Paul McCartney là tay chơi bass giỏi nhất - và nổi tiếng nhất - trong lịch sử nhạc pop. Và mới đây, ông vừa được đoàn tụ với cây bass Hofner đời 1961 yêu quý của mình ngày nào.
Cựu thành viên The Beatles đã làm cho cây guitar bass Hofner trở nên nổi tiếng chứ không phải ngược lại.
Thay đổi vị thế của guitar bass
Quả thực, chính Paul McCartney là người đã khiến dân chơi bass trở nên ngầu hơn, mang lại cho họ vị thế trong làng nhạc rock, gần như ngang bằng với các nghệ sĩ guitar chính. Đó là lý do tại sao cuộc tìm kiếm mới đây trên toàn cầu về chiếc đàn Hofner 500/1 Violin Bass 1961 của McCartney - cây bass quan trọng nhất trong lịch sử âm nhạc, đã biến mất sau thập kỷ đó và hiện vừa được tìm thấy - đang nhận được sự quan tâm lớn.
Trước McCartney, đơn giản là chưa từng có một tay chơi bass nào nổi tiếng. Ngôi sao trong các ban nhạc đều là ca sĩ, và nếu họ cũng chơi một nhạc cụ thì đó luôn là guitar hoặc dương cầm. Người chơi bass là một phần của nhóm, bị gắn chặt với tay trống, trên tay là thứ nhạc cụ bốn dây bị nhiều người (ít nhất là với các nhạc sĩ) coi là "họ hàng xa" kém cỏi của cây guitar sáu dây.
Trớ trêu thay, McCartney (người ban đầu vốn là là 1 trong 3 tay guitar của The Beatles) lại nhận vai trò chơi bass vì ông được cho là nhạc sĩ thành đạt nhất trong nhóm, có thể lấp chỗ trống (mặc dù có phần miễn cưỡng) khi tay bass Stuart Sutcliffe rời The Bealtes vào năm 1961 để tiếp tục học vẽ.
Và McCartney đã mang gì tới cho cây bass? Đó là trí tưởng tượng trong âm nhạc, tính linh hoạt giúp mở rộng khả năng của nhạc cụ này. Không chỉ tạo ra thủ thuật chơi nhạc thực sự ấn tượng, ông đồng thời mang tới cho các dòng bass sự phức tạp khó thấy.
Những ngôi sao chơi bass tương đối hiếm trong âm nhạc đại chúng trước đó. Nhưng sau McCartney, sẽ xuất hiện những ngôi sao với cây bass trên tay như Jack Bruce của nhóm Cream, Geddy Lee của nhóm Rush và Sting.
McCartney trở nên nổi tiếng chủ yếu với hình ảnh một ngôi sao nhạc pop có mái tóc dài, sở hữu chất giọng và âm vực đáng kinh ngạc - và cuối cùng, thuận tay trái! Hình ảnh chàng The Beatles trẻ tuổi quyến rũ đung đưa trên tay chiếc bass hình vĩ cầm dễ thương của mình khi hát những tiếng "oooh" trong She Loves You, hoặc khéo léo chơi một đoạn bass uyển chuyển khi chàng ngân nga vô tư lự trong All My Loving, đã thay đổi vị thế của cây guitar bass mãi mãi.
Những cây bass The Hofner 500/1 Violin Bass tới nay vẫn được tiếp tục được sản xuất. Vào năm 1961, cây bass chỉ khoảng 30 bảng (chưa tới 1 triệu VNĐ), vừa trong khả năng mua của McCartney. Ngày nay, dòng violin bass của Hofner có thể có giá lên tới hàng trăm triệu đồng.
Phong cách đặc biệt
Khi Stuart Sutcliffe rời đi, ông đã cho Paul McCartney mượn cây bass của mình cho tới khi McCartney kiếm được đủ tiền để mua cây mới.
McCartney mua cây bass Hofner Scott 500/1 vào tháng 6/1961 vì nó rẻ. Và quan trọng hơn, phần thân hình đối xứng của nó trông "bớt ngớ ngẩn" khi được đặt lộn ngược để phù hợp với người thuận tay trái như ông. Bởi, hầu hết các cây guitar bass sẽ trông không cân đối và Sutcliffe đặc biệt khuyên McCartney không đổi vị trí dây để thuận chơi.
Cây Hofner chỉ có âm trung, ít độ sâu và không có sự cộng hưởng hay duy trì. Thế nên, muốn có âm thanh mạnh mẽ, dồn dập, người chơi phải gẩy thật mạnh bằng miếng gẩy. Nhưng chính những hạn chế của cây đàn đã giúp McCartney phát triển một phong cách chơi đặc biệt.
Tiếng bass của ông liên tục vang lên trong các ca khúc đầu tiên của The Beatles. Sự du dương của McCartney tỏa sáng khi tay phải của ông di chuyển nhanh trên cần đàn, chọn ra những nốt hòa âm và tạo nên những giai điệu đối đáp với động lượng không đổi, với những chuyển đổi nhịp điệu và điều chỉnh hòa âm luôn rất bắt tai.
Sự sáng tạo đáng kinh ngạc của McCartney trong sáng tác các đoạn bass mang nhiều phong cách khác nhau và đưa ông trở thành tay bass có ảnh hưởng nhất trong thế hệ của mình. Chắc chắn đã có những người chơi bass giỏi hơn, nhưng có thể nói rằng không ai linh hoạt cho bằng McCartney.
Cây bass Hofner gắn liền với McCartney một cách không thể xóa nhòa. Ngày nay, nơi duy nhất mà khán có thể thấy một cây bass Hofner được chơi hẳn là từ các buổi diễn cover nhạc thập niên 1960 hay từ chính McCartney. Không có tay bass nổi bật nào khác sử dụng nó. Thật ra, chính McCartney cũng thường xuyên thay nó bằng các cây bass của hãng Rickenbackers hay Fender Jazz trong các bản thu âm sau này của The Beatles.
Tuy nhiên, ông vẫn giữ lại cây Hofner đáng tin cậy - với sự phô trương đáng kể - trong buổi biểu diễn trực tiếp cuối cùng của The Beatles trên sân thượng Apple vào năm 1969. Mọi điều tuyệt vời trong cách chơi bass của McCartney đều được phô bày, từ điệu nhún nhảy trong Get Back cho đến những đoạn trơn mượt trong Don't Let Me Down. Trong tay McCartney, cây bass không còn là một nhạc cụ hỗ trợ tầm thường nữa mà trở thành một ngôi sao đúng nghĩa.
Cuộc hội ngộ
Paul McCartney đã chơi cây bass Hofner của mình cho tới tháng 10/1963, trong hàng trăm buổi biểu diễn và nhiều phiên thu âm. Cả 2 album đầu của The Bealtes được thu bằng cây bass này, cũng như tất cả các đĩa đơn, bao gồm She Loves You.
Mùa Hè năm 1963, sau thời gian "làm việc" quá sức, cây bass phải mang đi sửa chữa. Một chiếc khác thay thế được gửi tới cho McCartney và cây bass đời 1961 này trở thành cây dự phòng. Mùa Xuân năm 1964, cây bass đầu đời lại một lần nữa phải mang đi đại tu, cả về hình thức lẫn chất lượng.
McCartney có thể đã dùng cây bass Hofner để chơi trực tiếp trong lần cây bass đời 1963 của ông bị đứt dây. Tuy nhiên, nó đã không được dùng để thu âm cho tới năm 1968. Khi đó, nó được McCartney chơi trong Revolution và có thể là trong White Album.
Paul McCartney chơi cây bass rẻ tiền trong hit “She Loves You”
Đầu năm 1969, khi The Bealtes quay phim cho đĩa đơn Get Back và Let It Be ở phòng thu Twickenham, McCartney đã dùng cả cây bass đời 1961 lẫn 1963. Nhiều người ngờ rằng, cây 1961 được dùng để thu âm các ca khúc cuối của album Let It Be. Tuy nhiên, khi quá trình quay phim chuyển về trụ sở Apple vào ngày 21/1, cây bass 1961 bỗng không thấy đâu!
Không lâu sau các phiên thu, cây bass thật sự mất tích. Phải hơn 50 năm sau, vào tháng 9/2023, một nhóm tìm kiếm mang tên "The Loss Bass Project" mới mở cuộc tìm kiếm cây bass này và nhanh chóng đào trúng một mỏ vàng! Kỹ sư âm thanh cũ của McCartney là Ian Horne đã liên lạc với dự án và cho biết cây bass Hofner đã bị đánh cắp từ xe tải vào đêm ngày 10/10/1972, tại khu vực Notting Hill, London.
"Tôi biết chiếc bass Hofner nguyên bản của Paul (McCartney) đã bị đánh cắp và tôi biết nó có ý nghĩa như thế nào đối với ông ấy"- Horne viết trong thư điện tử - "Trevor (Jones, cũng là kỹ sư âm thanh của McCartney khi đó) và tôi đã làm tất cả những gì có thể để tìm nó, nhưng nó đã biến mất. Cuối cùng, chúng tôi phải đến nhà Paul ở Đại lộ Cavendish và nói với ông ấy rằng thiết bị đã bị đánh cắp từ phía sau xe tải. Chúng tôi vào phòng và nói với Paul. Ông ấy bảo chúng tôi đừng lo lắng, và chúng tôi tiếp tục công việc của mình. Ông ấy là một người đàn ông tốt, Paul ấy. Tôi tiếp tục làm việc cho ông ấy 6 năm sau khi cây bass mất tích. Nhưng tôi đã mang mặc cảm tội lỗi suốt cuộc đời mình".
The Loss Bass Project sau đó đã tìm ra chính xác ai đánh cắp cây bass và biết nó được bán cho chủ một quán rượu ở London. Sau khi công khai thông tin, cây bass cuối cùng đã được một người sống ở bờ biển phía Nam nước Anh phát hiện. Người này nhớ ra có một cây đàn guitar bass nằm trên gác mái của họ. Cuối cùng, nó vừa tìm được đường quay trở lại với Paul McCartney!
Bất chấp 50 năm "đi lạc", cây bass vẫn nguyên y các bộ phận ban đầu, chỉ cần sửa chữa tối thiểu là có thể chơi lại được. McCartney đã "vui mừng như một cậu học sinh" khi có lại được cây đàn bass đầu tiên của mình.
"Cây đàn guitar bass Hofner 500/1 đời 1961 của Paul (McCartney), bị đánh cắp năm 1972, đã được trả lại" - theo một tuyên bố ngắn gọn trên trang điện tử của McCartney vào tuần trước - "Cây đàn đã được Hofner xác nhận và Paul (McCartney) vô cùng biết ơn tất cả những người có liên quan".
Cây bass số 2
Trong khi cây bass Hofner bị mất tích, Paul McCartney vẫn tiếp tục sử dụng cây bass 1963 trong suốt phần còn lại sự nghiệp của The Beatles. Ông từng ngừng sử dụng nó vào những năm 1970 nhưng đã quay lại vào năm 1987.
"Tôi đã gác nó lại. Tôi đã nghĩ đã hết thời sử dụng nó. Rồi tôi lại bắt đầu chơi nó và không bao giờ gián đoạn nữa" - McCartney chia sẻ. Ông vẫn chơi trực tiếp và thu âm tại phòng thu bằng cây bass Hofner 1963 cho đến ngày nay.
Tags