PGS. TS Phạm Văn Tình – người tôn vinh tiếng Việt yêu thương

Thứ Tư, 03/02/2021 07:53 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Viết sách giúp học sinh, yêu tiếng Việt, hiểu tiếng Việt, PGS-TS Phạm Văn Tình có bộ 4 quyển Tiếng Việt yêu thương (NXB Kim Đồng 2008). Cũng thuộc loại sách này ông còn có quyển Mỏng mày hay hạt được Nhà nước đặt hàng, năm 2014 NXB Kim Đồng in tới 21.776 bản, đưa vào thư viện các trường trung học cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa.

PGS-TS Phạm Văn Tình: 'Đánh vần' trong tiếng Việt - nhìn từ lịch sử và ngôn ngữ học

PGS-TS Phạm Văn Tình: 'Đánh vần' trong tiếng Việt - nhìn từ lịch sử và ngôn ngữ học

Bắt đầu từ một clip “đánh vần lạ” trong một lớp học, dư luận đang nổi sóng xung quanh việc dạy và học tiếng Việt ở bậc tiểu học.

Trong năm học 2020 – 2021, Phạm Văn Tình lại có thơ được đưa vào Tiếng Việt 1 (tập 2) bộ Chân trời sáng tạo (NXB Giáo dục Việt Nam 2020).

Ở miền cổ tích tiếng mẹ

Bài thơ Ước mơ nào cũng quý giúp các em nhận ra những âm tiết có vần “uy”, từ đó phân biệt cách dùng các tiếng có vần “ui” với các tiếng có vần “uy”, giúp các em nhận ra các từ: muốn, mong, thích, ước cùng một nhóm từ các em có thể chọn khi muốn nói ra điều mình chờ đợi, và trên hết, giúp các em biết, ước mơ muốn thành hiện thực thì đừng hấp tấp, vội vàng, mà phải bắt đầu bằng “chăm chỉ”:

“Hôm nay cô giáo hỏi:/ Em mơ ước điều gì?/ A, câu hỏi hay thật/ Không cần phải nghĩ suy// Bạn muốn làm nhà báo/ Bạn mong thành nông dân/ Bạn thích làm cô giáo/ Bạn ước thành siêu nhân...// Tươi cười cô giáo bảo/ Ước mơ quý như nhau/ Nhưng các em hãy nhớ/ Chăm chỉ phải đi đầu”.

Trong các sách tôn vinh tiếng Việt dành cho thiếu nhi, tác giả Phạm Văn Tình biết cách dẫn các em ngược dòng thời gian tới miền cổ tích tiếng mẹ, tìm ra những bụi vành li ti đúc kết thành lời ăn tiếng nói hôm này. Một cổ tích tiếng mẹ được Phạm Văn Tình kể, bắt đầu bằng lời thoại: “Con có biết con cái Xuyến nhà cụ Đồ Thơ cuối làng không? Con bé ngoan đáo để. Người “mỏng mày hay hạt” như nó, bao nhiêu anh chết mê chết mệt đấy. Hay là...”.

Bà mẹ nọ đang thuyết phục anh con trai bằng lòng ngỏ lời với cô gái cùng thôn mà bà đang rất ưng ý, muốn chọn làm dâu nhà bà. Và rồi, thật bất ngờ, chữ “mày”, chữ “hạt” làm chết mê chết mệt người ta, hóa ra lại đã từng tươi xanh ngoài thiên nhiên vùng lúa nước! Theo Phạm Văn Tình thì: “Mày” ở đây chỉ lá bắc (lá ở gốc cuống hoa) có ở hoa các cây như ngô, lúa… “Mỏng mày hay hạt” là dấu hiệu của hạt giống tốt, đạt tiêu chuẩn, khi ươm sẽ có tỉ lệ nảy mầm cao, cây phát triển khỏe và hứa hẹn một vụ mùa bội thu… “mỏng mày hay hạt” được “chuyển di” và dùng để ví von về dung nhan tướng mạo của người phụ nữ với những phẩm chất hay.

Chú thích ảnh
PGS-TS Phạm Văn Tình

Một hướng tôn vinh khác, theo chiều ngược lại, Phạm Văn Tình đưa bạn đọc của mình tới những miền hiện đại của ngôn ngữ quốc tế để giới thiệu sức sống và sự độc đáo của tiếng ta. Ông viết: “Điều thú vị là về mặt ngôn ngữ, người Việt lại gọi @ bằng cái tên A còng từ lúc nào chẳng rõ. Không bắt chước tên gọi ở các quốc gia khác như “a có đuôi” (Nga) “a quăn” (Hà Lan, Đan Mạch) “a đuôi dài” (Trung Quốc) “a vòi voi” (Thụy Điển)… cái tên gọi lạ tai, ngộ nghĩnh và đậm chất thuần Việt (làm ta dễ liên tưởng tới cái còng cua, lưng bà còng, hay cái còng tay…) nên “a còng” tự nhiên đi vào vốn từ vựng giao tiếp tiếng Việt như một từ “độc tôn”.

Thơ trên đường hoa dành cho cuộc “việt dã” tiếng Việt

Là tiến sĩ ngôn ngữ học, lại đương chức Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, tác giả Phạm Văn Tình được mời ngồi ghế phản biện cả trăm cuộc bảo vệ luận án thạc sĩ, tiến sĩ của các nghiên cứu sinh trên cả nước. Điều này không có gì lạ. Lạ là, mỗi nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án của mình đều được ông thầy phản biện Phạm Văn Tình tặng thơ mình viết, để khuyết khích, động viên người có trách nhiệm với tiếng mẹ đẻ, để có dịp tôn vinh tiếng Việt!

Tác giả Phạm Văn Tình kể: Mặc dù tình hình Covid-19 đột nhiên trở nên nghiêm trọng, mặc dù cả buổi sáng vẫn còn bận việc ở Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG Hà Nội, nhưng buổi trưa tôi vẫn tức tốc lên Thái Nguyên để kịp dự buổi bảo vệ luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh Vũ Thị Hương tại Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên, với đề tài Đặc điểm từ ngữ chỉ sự vật trong ca khúc tiếng Việt dành cho thiếu nhi.

Cách đây đúng 10 năm (2011), tôi đã hướng dẫn Vũ Thị Hương làm luận văn Thạc sĩ. Có quyết định làm nghiên cứu sinh từ tháng 4/2015, lẽ ra Vũ Thị Hương đã bảo vệ luận án vào giữa năm 2018. Nhưng vì hoàn cảnh, Hương đã phải gia hạn tới 2 lần, để sinh và nuôi 2 cháu nhỏ, lo xong chuyện nhà cửa và sắp xếp công việc ổn định, nên hôm ấy, em ấy mới hoàn tất mọi việc để “cắm cờ về đích”.

Đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên hôm ấy bị tắc (do có một tai nạn giao thông) vì vậy, tôi đã phải mất 2 tiếng 15 phút mới tới Trường Sư phạm Thái Nguyên, chỉ còn đúng 2 phút là buổi bảo vệ bắt đầu. Không kịp ăn. Kệ. Quan trọng là đã kịp. Nhưng dù vội, dù mệt, tôi vẫn kịp viết mấy câu thơ tặng Vũ Thị Hương, khi em nhận kết quả đánh giá “Luận án đã đạt yêu cầu về nội dung và hình thức ở mức tốt và mở ra nhiều gợi ý về mảng nghiên cứu ca từ trong ca khúc”:

Quyết chí trở lại với hành trình đơn độc

Không ai có thể thay mình nếu mình không chịu học

Đừng vội vã buông xuôi trước đường xa thăm thẳm chân trời

Thật là mừng khi hôm nay em tươi tắn nụ cười

(Dù cặp kính có dày thêm một số)

Tiếng vỗ tay vang xa nắng bừng khung cửa sổ

Ngoài kia thấp thoáng cậu con trai ôm hoa đứng đợi trước hiên nhà…

(Đừng vội vã buông xuôi trước thăm thẳm chân trời)

Phải “quyết chí” ở cả trò Hương và thầy Phạm Văn Tình thì người mẹ 2 con ấy mới về đích trên đường hoa dành cho cuộc việt dã tiếng Việt!

Để tiếng Việt thay da đổi thịt

Tiếng Việt là một sinh ngữ, nó đang sống và nó cần phát triển, cần thay da đổi thịt. Tác giả Phạm Văn Tình là người cổ vũ việc thay đổi kia, cho dù khi làm “hiệp sĩ mở đường” có khi ông bị ném đá.

Vào năm 2011 khi cuốn Sát thủ đầu mưng mủ (thành ngữ sành điệu bằng tranh) xuất bản, thì việc nhìn nhận sách này, như chấp nhận hay không, những hiện tượng ngôn ngữ mới xuất hiện được đặt ra, và đa số là phản đối và chê bai. Nhưng Phạm Văn Tình và một số ít người lên tiếng kêu gọi bình tĩnh "cần lắng nghe giới trẻ" vì ngôn ngữ blog, ngôn ngữ mạng, ngôn ngữ @ đang là một xu hướng chứa đựng nhiều nhân tố từ cuộc sống.

Chú thích ảnh
Bài “Ước mơ nào cũng quý” tring sách “Tiếng Việt 1”

Nhờ có ý kiến dù thiểu số này, cuốn sách đang ăn khách liền tái bản với tên mới Phê như con tê tê và tiêu đề phụ là Tôi đã trở lại lợi hại hơn xưa. Nó tiếp tục bị phản đối. Ông Nguyên Đức Dương, “cây đa cây đề” trong giới ngôn ngữ, viết bài Tôi đã trở lại tệ hại hơn xưa, nhận định: “hầu hết các biểu thức ngôn từ [linguistic expression] được họ coi là “thành ngữ” và được gom góp trong 2 tập sách đều là những biểu thức hoàn toàn rỗng nghĩa (chả hề mang lại cho người đọc một nội dung nào). Bất chấp một yêu cầu bình thường mà mọi loại hoạt động giao tiếp đều phải đáp ứng: Mọi lời nói ra, dù ngắn đến đâu, cũng đều phải có ý nghĩa!”.

Sách vẫn bán chạy và Phạm Văn Tình vẫn kiên trì, dứt khoát bảo vệ quan điểm, ngôn ngữ có lối đi có lý của nó, cái hôm qua là căn cứ cho ta hiểu thêm cái hôm nay chứ không quyết định cái hôm nay. Ông kiên trì tới ngày ý kiến này “sáng đèn” trong một hội thảo tổ chức 29/3/2012 tại Hội trường Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace, Hà Nội khi ông có thêm những người ủng hộ ngồi bên cạnh, Văn Như Cương, Phạm Xuân Nguyên…

Cho tới hôm nay, đọc lại cuốn từ điển thành ngữ bằng tranh hí họa, với những lời dẫn trào lộng ấy, vẫn thấy trong tiếng cười tưởng là đùa cợt kia, những gợi ý nghiêm túc. Thí dụ, trong nền giáo dục xưa cũ, lấy ông thầy làm trung tâm thì “Không thầy đố mày làm nên”, nhưng khi đã khai phóng để học trò là trung tâm của khoa học giáo dục, thì nói như một nhân vật trong từ điển này ở trang 60 “Không mày đố thầy dạy ai”!

Theo mạch văn nói cho vui, thì Phạm Văn Tình là một nhà ngôn ngữ cứng đầu! Khi dư luận ồn ào phản đối quảng cáo “mở lon Việt Nam” thì ông vẫn khăng khăng: “Tôi không nhận định cách nói này hay hay không hay, tôi chỉ nói cách nói này là bình thường. Coca-Cola có thể lựa chọn nhiều khả năng: "Mở lon trúng thưởng", "Mở lon phát tài", "Mở lon Việt Nam", "Bật nắp lon may mắn"... có lẽ nhiều người cho rằng kết hợp "mở lon" có thể hiểu sai, vì gần với một từ xấu trong tiếng Việt. Đó là một suy luận hết sức tùy tiện…”!

(Còn tiếp)

Vài nét về Phạm Văn Tình

PGS-TS Phạm Văn Tình, Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, sinh năm 1954 tại Nam Định. Tác giả các ấn phẩm: Phép tỉnh lược và ngữ trực thuộc tỉnh lược trong tiếng Việt (NXB Khoa học Xã hội, 2002), Đi một ngày đàng (NXB Lao động, 2003), Tiếng Việt: Từ chữ đến nghĩa (NXB Từ điển Bách khoa, 2004), Tiếng Việt từ cuộc sống (NXB Trẻ, 2004), Người đẹp: Ăn làm sao, nói làm sao (NXB Trẻ, 2005), Luận chữ, luận nghĩa (NXB Văn hóa Thông tin, 2007), Tiếng Việt yêu thương (4 cuốn, NXB Kim Đồng, 2008), Tiếng Việt: Hành trình qua những ô chữ (NXB Tri thức, 2009), Giải nghĩa ca dao, thành ngữ, tục ngữ (NXB Kim Đồng, 2013), Thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt: Từ ngạc nhiên đến thú vị (NXB Kim Đồng, 2018), Chuyện chữ ra chuyện đời (Công ty Truyền thông sống - Nhã Nam, NXB Phương Đông 2019)…

TRẦN QUỐC TOÀN

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›