Không được đánh giá cao khi còn sống, song giờ đây Paul Gauguin (1848 - 1903) đã được công nhận là một trong những người khổng lồ của trường phái hậu ấn tượng Pháp, đồng thời là người tiên phong của chủ nghĩa hiện đại thời kỳ sơ khai.
Là người nổi loạn trong cả nghệ thuật và cuộc sống, ông từ chối nền giáo dục tư sản cũng như công việc môi giới chứng khoán để cống hiến cuộc đời mình cho hội họa.
Nhân kỷ niệm 120 năm ngày mất của Paul Gauguin (8/5/1903 - 8/5/2023), hãy cùng nhìn lại cuộc đời đầy phá cách của danh họa "lắm tài nhiều tật" này.
Đi tìm tự do
Paul Gauguin sinh ra ở Paris vào năm 1848 - thời kỳ gắn với những biến động cách mạng ở châu Âu. Năm 1850, gia đình Gauguin quyết định đến Peru để cha ông có thể hy vọng tiếp tục sự nghiệp nhà báo của mình. Nhưng cha ông qua đời vì một cơn đau tim trên đường đi. Và khi tới Peru, mẹ ông là một góa phụ cùng với cậu con trai Paul 18 tháng tuổi và hai em gái.
Gauguin đã có một thời thơ ấu lý tưởng ở Peru. Nhưng vào năm 1850, tất cả đã thay đổi do một số bất ổn dân sự ở Peru, vì vậy gia đình ông lại trở về Pháp.
Gauguin được đào tạo ở Pháp và cuối cùng trở thành một chuyên gia hàng hải. Ông gia nhập hải quân Pháp và đi khắp thế giới. Năm 1871, ông trở lại Paris và làm nghề môi giới chứng khoán. Khi mới 23 tuổi, Gauguin đã trở thành một doanh nhân thành đạt và vẫn thành công trong 11 năm tiếp theo trên lĩnh vực này.
Khi đang làm công việc môi giới chứng khoán, ông kết hôn với người vợ đầu tiên, một phụ nữ Đan Mạch tên Mette-Sophia Gad, vào năm 1873. Trong 10 năm sau đó, họ có 5 người con.
Năm 1880, thị trường chứng khoán Paris sụp đổ và thu nhập của gia đình giảm sút rõ rệt. Vì vậy, Gauguin quyết định theo dành toàn bộ thời gian để theo đuổi nghệ thuật vẽ tranh. Rồi năm 1884, ông cùng gia đình chuyển đến Copenhagen (Đan Mạch).
Sau 11 năm chung sống, cuộc sống gia đình Gauguin tan vỡ khi ông dành toàn bộ thời gian để vẽ tranh. Ông trở lại Paris vào năm 1885 sau khi vợ và gia đình yêu cầu ông rời đi vì cho rằng ông đã từ bỏ những giá trị mà họ đã chia sẻ. Họ chia tay vào năm 1894.
Mất tinh thần trước "sự đạo đức giả của nền văn minh", Gauguin rời Paris và đến cư trú ở Nam Thái Bình Dương, đầu tiên là ở Tahiti và sau đó là ở Quần đảo Marquesas. Từ đó, Gauguin không hề trở lại châu Âu.
Trước đó, Gauguin từng nghiên cứu sâu về những khám phá tâm linh, chủ nghĩa tượng trưng và tìm kiếm ý tưởng nghệ thuật để thoát khỏi xiềng xích của chủ nghĩa tự nhiên. Họa sĩ đã cho ra đời một loạt tác phẩm khi sống ở các thị trấn biệt lập Pont-Aven và Le Pouldu tại miền Nam nước Pháp. Khu vực này, với lòng mộ đạo sâu sắc, văn hóa dân gian và dân cư nông thôn, đã giải phóng cách thể hiện của Gauguin. Và sự khởi đầu về phong cách này đã sớm được một nhóm nghệ sĩ trẻ (được gọi là trường phái Pont - Aven) áp dụng.
"Không ai tốt cả, cũng không ai ác; mọi người đều là cả hai, theo cùng một cách và theo những cách khác nhau. Cuộc đời của một con người là quá nhỏ bé, vậy nhưng ta vẫn có thời gian để làm những việc lớn lao" - Paul Gauguin viết trong tự truyện.
Lối sống gây nhiều tranh cãi
Gauguin là một nhân vật gây nhiều tranh cãi về nghệ thuật của ông và đặc biệt là về lối sống. Nhiều phụ nữ rất trẻ ở Polynesia vừa làm người mẫu vừa làm tình nhân của ông. Năm 1891, trước khi chính thức ly hôn với người vợ đầu tiên, ông kết hôn với Teha'amama trong chuyến đi đầu tiên tới Tahiti. Đến năm 1893, họ ly thân. Cuối cùng, ông trở lại Pháp.
Năm 1895, ông quyết định quay lại Tahiti một lần nữa khi có quan hệ tình cảm với Pahura – cô gái còn rất trẻ. Họa sĩ có hai đứa con với người phụ nữ này, nhưng con gái của họ chết khi còn nhỏ, chỉ còn cậu con trai sống sót.
Gauguin muốn sống ở Marquesas, nhưng Pahura từ chối đi và bỏ lại gia đình. Vì vậy, Gauguin đã tự mình đến Marquesas. Con trai của Gauguin được Pahura nuôi dưỡng ở Tahiti.
Để rồi, khi chuyển đến Marquesas vào năm 1901, ông lấy một cô gái trẻ khác tên là Vaeoho. Năm 1902, khi Vaeoho mang thai được 7 tháng, cô quyết định trở về nhà sinh con để có thể ở bên gia đình và bạn bè. Cô sinh con gái nhưng không bao giờ quay lại sống với Gauguin.
Những năm cuối đời, Gauguin bị bệnh hoa liễu, lở loét khắp người, cần được vệ sinh và chăm sóc hàng ngày. Vaeoho về cơ bản vừa trở thành tình nhân vừa là bảo mẫu của ông, điều này hẳn là một công việc khó khăn đối với một cô gái trẻ cũng đang mang thai.
Gauguin sức khỏe giảm sút và đau đớn tột cùng. Ông phải sử dụng morphin và chết cô độc vào ngày 8/5/1903. Vì ông không để lại di chúc, nên nhiều tác phẩm nghệ thuật, giấy tờ và những thứ khác của ông ở Polynesia đã bị bán đấu giá hoặc tiêu hủy. Tại Polynesia, ông được chôn cất tại Nghĩa trang Công giáo Calvary (Atuona Hiva' Oa).
Giống như Van Gogh, tác phẩm nghệ thuật của Gauguin bắt đầu được đánh giá cao sau khi ông qua đời. Những bức tranh của ông hiện được coi là cực kỳ có giá trị, và ông được coi là một trong những nghệ sĩ vĩ đại trong lịch sử. Gauguin cũng cho chúng ta một cái nhìn sâu sắc về cuộc sống ở Polynesia thuộc Pháp khi ông sống ở đó.
Trong khi phong cách của ông phát triển qua nhiều năm, những bức tranh mang tính biểu tượng nhất từ tác phẩm của ông vẫn là những bức tranh được tạo ra trong thập kỷ cuối cùng của cuộc đời ông ở Tahiti. Đáng nói, trong những tháng cuối đời, ông đã viết cuốn hồi ký tự truyện dí dỏm mang tựa đề Avant et après (Before and After) và yêu cầu rằng nó sẽ được xuất bản sau khi ông qua đời. Hồi ký là một bộ sưu tập rời rạc về những quan sát về cuộc sống ở Polynesia, cuộc sống của chính ông và những bình luận về văn học và tranh vẽ.
Cuốn tự truyện này xuất hiện lần đầu tiên bằng nguyên bản tiếng Pháp vào năm 1918, và được dịch sang tiếng Anh 3 năm sau đó. Như con trai của ông, Émile đã viết trong lời tựa: "Những cuốn nhật ký này là bức chân dung tự họa rõ ràng của một nhân cách độc đáo. Chúng khiến ta thấy được lòng tốt, sự hài hước, tinh thần phản kháng, tầm nhìn rõ ràng cũng như lòng căm thù vô độ của ông đối với thói đạo đức giả và sự dối trá".
Van Gogh và "ngôi nhà màu vàng"
Nhiều người biết đến Paul Gauguin với tư cách là nghệ sĩ sống cùng Vincent Van Gogh. Năm 1888, trong một ngôi nhà màu vàng ở miền Nam nước Pháp, Van Gogh và Paul Gauguin ở chung với tư cách là những họa sĩ thuộc trường phái hậu ấn tượng.
Ngôi nhà hai tầng màu vàng nơi họ từng sống không còn tồn tại nhưng nó đã nhiều lần trở thành bất tử trong các bức tranh của Van Gogh, bao gồm The Yellow House năm 1888 và The Bedroom in Arles mà ông cũng vẽ năm 1888.
Giấc mơ của Van Gogh là thành lập cái mà ông gọi là xưởng vẽ phía Nam. Đây là nơi các nghệ sĩ có thể sống và cộng tác với các họa sĩ đồng nghiệp trong khi họ đi nghiên cứu vùng nông thôn xung quanh. Paul Gauguin chấp nhận lời mời của Vincent van Gogh vì họa sĩ được anh trai Theo hứa hỗ trợ tài chính. Vào thời điểm đó, Theo là một nhà buôn tranh có ảnh hưởng ở Paris.
Mối quan hệ giữa Gauguin và Van Gogh đã gặp rắc rối ngay từ đầu. Đối với Paul Gauguin, việc hợp tác nghệ thuật để nhận được hỗ trợ tài chính từ Theo, em trai của Vincent Van Gogh, không phải là quá quan trọng.
Tại ngôi nhà này, do mối quan hệ căng thẳng giữa hai nghệ sĩ, Van Gogh đã cắt tai trái của mình trong cơn tức giận. Ông cũng đe dọa Paul Gauguin. Trong bối cảnh đó, Gauguin nhanh chóng lên một chuyến tàu đến Paris và cả hai không bao giờ gặp lại nhau mặc dù họ đã trao đổi thư từ một số lần.
Paul Gauguin đã dành nhiều thời gian ở Polynesia thuộc Pháp. Ông có lẽ được biết đến nhiều nhất với màu sắc bão hòa và những mô tả sống động về cuộc sống ở quần đảo Polynesia thuộc Pháp.
Tags