Một trong những nhiệm vụ của Susan Shalabi trên tư cách là Phó chủ tịch LĐBĐ Palestine là ghi lại cái chết của các cầu thủ. Đó là một nhiệm vụ chưa bao giờ dễ dàng và nay còn khó khăn hơn bao giờ hết. Nhiều cái tên cứ xuất hiện mỗi ngày khi các cuộc tấn công của Israel tiếp tục diễn ra ở Gaza để đáp trả Hamas.
Người hâm mộ không khỏi xót xa khi xem những tấm ảnh của thủ môn Haytham Areir, anh em Emad và Mohammed Hijazi của Học viện Score ở Rafah đứng kiêu hãnh trong bộ trang phục của họ, và Shadi Sabah của Deir al-Balah, người đã chết cùng cả gia đình khi tòa nhà của anh bị ném bom.
Shalabi nói: "Danh sách này dài và đầy trẻ em. Đáng lẽ tôi phải ngồi và ghi lại nhưng điều này, nhưng thật đau đớn. Bằng cách nào đó, tôi có nỗi sợ phi lý rằng nếu tôi bắt đầu thì con số cứ ngày một tăng lên. Tôi thậm chí còn chưa được nghe câu chuyện của từng người trong số những đứa trẻ có giấc mơ bóng đá mãi mãi bị chôn vùi dưới đống đổ nát này".
Giấc mơ bóng đá cũng tồn tại ở Palestine. Mặc dù Palestine chưa đạt được sự độc lập hoàn toàn như một quốc gia, nhưng từ năm 1998, họ đã trở thành thành viên của FIFA và Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC).
"Bóng đá là một trong số rất ít nền tảng mà qua đó thanh niên của chúng tôi có thể tự hào về quốc gia của mình và cho thế giới thấy một Palestine không phải lúc nào cũng được nhìn thấy", Shalabi nói thêm. "Vì vậy, bạn có thể thấy, trong thế giới bóng đá, Palestine có một địa vị mà bạn chưa từng được thấy trên bản đồ thế giới. Trong bóng đá, sự chia cắt chính trị giữa Bờ Tây ở phía Bắc và Gaza ở phía Nam không tồn tại. Đội tuyển quốc gia đại diện cho người Palestine trong nước và người tỵ nạn, bạn có thể tưởng tượng được ý nghĩa của biểu tượng và hy vọng mà nó mang lại".
Hy vọng trên đang nuôi dưỡng cho kỳ World Cup 2026. Với tư cách là một đội bóng trung bình ở châu Á, Palestine có cơ hội trở thành một trong 18 đội lọt vào vòng loại cuối cùng, và khi đã ở đó, với việc số suất tham dự của châu Á tăng gấp đôi lên 8, giấc mơ World Cup sẽ đến gần hơn với họ.
Tuy nhiên, Palestine đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trong việc tham gia các giải đấu quốc tế. Với các trạm kiểm soát của Israel ở Gaza và Bờ Tây, việc đưa đội ra tập huấn và thi đấu quốc tế là một quá trình vô cùng phức tạp.
Mặc dù vậy, đội tuyển Palestine đã thể hiện sự kiên cường trên sân cỏ. Hiện tại, đội đang chuẩn bị cho vòng loại World Cup vào tháng 11 tới, gặp Lebanon và Australia. Tuy nhiên, việc di chuyển để tham dự trận đấu sân khách đang gặp nhiều khó khăn khi biên giới bị đóng cửa và khu vực Bờ Tây sông Jordan bị phong tỏa, sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel.
Ngoài ra, các trận đấu trên sân nhà của Palestine, bao gồm cả trận gặp Australia tại vòng loại tháng tới, cũng khó lòng diễn ra. Vấn đề không chỉ nằm ở việc tìm địa điểm trung lập mà còn cả việc tập trung lực lượng. Ngay cả khi có đội hình đủ khỏe để thi đấu, việc tham gia trận đấu được hay không lại là một vấn đề khác.
Shalabi nói: "Việc di chuyển tại Palestine đang vô cùng khó khăn. Tình hình rất bất ổn và việc đóng cửa biên giới diễn ra thường xuyên. Đây là một thách thức về cả hậu cần, tài chính và vận hành".
Algeria đã đề nghị giúp đỡ Israel, nhưng theo Shalabi, AFC và FIFA không chấp nhận việc vòng loại châu Á diễn ra ở châu Phi. Như vậy, Kuwait sẽ là địa điểm tổ chức các trận đấu của đội bóng này. Bóng đá đã mang lại hy vọng cho người dân Palestine trong quá khứ, nhưng vẫn còn phải xem liệu nó có đủ sức tạo ra sự khác biệt nào trong thời điểm khó khăn hiện tại hay không.
Shalabi nói thêm: "Tất cả chúng ta đều đang sống trong tình trạng bất ổn chưa từng có. Điều duy nhất hiện lên trong tâm trí mọi người là sự tàn phá hàng loạt sinh mạng và sinh kế đang diễn ra ở Gaza, khi chúng ta đang trò chuyện".
3 nước hợp tác đăng cai World Cup 2030
Chủ tịch LĐBĐ Maroc, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đã có buổi triệu tập tại Rabat vào thứ Bảy để củng cố cam kết chung của họ trong việc theo đuổi vinh dự được đăng cai tổ chức World Cup 2030.
Việc chính thức triển khai quy trình đấu thầu của FIFA đã thúc đẩy ba vị Chủ tịch trên gặp mặt trực tiếp và đánh dấu bước khởi đầu quan trọng hướng tới World Cup.
Fouzi Lekjaa, lãnh đạo LĐBĐ Maroc, nhấn mạnh cơ sở hạ tầng phong phú có sẵn ở ba quốc gia sẽ tạo nên một kỳ World Cup thành công. Ông bày tỏ sự tin tưởng của mình vào việc tổ chức một kỳ World Cup có thể là thành công nhất trong lịch sử bóng đá. Số lượng sân vận động chính xác cần thiết sẽ được xác định trong các kỳ đánh giá kỹ thuật tiếp theo. Fouzi Lekjaa nói: "Ba quốc gia tham gia tổ chức World Cup đều có đủ SVĐ và có khả năng tổ chức kỳ World Cup tốt nhất trong lịch sử bóng đá. Đây là điều quan trọng".
Fernando Gomes, Chủ tịch LĐBĐ Bồ Đào Nha và Pedro Rocha, Chủ tịch LĐBĐ Tây Ban Nha, cũng bày tỏ sự nhiệt tình đối với nỗ lực đấu thầu và tầm nhìn chung của họ về một World Cup không chỉ tôn vinh bóng đá mà còn để lại tác động lâu dài trên toàn cầu.
Giai đoạn tiếp theo trong quá trình đấu thầu cho World Cup 2030 sẽ yêu cầu ba liên đoàn này nộp thỏa thuận đấu thầu cho FIFA trước cuối tháng 11/2023.
Trung Phạm (theo Guardian)
Tags