PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: Hòa hợp dân tộc bằng con đường văn hóa

Thứ Sáu, 20/02/2015 06:31 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - LTS: Sau 40 năm kể từ ngày Đất nước trọn niềm vui (lời trong bài hát của nhạc sĩ Hoàng Hà), Bắc Nam liền một dải, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, chúng ta hãy cùng nhìn lại công cuộc thống nhất, hòa hợp nhìn từ bình diện văn hóa của nước ta sau năm 1975.

Được biết, Quyết định 1899/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 40 giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 -30/4/2015) có giao cho TP.HCM tổ chức hội thảo, tọa đàm, họp mặt với chủ đề: “Hòa hợp dân tộc, góp phần xây dựng đất nước”. Trước thềm năm mới, cuộc trò chuyện giữa Thể thao & Văn hóa với PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương hy vọng sẽ góp thêm một tiếng nói, một cách nhìn về vấn đề quan trọng và thú vị này.


PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ

Đã có những chuyển biến trong cách nghĩ, cách làm

* Thưa ông, công cuộc thống nhất đất nước về chính trị, kinh tế, xã hội... đã được thực hiện rất sớm sau ngày giải phóng miền Nam (30/4/1975). Còn trên bình diện văn hóa, văn nghệ, chúng ta thực hiện như thế nào, từ khi nào, trên cả góc độ nghiên cứu lý luận (về các thành tựu văn hóa, văn nghệ miền Nam giai đoạn 1945-1975) và thực tiễn (phổ biến các giá trị tích cực đích thực tới công chúng)? Đâu là nỗ lực và thành tựu cho đến nay, thưa ông?

- Công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã kết thúc cách đây vừa tròn 40 năm. Với bằng ấy thời gian, bên cạnh niềm tự hào lớn lao, chúng ta cũng đã và đang thẳng thắn nhìn lại một số vấn đề, một số góc cạnh của lịch sử đã qua, trong đó có câu chuyện về thống nhất và phát triển văn hóa, văn nghệ ở hai miền Nam, Bắc sau 1975.

Thực tế cho thấy, hơn 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đất nước ta không chỉ bị chia cắt về địa lý mà đây đó còn bị chia rẽ lòng người. Đặc biệt là trong 20 năm miền Nam dưới chính quyền cũ. Bằng hệ thống tâm lý chiến khổng lồ với nhiều thủ đoạn thâm hiểm, các hoạt động tuyên truyền phục vụ chiến tranh xâm lược và chủ nghĩa thực dân kiểu mới đã được đẩy mạnh, tạo ra một thứ văn hóa nô dịch, đồi truỵ, lôi kéo một bộ phận khá đông thanh niên trong các thành thị chạy theo lối sống gấp, vị kỷ, sa đọa, hòng hủy hoại những giá trị văn hóa dân tộc. Nguy hiểm hơn, họ còn bị đẩy đến niềm tin rằng Việt Nam Cộng hòa là quốc gia riêng biệt, tách rời khỏi nước Việt Nam thống nhất; rằng “giải phóng miền Nam” thực chất là cuộc xâm lược của những người cộng sản miền Bắc.

Sự hận thù được tô vẽ, cài đặt vào trong tâm thức của một bộ phận người dân cực đoan đến mức Vũ Hoàng Chương, nhân vật từng được chính quyền khi ấy tung hô là “thi bá” trên văn đàn thi ca miền Nam trước giải phóng, đã có những vần thơ sát khí: “Có một ngày ta trở lại cố đô/ Lưỡi lê no máu rửa Tây Hồ/ Trên tầng Chí Sĩ bàn tay vẫy/ Đại định Thăng Long, một bóng cờ”.

Song, cùng với thứ văn hóa, văn học, nghệ thuật nô dịch, phản động được nuôi dưỡng bởi chính quyền cũ trên mảnh đất miền Nam, không chỉ có một dòng văn hóa, văn học, nghệ thuật kháng chiến phát triển vô cùng mạnh mẽ ở vùng giải phóng, mà còn có sự xuất hiện và phát triển của dòng văn hóa, văn học, nghệ thuật yêu nước, tiến bộ ngay tại vùng bị tạm chiếm. Chẳng hạn, trong văn học, có Vũ Hạnh, Chánh Trung, Nguyễn Ngọc Lan, Dương Tử Giang, Lê Vĩnh Hòa, Trần Ngọc Sơn, Trọng Tuyên… Họ là những nhà văn yêu nước và tiến bộ, có ảnh hưởng tích cực trong đời sống tinh thần của đồng bào ở các đô thị miền Nam lúc bấy giờ. Bên cạnh đó, còn là sự xuất hiện của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, văn học, nghệ thuật, nhà văn, dịch giả tên tuổi như Nguyễn Hiến Lê, Toan Ánh, Bửu Cầm, Sơn Nam, Vũ Bằng, Vương Hồng Sển, Huỳnh Văn Tòng... với các công trình nghiên cứu, khảo cứu văn hóa, các tác phẩm văn học, nghệ thuật giá trị về đất nước, con người Việt Nam, khẳng định những cống hiến đáng kể của trí thức miền Nam trước giải phóng trong nhiệm vụ gìn giữ và phát triển của văn hóa nước nhà.

Vì thế, ngay sau ngày giải phóng, cùng với yêu cầu thống nhất về chính trị, kinh tế, xã hội; đấu tranh chống lại những tàn dư “văn hóa” phản động; thì việc chọn lọc, gìn giữ, phát huy những yếu tố dân tộc, dân chủ, tiến bộ trong văn học nghệ thuật ở những vùng bị địch chiếm là một đòi hỏi tất yếu, cần thiết. Chẳng hạn trong lĩnh vực xuất bản, cùng với sách của 128 tác giả và 920 đầu sách bị cấm lưu hành, bằng sự “gạn đục, khơi trong”, chính quyền Cách mạng đã cho phép lưu hành 1067 cuốn sách tiếng Việt, 562 cuốn sách tiếng Anh, 359 cuốn từ điển bằng tiếng nước ngoài...

Tuy nhiên, cho đến nay, theo cách nhìn của riêng tôi, cả nghiên cứu và phổ biến các giá trị của văn học, nghệ thuật miền Nam trước giải phóng, nhất là trên phương diện nghiên cứu lý luận, còn có những hạn chế nhất định, trong đó có nguyên nhân chủ quan khó tránh khỏi của nhãn quan lịch sử.

Hơn 10 năm trở lại đây, đã có những chuyển biến trong cách nghĩ, cách làm. Một số tác phẩm, tác giả văn học, nghệ thuật phía Nam thời kỳ trước giải phóng đã được nghiên cứu, giới thiệu với công chúng. Và chúng ta - những người có trách nhiệm, cần tiếp tục chọn lọc, gìn giữ, phát huy những giá trị tích cực, nhân văn trên tinh thần hòa hợp dân tộc để hàn gắn vết thương, để mọi người Việt Nam dù ở trong nước hay ngoài nước, cũng cùng nhìn về phía trước mà suy nghĩ và hành động vì tương lai dân tộc, vì một đất nước giàu mạnh, văn minh...

* Như những điều ông nói ở trên, có thể thấy ngay rằng, văn hóa, văn nghệ miền Nam trước năm 1975 gồm rất nhiều dòng chảy, trong đó có dòng chảy văn nghệ kháng chiến, phản chiến... và cùng với đó là dòng chảy mà chế độ cũ coi là “chính thống”. Ông nghĩ gì về điều này khi mà chiến tranh đã lùi xa 40 năm?

- Trước hết, cá nhân tôi ủng hộ việc phổ biến các giá trị văn học, nghệ thuật đích thực ở miền Nam trước năm 1975. Việc cần tiếp tục làm là đẩy mạnh nghiên cứu, chọn lọc, phổ biến những tác giả, tác phẩm tiến bộ, không theo xu hướng phản động, nô dịch. Các nhà nghiên cứu cũng có thể mở rộng phạm vi nghiên cứu của mình nhưng phải đứng trên các nguyên tắc cơ bản.

Lẽ dĩ nhiên, đối với một hay một số vấn đề văn hóa - lịch sử phức tạp như vậy, không thể là công việc dễ dàng, phải có một cách tiếp cận vừa khoa học, tỉnh táo, vừa nhân văn, khoan dung, cầu thị. Với một số tác phẩm văn học, tuy về nội dung có chuyện này, chuyện kia (nhưng không phản động, nô dịch), có thể xem xét sâu hơn bình diện hình thức, nghệ thuật ngôn từ, phương pháp sáng tác..., ví dụ một số tác giả, tác phẩm xuất hiện trên các tạp chí do chính quyền cũ dựng lên hay kiểm soát như: Sáng Tạo, Quan Điểm, Văn Hóa Ngày Nay, Nhân Loại...

Tất nhiên, trong thực tế, câu hỏi về cách ứng xử như thế nào đối với các tác phẩm văn học, nghệ thuật của các tác giả miền Nam trước 1975 là vấn đề khó có được câu trả lời cụ thể và thấu đáo. Vì lẽ đó, chúng ta cần có nhiều nỗ lực hơn nữa, với tầm nhìn và trách nhiệm cao hơn. Sẽ là không thừa khi nhắc lại điều này, việc tìm kiếm, chọn lọc, bảo lưu các giá trị văn học, nghệ thuật miền Nam trước giải phóng phải đặt trên một nguyên tắc, một nguyên tắc không được phủ nhận, xem nhẹ hay đảo lộn: đó là tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta. Bởi một số người nào đó, gần đây đã nhân danh “hòa hợp dân tộc”, “thống nhất văn hóa” mà đưa ra quan niệm sai trái về cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, cứu nước; coi những văn nghệ sĩ từng cầm bút chống lại sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước, thống nhất giang sơn là hành động vì “lý tưởng khác”, “lựa chọn chính trị khác”; đòi “khơi thông một dòng văn học, nghệ thuật đang âm thầm chảy”; đòi “hợp lưu” dòng văn học, nghệ thuật cách mạng với dòng văn học, nghệ thuật phản động, nô dịch, vong bản; đòi lật lại lịch sử, “hạ bệ”, “giải thiêng” các giá trị to lớn, thiêng  liêng của dân tộc. Nếu không bảo vệ chân lý này, vô hình trung, chúng ta đã đồng lõa với cái xấu, hủy hoại giá trị nhân bản và nhân văn, xóa nhòa ranh giới giữa thiện và ác, chính và tà, giữa yêu nước với bán nước. Cho nên, hòa hợp dân tộc, tìm tiếng nói thống nhất, chân quý những giá trị Chân-Thiện-Mỹ của văn học, nghệ thuật ở một giai đoạn lịch sử đã qua phải trên tinh thần “khép lại quá khứ, hướng đến tương lai” chứ không phải là “xét lại” để làm méo mó sự thật, gạt bỏ đạo lý.

Ở đây, có một điều chúng ta không thể quên, trong sự thống nhất để đi đến hòa hợp, phải có sự chân thành. Chân thành với nhau không mang theo thiên kiến thù hận. Chân thành với đất nước, với dân tộc, làm tất cả vì lợi ích của đất nước, của dân tộc. Chân thành với lịch sử, tôn trọng sự thật, tôn trọng giá trị lịch sử.


Sau khi trở về sống tại quê hương, cố nhạc sĩ Phạm Duy đã xuất hiện trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội

Dù ra đi vì các lý do khác nhau nhưng vẫn luôn được tạo điều kiện để trở về…

* Quan sát trong đời sống văn hóa văn nghệ thời gian gần đây, ta có thể thấy khá nhiều các tác giả, tác phẩm một thời từng bị coi là “bên kia chiến tuyến” được chọn lọc in ấn, xuất bản hay cấp phép phát hành, biểu diễn trở lại. Ông đánh giá điều này như thế nào? Ông có kỳ vọng gì trong thời gian tới về việc tiếp tục đẩy mạnh công cuộc “hòa hợp dân tộc” trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ?

- Chúng ta đang nỗ lực để xây dựng một đất nước giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, xây dựng nhà nước pháp quyền. Vì thế, trong Hiến pháp, quyền con người luôn được khẳng định, được tôn trọng, mọi người có quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận, tự do sáng tạo văn học, nghệ thuật. Trong Luật Xuất bản, Nhà nước cũng bảo đảm quyền phổ biến tác phẩm dưới hình thức xuất bản phẩm thông qua nhà xuất bản và bảo hộ quyền tác giả, các quyền liên quan; không kiểm duyệt tác phẩm trước khi xuất bản. Ðó là căn nguyên lý giải tại sao những năm qua ở Việt Nam, các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị, góp phần vào việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã được xuất bản, trong có những tác phẩm trước năm 1975 ở miền Nam trước đây.

Từ câu chuyện về sự xuất hiện của các tác phẩm từng bị coi là “bên kia chiến tuyến” được chọn lọc in ấn, xuất bản hay cấp phép phát hành, các văn nghệ sĩ, nhạc sĩ hải ngoại trở về quê hương sáng tác, biểu diễn, giao lưu, tôi muốn quay trở lại câu chuyện hòa hợp dân tộc bằng con đường văn hóa nhưng ở một khía cạnh khác, đó là đối với người Việt Nam đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài.

70 năm qua, chúng ta thực hiện hòa hợp dân tộc, đoàn kết toàn dân tộc, vì đó là một yếu tố bảo đảm cho sự vững mạnh của đất nước cả hiện tại và tương lai, huy động mọi nguồn lực để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Song như đã nói, có những yếu tố lịch sử dẫn đến hạn chế trong nhận thức chủ quan của những người làm văn hóa khiến cho có những giá trị văn học, nghệ thuật của một thời có thể chưa được định vị đúng. Trong khi đó, về mặt chính sách, chúng ta vẫn thiếu những biện pháp tích cực giúp đồng bào hải ngoại tìm hiểu sâu văn hóa dân tộc, liên hệ mật thiết với quê nhà, góp phần đấu tranh với những hoạt động chống phá đối với Tổ quốc.

Trong sự nghiệp đổi mới hiện nay, đối với người Việt Nam ở nước ngoài nói chung, giới văn nghệ sĩ nói riêng, Đảng và Nhà nước Việt Nam đang nỗ lực, chủ động tiến hành các bước đi thiết thực, chân thành để mọi người Việt Nam ở nước ngoài có thể hòa hợp cùng dân tộc. Riêng đối với lĩnh vực văn học, nghệ thuật, thực tế cho thấy, lực lượng hoạt động văn hóa, văn nghệ trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiện nay không nhỏ, đã có những công trình nghiên cứu, tác phẩm văn học, nghệ thuật tốt hướng về Tổ quốc. Cho nên, dù những ai đó ra đi vì các lý do khác nhau nhưng Đảng, Nhà nước vẫn luôn tạo điều kiện để anh chị em văn nghệ sĩ trở về quê cha đất tổ, thăm nom, giúp đỡ người thân, biểu diễn phục vụ bà con quê nhà, đóng góp với đồng bào trong nước xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là những minh chứng cụ thể cho tinh thần hòa hợp, đoàn kết mà chúng ta hướng tới.

Tôi tin rằng, cùng với thời gian, từ thực tế sự phát triển của đất nước, từ tinh thần hòa hợp với thiện chí chân thành và những chính sách phù hợp của Nhà nước, nhận thức của rất nhiều người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài sẽ thay đổi để đến lúc gần năm triệu đồng bào đang làm việc, sinh sống ở hải ngoại, trong đó có giới văn nghệ sĩ, bằng con tim yêu thương, tinh thần yêu nước, thái độ bình tĩnh, sẽ đồng lòng bắt tay nhau xây dựng một đất nước Việt Nam giàu mạnh, thịnh vượng.

Cũng nhân dịp đón Xuân mới 2015, hướng tới kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi thân ái gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới văn nghệ sĩ, kiều bào ta ở nước ngoài; chúc cho những người làm văn hóa, văn nghệ chúng ta, dù ở trong nước hay hải ngoại, đoàn kết một lòng, tin tưởng vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, vào tiền đồ tươi sáng của dân tộc, cùng góp sức phấn đấu xây dựng đất nước ta vươn lên tầm cao mới.

* Trân trọng cảm ơn PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ về cuộc trao đổi thú vị này!

 Trần Phi - Nguyễn Mỹ
Thể thao & Văn hóa  Xuân Ất Mùi


Đọc thêm
  • Xem thêm  ›