(Thethaovanhoa.vn) - Mặc dù Paul McCartney đã chấp bút viết hàng chục bản hit nổi tiếng thế giới, ông chưa từng được đứng tên là người sở hữu chúng, mà quyền này thuộc về công ty Northern Songs, được thành lập bởi quản lý của ban nhạc Brian Epstein.
- 5 đóng góp của “thành viên thứ 5” của The Beatles George Martin tới nền văn hóa đại chúng
- Thành viên thứ 5 'thực thụ' của The Beatles qua đời
- 35 năm, nỗi đau thủ lĩnh The Beatles John Lennon bị sát hại vẫn ám ảnh
Tuy nhiên, nhờ vào một đạo luật bản quyền Mỹ, McCartney có thể hy vọng về việc đòi lại những tác phẩm của mình.
Theo Billboard, Đạo luật bản quyền của Mỹ năm 1976 cho phép các tác giả đòi lại những ca khúc do họ sáng tác từ đơn vị phát hành, với những bài hát được viết trước năm 1978 có thể đòi lại quyền lợi sau 56 năm kể từ thời điểm phát hành ban đầu. Nói cách khác, các ca khúc mà McCartney và Lennon cùng sáng tác sẽ có thể thực sự thuộc về họ vào năm 2018.
Paul McCartney và Michael Jackson trong thời gian cùng hợp tác. Ảnh: Independent
"Để đòi lại quyền sở hữu của một bài hát, nhạc sĩ phải nộp đơn lên Văn phòng Bản quyền Hoa Kỳ, xin chấm dứt các hoạt động xuất bản ở bất cứ nơi nào trong khoảng thời gian từ 2-10 năm trước thời hạn 56 năm, nhằm giành lại quyền sở hữu xuất bản của bài hát đó một cách kịp thời" - theo tin từ Billboard.
Theo đó, McCartney được cho là đã nộp đơn xin quyền sở hữu đối với 32 ca khúc do ông và Lennon viết hôm 15/4/2015. Dù vậy, bản quyền sẽ chỉ thuộc về McCartney trên đất Mỹ, nơi đạo luật này có hiệu lực.
Trong khi một nửa các ca khúc sẽ thuộc về McCartney, số còn lại sẽ không thuộc về người thừa kế của Lennon do Yoko Ono vợ ông đã bán quyền sử dụng các ca khúc của chồng cho Sony / ATV Music năm 2009, và thời hạn hiệu lực của bản hợp đồng này kéo dài tới 70 năm.
Duy An
Theo Independent
Tags