Ngày 15 và 16 tháng 8, Công ty TNHH Pfizer (Việt Nam) ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược với Bệnh viện Thống Nhất và Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh nhằm triển khai chương trình Quản lý Đề kháng Kháng sinh (AMS) và nâng cao nhận thức của cán bộ Y tế và cộng đồng về gánh nặng bệnh tật của bệnh lý lây nhiễm, gia tăng đề kháng kháng sinh của vi sinh vật và vai trò của vắc xin phòng ngừa.
Đề kháng kháng sinh (AMR) được Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá là một mối đe dọa lớn đối với sức khỏe toàn cầu, tạo ra nhiều gánh nặng cho bệnh nhân, người thân và kinh tế cùng hệ thống y tế. Đây là hệ quả của việc lạm dụng thuốc hoặc không tuân thủ chỉ định điều trị, bao gồm cả kháng sinh trong y tế, chăn nuôi, các tác nhân liên quan đến vệ sinh trong môi trường, dẫn đến sự xuất hiện của các "siêu vi khuẩn" ngày càng kháng thuốc hơn. Khi đó, thuốc dần mất hiệu quả, khiến bệnh nhân cần liệu trình điều trị chuyên sâu hơn, tốn kém hơn cùng thời gian điều trị kéo dài. Theo WHO ước tính, đề kháng kháng sinh dẫn đến 5 triệu ca tử vong mỗi năm.Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia được WHO xếp hạng có tỉ lệ đề kháng kháng sinh đáng báo động, và cần có các giải pháp cấp bách.
Thông qua việc hợp tác với hai bệnh viện lớn tại TP.HCM, Pfizer tiếp tục đẩy mạnh nỗ lực nâng cao nhận thức và cải thiện quản lý đề kháng kháng sinh, phù hợp với Chiến lược Quốc gia về phòng, chống kháng thuốc giai đoạn 2023-2030, với tầm nhìn đến năm 2045.
Với Bệnh viện Đại Học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, chương trình hợp tác còn hướng đến việc hỗ trợ giải quyết các bệnh lý nhiễm khuẩn hô hấp - nguyên nhân gây tử vong thứ 4 trên toàn cầu. Phế cầu khuẩn là một trong những tác nhân gây bệnh viêm phổi mắc phải cộng đồng phổ biến nhất hiện nay. Việt Nam là một trong 15 quốc gia chịu gánh nặng lớn về viêm phổi do phế cầu, với tỷ lệ tử vong ở mọi lứa tuổi lên tới 50%.