Với hơn 2 triệu khán giả đã mua vé xem trực tiếp, cũng như rất nhiều người khác trên thế giới theo dõi qua màn hình, Paralympic 2024 có lẽ không đơn giản chỉ là những cuộc đấu thể thao…
1. Giống như ở Olympic, Mỹ và Trung Quốc vẫn là hai cường quốc thể thao tại Paralympic với lần lượt 8 và 5 lần nhất toàn đoàn, bỏ xa những đoàn kế tiếp như Ý, Tây Đức, Vương Quốc Anh, Úc (đều mới chỉ 1 lần).
Nhưng khác với Olympic, điều khán giả quan tâm ở Paralympic không chỉ là những cột mốc, những kỷ lục, những tấm huy chương… So với những câu chuyện tràn đầy nghị lực, và rất giàu cảm xúc của các VĐV tham dự, đó chỉ là những con số khô khan. Nói cách khác, chính những câu chuyện ấy mới là thứ thực sự truyền cảm hứng, không chỉ cho người khuyết tật, mà còn cả số đông khán giả nữa.
Câu chuyện của Ali Truwit thực sự có thể làm kịch bản cho phần thứ 4 của bộ phim Jaws (Hàm cá mập) nổi tiếng. Hơn một năm trước, cô bị cá mập cắn đứt một cẳng chân, nhưng đã sống sót, tiếp tục theo đuổi đam mê bơi lội và trở lại đường đua xanh ở Paralympic 2024. Đô cử Sherif Osman của Ai Cập bị viêm màng não khi còn nhỏ, bị cắt cụt cả hai chân và cẳng tay để duy trì tính mạng, và giờ anh đang hướng tới tấm HCV Paralympic thứ 4. Jodie Grinham, người chỉ còn nửa ngón tay trái, tham dự môn bắn cung khi đang mang thai 7 tháng. Hay xa hơn nữ, VĐV xuất sắc nhất trong lịch sử Paralympic là Trischa Zone (55 huy chương, trong đó có 41 HCV) vốn bị mù bẩm sinh.
Đó mới là một vài gương mặt mà chúng ta vừa mới biết đến. Trong hai tuần tới, Paralympic 2024 không chỉ chứng kiến những cuộc tranh tài, mà sẽ có những câu chuyện đặc biệt khác về nghị lực, lòng kiên trì và khát vọng chiến thắng sẽ đến với hàng triệu người trên khắp thế giới. Đó mới là một giá trị vô hình với tất cả các khán giả của Paralympic 2024.
2. Trong dòng chảy chung của Paralympic, 7 VĐV người khuyết tật của đoàn thể thao Việt Nam tại Paris cũng chính là 7 tấm gương của ý chí vươn lên, vượt qua nghịch cảnh.
Chúng ta vẫn biết đến Lê Văn Công với kỷ lục thế giới 183 kg hạng cân 49 kg, với tấm HCV ở Paralympic 2016, cũng như tấm HCB cực đáng tiếc ở Tokyo 3 năm trước (do nặng hơn đối thủ… 100 gram). Nhưng không phải ai cũng biết chuyện về một cậu bé bị liệt 2 chân từ nhỏ do mẹ bị sốt xuất huyết khi mang thai trong gia đình có 5 anh chị em, một chàng trai đã vào Nam lập nghiệp ở tuổi 19, vừa học kỹ thuật điện tử, vừa bán vé số, làm thêm ở xưởng mộc, đánh văn bản thuê để chi trả cuộc sống hàng ngày,…
Còn nhiều câu chuyện đời khác đầy xúc động ở đoàn Thể thao Việt Nam tại Paralympic 2024. Đó là "lão bà" Châu Hoàng Tuyết Loan, người không chỉ bị bại liệt hỏng cả đôi chân từ 6 tháng tuổi, phải bươn chải đủ nghề để kiếm sống, mà còn từng chiến đấu với căn bệnh ung thư vòm họng. Đó là nữ đô cử Đặng Thị Linh Phượng, người bị gửi vào cô nhi viện từ khi mới lọt lòng vì hoàn cảnh quá khó khăn. Đó là chàng trai xe lăn bán vé số có tuổi thơ giông bão vì phải mưu sinh, tên Nguyễn Bình An, nhưng đã phải trải qua một tuổi giông bão vì gia cảnh khó khăn,…
Thay lời kết, hãy nghe những tâm sự giản dị của Lê Văn Công nhiều năm trước: "Thể thao đã thay đổi cuộc đời tôi, không chỉ cho tôi được thỏa mãn đam mê mà còn giúp gia đình có cuộc sống tốt hơn. Nhờ thể thao, tôi đã có thể vượt qua được số phận, khẳng định bản thân, làm chủ cuộc sống và hòa nhập cùng xã hội".
Tags