGPT đã có khoảng 100 triệu người dùng thường xuyên, qua đó trở thành ứng dụng có lượng người dùng tăng nhanh nhất trong lịch sử.
Tuy nhiên, những khả năng vượt trội này của ChatGPT cũng gây tranh cãi trong dư luận khi các giáo viên lo ngại rằng học sinh-sinh viên sẽ sử dụng ứng dụng này để gian lận khi làm bài thi, còn các nhà hoạch định chính sách lo ngại nguy cơ lan truyền thông tin sai lệch.
Vào ngày 31/3 vừa qua, Cơ quan Bảo vệ Dữ liệu Italy thông báo đã chặn các hoạt động của chatbot ChatGPT tại nước này, với lý do ứng dụng đã không tôn trọng dữ liệu người dùng và không thể xác minh tuổi của người dùng. Giới chức một số nước châu Âu, trong đó có Pháp, Ireland và Đức đã thảo luận với Italy nhằm cân nhắc biện pháp tương tự.
Nỗi lo ngại không chỉ giới hạn ở châu Âu khi Văn phòng các vấn đề quyền riêng tư của Canada (OPCC) ngày 4/4 quyết định mở cuộc điều tra đối với công ty OpenAI. OPCC nêu rõ việc tiến hành điều tra được thực hiện sau khi văn phòng này tiếp nhận các đơn khiếu nại về việc thu thập, sử dụng và tiết lộ thông tin cá nhân mà chưa có sự đồng ý của người dùng.
Tags