(Thethaovanhoa.vn) - Sức mạnh tiền bạc của Hollywood khiến các phim do Mỹ sản xuất lấn át những phim xuất sắc tới từ các nước khác, vốn gần như bị gạt hẳn ra ngoài cuộc đua giải thưởng của Viện Hàn lâm Điện ảnh Mỹ.
Mỗi năm khi đề cử Oscar công bố, giới truyền thông lại có dịp nêu ra những trường hợp phim, diễn viên xuất sắc nhưng bị Oscar bỏ qua. Năm nay không phải là ngoại lệ. Xem hết lễ trao giải và bĩu môi chê Viện Hàn lâm tôn vinh sai phim, lầm người là thú vui của một bộ phận khán giả khó tính nhưng sành sỏi điện ảnh.
Theo Telegraph, Oscar vẫn có công vinh danh những tác phẩm vĩ đại trong quá khứ. Nhưng năm nay, khi có quá nhiều phim hay đổ bộ các rạp chiếu và liên hoan phim, công việc của Viện Hàn lâm trở nên khó khăn hơn.
9 phim đã được đưa vào danh sách rút gọn, tức bảng đề cử chính thức, cho giải Phim hay nhất năm nay, gồm: 12 Years A Slave, American Hustle, Captain Phillips, Dallas Buyers Club, Gravity, Her, Nebraska, Philomena và The Wolf Of Wall Street. Mở rộng ra các hạng mục diễn xuất, đạo diễn và kịch bản, có thêm 3 phim nhảy vào "vòng chiến" là: Blue Jasmine, Before Midnight và August: Osage County.
Telegraph đánh giá quy mô phim tranh giải của Oscar như vậy là quá hẹp và quá thiếu đa dạng. Năm nay, Viện Hàn lâm đã xem xét 289 phim, với nhiều tác phẩm có thể giúp mở rộng quy mô và đa dạng hóa giải thưởng nhưng đã bị bỏ qua. Trong đó, phim Pháp Blue Is The Warmest Colour của đạo diễn Abdellatif Kechiche, tác phẩm từng đoạt giải Cành cọ vàng tại LHP Cannes năm ngoái, là sự bỏ sót tiêu biểu.
Blue Is The Warmest Colourvà The Great Beauty, 2 phim được cho là xứng tầm tranh giải Phim hay nhất năm nay nhưng không được đề cử
Chất lượng của Blue Is The Warmest Colour có thể sánh ngang với tất cả 9 phim được đề cử Oscar năm nay. Nhưng cuối cùng, bộ phim này thậm chí còn không được đề cử giải Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất (vì phát hành tại Pháp quá muộn), cũng như hoàn toàn vắng bóng tại các hạng mục đạo diễn hay diễn xuất, dù nữ diễn viên chính trẻ tuổi Adele Exarchopoulos được cho là đã tạo đột phá.
Nhà báo Anh Robbie Collin đánh giá diễn xuất của Exarchopoulos thậm chí còn xuất sắc hơn những đề cử trong hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc của Oscar năm nay. Tương tự, Greta Gerwig, nữ diễn viên chính trong bộ phim Frances Ha và Berenice Bejo trong The Past cũng rất được ca ngợi, song cũng chẳng được Viện Hàn lâm để mắt tới.
Ở hạng mục đạo diễn, Oscar đã bỏ lỡ nữ đạo diễn Haifaa Al-Mansour của phim Wadjda (Arab Saudi), cũng như các đồng nghiệp Derek Cianfrance (phim The Place Beyond The Pines) và Steven Soderbergh (phim Side Effects).The Great Beauty (Italia) cũng là một phim được giới phê bình cho rằng xứng đáng nhận đề cử Phim hay nhất, nhưng bị loại do nói tiếng nước ngoài. Vai nam chính của Toni Servillo được cho là đã làm nên tên tuổi anh, nhưng bị Viện Hàn lâm lờ đi. Đạo diễn Paolo Sorrentino cũng trượt đề cử Đạo diễn xuất sắc một cách đáng tiếc.
Muốn thắng giải phải có "chiêu"
Câu hỏi đặt ra là: tại sao khoảng 6.000 thành viên của Viện Hàn lâm điện ảnh Mỹ lại bỏ qua ngần ấy phim hay và diễn viên xuất sắc, dù thành công của họ trong năm qua không hề lặng lẽ chút nào?
10 trong số 12 phim được đề cử các hạng mục quan trọng năm nay, bao gồm cả 9 phim ở hạng mục Phim hay nhất, có một điểm chung là được công chiếu tại Mỹ từ tháng 10 đến tháng 12 năm ngoái. Đây là một nước cờ có tính toán, bởi vòng bỏ phiếu đầu tiên của Oscar thường diễn ra vào khoảng giữa những ngày 27/12 và 8/1.
Vì thế các hãng phim có phim tiềm năng tranh Oscar thường "ém" phim để công chiếu vào cuối năm, quảng bá thật mạnh để thu hút sự chú ý với các thành viên Viện Hàn lâm. Theo thống kê, mỗi năm cả ngành công nghiệp điện ảnh tiêu tốn 100 triệu USD cho các chiến dịch tranh giải Oscar.
Các chiến dịch tranh giải này phủ kín truyền thông bằng nhiều bài báo đánh giá những bộ phim "gà nòi", cố phô ra chất lượng vượt trội và khả năng giành chiến thắng của chúng. Các thành viên Viện Hàn lâm sẽ bị những chiến dịch này định hướng. Những lời khen tới tấp trên truyền thông phần nào làm ảnh hưởng đến nhận định của họ. Nói nôm na, giải Phim hay nhất đang bị chi phối bởi đồng tiền, hãng phim nào đốt càng nhiều tiền càng có khả năng chiến thắng.
Trong khi đó, những phim xuất sắc nhưng không được quảng bá đúng tầm đã bị trôi tuột khỏi tầm ngắm của Viện Hàn lâm, chẳng hạn Blue Is The Warmest Colour hay The Great Beauty.
Viện Hàn lâm cũng nhận ra bất cập này. 4 năm trước, họ đã mở rộng hạng mục Phim hay nhất từ 5 phim đến 10 phim với mong muốn đa dạng hóa các phim tranh giải. Nhưng thay đổi này chưa giải quyết được vấn đề và Oscar vẫn đang đứng trước thách thức. Nếu "Phim hay nhất" đăng quang chủ yếu nhờ sức mạnh đồng tiền, khán giả chắc chắn sẽ không thấy thỏa mãn.
Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa
Tags