(Thethaovanhoa,vn) - Tình - tiền trong showbiz, tình yêu và tài chính trong đời sống... luôn là những vấn đề thường trực nhưng không nhiều người chủ động đề cập, phân tích cặn kẽ. Bởi, nhiều người có đó là chuyện tế nhị, là điều không đáng nói khi bàn tới tình yêu. Song, dù không nói tới thì vấn đề "đau đầu", cần giải quyết vẫn còn nguyên đó.
- Valentine của sao Việt: Người có đôi, kẻ khoe quà ‘độc’
- Á hậu Thanh Tú đặt tiêu chí chọn người yêu nhân ngày Valentine
- Vì sao Google lấy tê tê 'nhặt hạt dẻ' để chào mừng ngày Valentine?
Ngày lễ tình yêu Valentine là ngày mà cả thế giới tôn vinh tình yêu đôi lứa, tình cảm giữa các đôi tình nhân, và bạn bè khác phái. Họ bày tỏ tình cảm bằng cách gửi cho nhau thiệp Valentine, hoa hồng, chocolate và những quà tặng đặc biệt, có khi đắt tiền. Giữa những mộng tưởng lãng mạn, tình yêu bền vững cũng có thể luôn rất thực tế. Thời đại các cô gái tỏ ra mình không cần tiền đã qua rồi. Tiền không phải điều gì xấu xa, với nhiều người, thừa nhận coi trọng tiền bạc đồng nghĩa việc trân trọng giá trị của bản thân. Ai dám thẳng thắn mình chọn xe đạp, từ chối xe hơi như cách nói cả một cô gái? Ai can đảm chọn quán ăn vỉa hè, nói không với nhà hàng cao cấp? Cùng báo Điện tử Thể thao & Văn hóa chia sẻ quan niệm về tình và tiền của một số nhân vật đáng chú ý nhân ngày đặc biệt này. |
* Bà có thể cho biết quan niệm tình yêu của mình, thưa bà?
- Tôi làm nghề dạy học cho sinh viên Khoa Báo chí & Truyền thông (trường Đại học KHXH&NV), bỗng một ngày Valentine không xa, các bạn sinh viên, thật bất ngờ, cũng hỏi tôi câu này. Tôi, thay vì nói về quan niệm tình yêu của mình, tôi bảo tôi thích quan niệm về tình yêu trong một tiểu thuyết Mỹ, mang tên “Lịch sử một chuyện tình”. Nhân vật chính của tiểu thuyết ấy đã triết lý: "Yêu, nghĩa là không bao giờ phải nói rất tiếc".
Chuyện tình ấy kể về hai người yêu nhau, lấy nhau, và hoàn toàn hạnh phúc với lựa chọn của mình. Cô gái sau đó chết vì bệnh máu trắng. Hai người yêu nhau, không nghe theo bố mẹ sắp đặt tình yêu môn đăng hộ đối, kiểu cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Và họ không bao giờ hối tiếc về tình yêu ấy. Trong truyện, có người hỏi chàng trai: Cậu yêu kiểu gì đấy? Chàng trai trả lời: "Tôi yêu theo cách của tôi: Yêu, nghĩa là không bao giờ phải nói rất tiếc".
PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái
Sinh viên báo chí nghe thế thì rất thích, nhưng lại tiếp tục chất vấn tôi về người đàn ông tôi yêu, vậy người ấy phải là người thế nào nhỉ, thưa cô? Tôi vốn thích trả lời thẳng, với tôi, người tôi yêu phải là người đàn ông không bao giờ biến mất vào những lúc quan trọng. Và tôi cho rằng, với tôi, đấy mới chính là người đàn ông tử tế.
Thêm nữa, có thể người ấy nên yêu tôi ít hơn là tôi yêu, để tôi chủ động yêu. Tôi nghĩ, tình yêu không hề giống cái bình thông nhau, người này yêu đến bao nhiêu thì người kia yêu đến bấy nhiêu. Và tôi thích người kia yêu ít hơn tôi để tôi được quyền đổ đầy tình yêu của tôi vào đấy. Người kia yêu nhiều hơn tôi, biết đâu tôi thấy nhàm chán thì sao...
Tôi nghiệm sinh rằng, về bản chất, có lẽ tình yêu là một cuộc chạy đuổi. Người này đuổi thì người kia chạy và ngược lại. Tôi không thích là người chạy, tôi thích là người đuổi bắt hơn. Tôi thích chủ động và tôi thích mình có đủ lý do để yêu người kia…
Lại một câu hỏi ỡm ờ, và thật oái oăm nữa xuất hiện, mà tôi buộc phải trả lời trong tiếng cười nổ phá của sinh viên báo chí của tôi. Trên thân thể người đàn ông mà cô yêu, bộ phận nào khiến cô thích nhất? May quá, tôi đã đọc ở đâu đó câu trả lời rất thông minh của một cô gái châu Âu, khi được hỏi cái câu oái oăm ấy, cô vui vẻ và hồn nhiên trả lời, đó là bờ vai của người yêu, chỗ mà cô ấy được tựa vào khi đau khổ, tuyệt vọng, mất niềm tin, khi tưởng chừng không còn chỗ nào để vịn tựa nữa vv… Và đấy là một điểm tựa thật yên ấm…
Ngần ấy nghiệm sinh vè tình yêu của tôi trong những trả lời thành thật và thẳng thắn, đã khiến sinh viên của tôi rất vui, trên tinh thần đối thoại dân chủ ngày Valentine…
* Từ góc nhìn của bà, có thể chiếu một cái nhìn về tình yêu của giới showbiz Việt hiện nay không? Hiện nay có khá nhiều chuyện yêu đương ồn ào liên quan tới tình tiền như tỉ phú 72 tuổi với người mẫu 27 tuổi; hay cặp tình nhân cách biệt tuổi tác khá lớn Vũ Hoàng Việt và Yvonne Thúy Hoàng. Từ quan niệm của mình, bà nghĩ sao về vấn đề này?
- Quan niệm "yêu là không bao giờ phải nói rất tiếc", mà tôi rất thích, và lấy đó làm triết lý về tình yêu của riêng mình, chính là ảnh hưởng tốt đẹp từ việc đọc sách, và từ sự tự nghiệm sinh tình yêu của chính tôi trong cuộc đời của mình. Chính vì thế, tôi quan niệm về tình yêu cũng như cách yêu hết sức rõ ràng.
Bằng vào góc nhìn của mình, tôi thấy tình yêu của một vài đôi tình nhân trong giới showbiz đang rất thích làm ồn ào trên truyền thông. Tiêu biểu là chuyện tình giữa ông Hoàng Kiều và Ngọc Trinh, từ lúc bắt đầu, đến khi kết thúc rất chóng vánh, đều được trưng trổ trên truyền thông, nhất là trên mạng xã hội. Ông Hoàng Kiều đơn phương và đột ngột kết thúc tình yêu với lý do Ngọc Trinh không yêu nghiêm túc để cùng ông đi đến hết cuộc đời.
Lý do đến với nhau và rời xa nhau của cặp đôi này đều được đưa lên truyền thông, cùng với thời gian yêu đương rất chóng vánh, và những bức hình âu yếm thân mật mang tính phô diễn và những tin tức về chuyện tài sản ông Hoàng Kiều tăng lên chóng mặt sau khi cuộc tình được công bố, kèm theo những quà tặng đắt giá mà họ đã tặng cho nhau…
Phải nhận rằng, đó là một kiểu tình yêu mang đặc thù của thời kinh tế thị trường. Nó có khá nhiều mùi vụ lợi. Cụ thể là mùi tiền bạc… Như thế, thông qua tin tức và dữ liệu từ truyền thông, buộc phải thấy rằng, tiền bạc đã chi phối quá lớn tình yêu của cặp đôi này, từ ngỏ lời, trao đổi quà tặng, tới chuyện ăn ở với nhau đều chóng vánh và được định giá. Chẳng phải Ngọc Trinh đã từng phát biểu đấy ư: Không có tiền thì cạp đất mà ăn à? Tình yêu dạng này phụ thuộc rất nhiều vào túi tiền của 2 người. Ngọc Trinh, cho dù tài sản chưa bằng Hoàng Kiều, nhưng có lẽ cũng muốn tỏ ra mình không chịu thua kém, cũng là một đại gia, nên cái cách yêu nhau và quên nhau của cả hai người, đều nhuốm màu vụ lợi.
Với cuộc tình Vũ Hoàng Việt và Yvonne Thúy Hoàng, lại là một câu chuyện khác. Rõ ràng, cậu Việt ít tuổi hơn nhiều so với Hoàng. Hoàng lo hết chuyện tiền bạc cho Việt. Điều này, đã được truyền thông đầy đủ, và chính Hoàng cũng không giấu diếm chuyện chi tiêu tiền bạc cho Việt, vì lý do yêu Việt, và ai cũng rõ.
Nhưng, người trong cuộc thường không thích thừa nhận chuyện liên quan tình-tiền, ví dụ có thể dùng tiền để đổi lấy, để duy trì tình chẳng hạn. Chuyện này, theo tôi cũng dễ hiểu, bởi không dễ gì thừa nhận cái sự thực sặc mùi vụ lợi này, vả lại, đây là chuyện riêng của cặp đôi lệch tuổi, họ cứ việc yêu nhau như họ vẫn yêu nhau. Song vấn đề ở chỗ, cách cặp đôi này gây ồn ào trên truyền thông, như muốn “trêu ngươi”, thách thức dư luận, khiến dư luận cũng ồn ào nhiều đánh giá khác nhau. Và đánh giá là quyền của dư luận.
Đã phô phang thì phải nhận xì xào dư luận thôi. Nên, theo tôi, nếu yêu thì cứ yêu, mà không cần ồn ào, phô diễn, hoặc chứng tỏ niềm hoan lạc riêng tư của mình trước truyền thông. Bởi suy cho cùng, hạnh phúc riêng tư đâu cần thông báo rộng rãi và khoe mẽ ồn ã trước truyền thông?
Thêm nữa, bản chất tình yêu là phi vụ lợi. Một ca khúc Pháp có ca từ rất vui và rất hay: tình cho không biếu không, có thể, trong tình yêu càng cho nhiều thì càng nhận được nhiều. Nên, đã yêu thì đừng nên tính toán chuyện cho gì và nhận được gì. Thấy mình yêu được người mình muốn yêu và được yêu lại, được tự mình xử lý thông minh các vấn đề riêng tư của mình, tránh phô diễn trước truyền thông, có lẽ đó là hạnh phúc và dường như đấy là giải pháp tốt hơn cả cho tình yêu riêng tư của hai người.
Tất nhiên, đó cũng chỉ là điều tôi nghĩ. Còn nếú ai đấy yêu nhau mà vẫn tiếp tục thích làm ồn ào truyền thông, thì đấy là quyền của họ. Họ muốn tình yêu của họ cả thiên hạ cùng biết, thì đấy là việc của họ thôi.
Tình- tiền luôn là vấn đề "đau đầu" trong các mối quan hệ
* Ngoài chuyện showbiz, tình- tiền cũng là vấn đề khá nhức nhối trong tình yêu, hôn nhân trong xã hội hiện nay. Bà nghĩ sao về vấn đề này?
- Đó là điều đương nhiên đặt ra trong bối cảnh kinh tế thị trường của sự phát triển xã hội Việt Nam hiện đại. Nhiều quan điểm cho rằng, nếu đã yêu nhau và tính tới hôn nhân thì cả đôi phải cùng làm ra tiền thì mới có hạnh phúc. Tôi vừa xem trên truyền hình. Hai vợ chồng yêu nhau cưới nhau. Sau họ phải đối diện với đời sống hôn nhân nhọc nhằn đầy bi kịch vì nghèo và túng thiếu. Bà mẹ vợ đến thăm con gái, liếc nhìn nhà trọ tồi tàn và đay nghiến con rể: làm trai mà không nuôi được vợ con thì không đáng mặt đàn ông. Sau, người chồng lại phát hiện người vợ ngoại tình. Sẵn ẩn ức nghèo, không nuôi nổi gia đình, cậu đã mất trí mà giết vợ.
Đó là bi kịch khá là điển hình của tình yêu trong xã hội hiện đại. Nhiều lứa đôi ở Việt Nam, lúc yêu nhau, thường không nghĩ tới cảnh sống chung sẽ gặp gánh nặng kinh tế tài chính. Và, khi họ va đập với những chuyện cơm áo gạo tiền tàn nhẫn, họ đã rất khó khăn trong giải quyết. Chuyện giải quyết này liên quan tới sự trưởng thành của từng cá nhân trong một xã hội đang phát triển hết sức nhọc nhằn. Và, sự trưởng thành này, nếu không đích đáng, thì đôi khi phải trả giá rất đắt.
Điều này dẫn tới tỷ lệ li hôn của gia đình trẻ ở đô thị là rất cao. Và tỷ lệ phụ nữ trẻ ở Việt Nam mang thai và nạo phá thai đã và đang là một vấn nạn lớn. Những cuộc yêu đương kiểu sống thử trước hôn nhân đã phải nhận nhiều cái kết đắng.
Tình yêu và hôn nhân đang đặt ra vấn đề hết sức khắc khoải trong xã hội Việt Nam hiện đại. Điều này thôi thúc chúng ta phải giải quyết. Tôi nghĩ, lớp trẻ cần lý tính hơn trong tình yêu, nên tránh cái bi kịch của Mỵ Châu từ thời xa xưa “trái tim nhầm chỗ để lên đầu”. Chúng ta không thể cứ cảm tính mãi. Bởi, nếu trong yêu đương, chỉ thuận theo tình cảm kiểu duy tình, bất chấp sự can thiệp sáng suốt của lý trí, nhất là khi phải đối mặt với thực tế nghiệt ngã của cuộc sống hiện đại, thì chúng ta, nhất là người Việt trẻ, sẽ lâm vào bi kịch của sự nhầm chỗ như Mỵ Châu thuở xa xưa…Và, phải chăng, đây có lẽ là điều đáng nghĩ nhất trong ngày Valentine?Mỹ Mỹ (Thực hiện)
Tags