23/08/2016 18:22 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Với câu hỏi như vừa đặt ra thì không chỉ riêng Việt Nam, mà tại nhiều nước chưa có thị trường mỹ thuật nội địa đúng nghĩa, cũng khó có câu trả lời xác đáng. Trong bài này chúng tôi thử lắng nghe từ những người trong cuộc.
Trên Facebook cá nhân ngày 21/7, nhà sưu tập Tira Vanichtheeranont - người đã trả nhiều học phí cay đắng với việc sưu tập nghệ thuật Việt Nam - đưa ra cảnh báo nhân chuyện lùm xùm tranh giả, tranh nhái liên quan đến bộ sưu tập của ông Vũ Xuân chung.
Cảnh báo viết: “Không nên dễ dàng mua tranh vì nhà môi giới nổi tiếng. Vì chữ ký. Vì giấy chứng nhận. Vì được trưng bày, triển lãm đâu có. Và cũng không nên mua từ sở hữu của ai đó quen biết. Hãy tìm hiểu, học hỏi thật kỹ trước khi mua”.
Tất nhiên đó mới nhìn ở khía cạnh mua, còn nhà sưu tập thực thụ thì chắc chắn phải làm nhiều việc hơn chuyện mua bán.
Họa sĩ Nguyễn Trung Tín: Có những người mãi mãi không thể thành nhà sưu tập
Theo tôi, đầu tiên là nên xác định rạch ròi giữa một nhà sưu tập và một người buôn bán tranh. Có thể là một chủ phòng tranh, có nhiều tranh, buôn bán nhiều năm, nhưng chưa chắc đã là một nhà sưu tập.
Nhà sưu tập có thể có phòng tranh, buôn bán tranh, nhưng về cơ bản bên trong vẫn khác xa người buôn bán tranh thuần túy.
Điều khác biệt nằm ở chỗ, một bên là lòng đam mê, sở thích, một bên là kỹ thuật buôn bán và lợi nhuận. Rất nhiều chủ phòng tranh luôn tự cho mình là nhà sưu tập, nhưng không am hiểu gì về nền mỹ thuật Việt Nam, tranh nào cũng có thể treo và bán, kể cả tranh giả thì không thể nào là nhà sưu tập được. Vì vậy, Việt Nam có nhiều phòng tranh, nhưng rất ít nhà sưu tập chân chính.
Muốn là nhà sưu tập thì phải có một số tiền nào đó, kinh tế dư dả, nếu không có thì không thể trở thành nhà sưu tập. Có thể các nhà sưu tập không nhất thiết phải quá giàu, nhưng nếu muốn có những bức tranh đúng theo sở thích của mình thì chỉ có cách mua mà thôi. Nhưng nhà sưu tập đúng nghĩa, đều có sự đam mê, yêu thích các tác phẩm mỹ thuật.
Họ sưu tập để thỏa mãn sở thích cá nhân, nhưng cũng qua việc sưu tập và hiểu biết của mình có thể kinh doanh một phần nào để kiếm lời, qua đó tăng dần số lượng tác phẩm sở hữu.
Thông thường giữa các nhà sưu tập và họa sĩ có một sự đồng cảm, họ yêu mến sưu tầm tác phẩm của một số họa sĩ nhất định. Sự chuyên sâu vào một số tác giả, trường phái nhất định đã biến họ thành các chuyên gia về lĩnh vực này. Họ sẽ là người nắm rõ cuộc đời, sự nghiệp, suy nghĩ, sở thích của các tác giả mà mình sưu tầm. Những kỹ thuật, chất liệu, bút pháp, khả năng và ngôn ngữ diễn đạt của các tác giả đó. Thậm chí, giữa họ và các tác giả có sự trò chuyện, trao đổi về suy nghĩ.
Qua quá trình sưu tập, họ dễ dàng nhận biết số lượng tác phẩm, thời gian thực hiện, giai đoạn sáng tác của các tác giả.
Muốn trở thành nhà sưu tập đúng nghĩa, cần phải có hai thứ: Lòng đam mê và kiến thức. Trong đó, lòng đam mê giống như cái cơ duyên, khởi đầu mọi sự việc; kiến thức như một quá trình bồi đắp lâu dài, làm sống mãi lòng đam mê đó. Cho nên, nếu không học, không đọc, không tìm hiểu, trao đổi về kiến thức chuyên môn thì không bao giờ trở thành nhà sưu tập được. Nhiều nhà sưu tập có bạn bè là họa sĩ, việc lân la đàm đạo, tán chuyện quanh việc “bếp núc” của sáng tác là điều cực kỳ cần thiết.
Với nhà sưu tập, danh dự chuyên môn của mình là rất quan trọng, sự đánh giá phải thể hiện sự hiểu biết một cách sâu sắc; nếu thừa nhận một bức tranh giả, đồng nghĩa với việc phủ nhận hoàn toàn năng lực cá nhân, trình độ hiểu biết của nhà sưu tập, chưa kể còn bị dư luận đánh giá về mặt đạo đức.
Nhà báo Nguyễn Trọng Chức: Không hẳn phải có rủng rỉnh tiền
Làm báo đã bốn thập niên, lại quan tâm và yêu thích mảng mỹ thuật nên tôi có được một bộ sưu tập nho nhỏ, khoảng trên dưới 100 tác phẩm, phần lớn là tranh cùng vài bức tượng.
Trong bộ sưu tập của tôi, có không ít tranh là quà tặng của các bạn họa sĩ, những người tôi thân thiết và gắn bó với họ đã hàng chục năm, có những bạn thuở mới vào nghề chưa mấy tiếng tăm nay đã được nhiều người ái mộ, có tranh bán được ở các phòng tranh trong và ngoài nước.
Tôi cũng mua một số tranh từ các nguồn khác nhau, có khi may mắn sở hữu được một tác phẩm có giá trị nghệ thuật, tác giả lại nổi tiếng. May mắn đóng vai trò không nhỏ với người chơi tranh.
Theo chuyên gia mỹ thuật Steve Duncan, nếu bạn có ý định sẽ chơi tranh, mua tranh và dần dà sưu tập tranh, hãy chú ý những bước đi sau đây: Trước hết, khoan nói tới chuyện mua tranh như một dạng đầu tư lâu dài, hãy mua tranh vì nó khiến bạn thích thú và nó sẽ làm tăng giá trị cuộc sống bạn. Không phải bức tranh nào mua rồi cũng tăng giá trị thương mại nhưng chắc chắn mỗi bức tranh ấy đều phải đem lại cho bạn niềm hạnh phúc và làm đẹp hơn cho ngôi nhà của bạn.
Và để có sự hiểu biết về lĩnh vực mà mình ưa thích, không có cách nào khác hơn là nên thường xuyên đến với các phòng triển lãm, các phòng tranh, tìm cách trò chuyện với họa sĩ, với người phụ trách phòng tranh khi bạn cảm thấy thích tác giả và tác phẩm. Điều đó sẽ giúp bạn rất nhiều để đi đến quyết định mua một bức tranh nào đó. Và hãy đến các bảo tàng mỹ thuật, đọc thêm sách và tạp chí chuyên ngành về mỹ thuật.
Có người hỏi: tôi sở hữu được tranh của các tên tuổi lớn nào, danh họa nào, giá hiện nay cỡ nào. Thật ra, với tôi những điều đó không quan trọng cho bằng những gì mình có được đang cho tôi một niềm vui sống khó có gì thay thế được.
Nhà nghiên cứu Hà Vũ Trọng: Thiếu môi giới đúng nghĩa thì khó có nhà sưu tập thực thụ
Cần phân biệt giữa nhà sưu tập nghệ thuật (art collector) với người làm môi giới tác phẩm nghệ thuật (art dealer). Ở Việt Nam thì chưa thật sự có art dealer.
Một nhà sưu tập, nếu thuộc hạng có tiền, thì có thể mua bất kể thứ gì theo sở thích hoặc “gu” riêng, nó hoàn toàn dựa theo thị hiếu hoặc tính khí của bản thân. Chính vì sưu tập cho thú vui riêng, cho nên hiếm khi họ là người chuyên môn, nếu có “chuyên” cũng chỉ có xu hướng thu hẹp vào một, hai thể loại nào đó của một, hai thời kỳ nghệ thuật nào đó.
Còn một nhà/giới môi giới nghệ thuật thì “khởi nghiệp” không nhất thiết cần phải giàu có mà đòi hỏi có “con mắt xanh” (có thể nhìn ra tác phẩm có giá trị, hoặc thấy trước tương lai sẽ có giá trị), họ đi tìm và liên hệ với các nghệ sĩ, với các nhà sưu tập, họ kết nối và giữ vai trò cần thiết trong các cuộc cuộc triển lãm. Họ có thể là một công ty gồm những chuyên gia nghệ thuật nhằm nâng cao sự bảo chứng cho tác phẩm trong việc mua bán. Họ có thể mua tác phẩm nghệ thuật và sau đó bán lại cho bảo tàng, hoặc các nhà sưu tập.
Tất nhiên họ là những chuyên gia am hiểu về lịch sử nghệ thuật, các phong cách nghệ thuật, có thể phân biệt được tranh giả tranh thật trong nhiều trường hợp. Họ cũng nắm vững khiếu thẩm mỹ và nhu cầu của khách hàng, nhìn thấy xu hướng thị trường, họ thường xuyên theo dõi các cuộc triển lãm, đấu giá quốc tế.
Việt Nam đang thiếu người môi giới đúng nghĩa thì khó có nhà sưu tập thực thụ. Cho nên, cần phải đào tạo và tự đào tạo nên giới môi giới trước. Hãy nhìn ra thị trường thế giới mà xem, các các phẩm giá trị khi bán ra đều thông qua giới môi giới nghệ thuật.
Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi: Tiền và nắm đấm không làm nên nhà sưu tập
Để trở thành một nhà sưu tập mỹ thuật cẩn trọng, phải: có hiểu biết tối thiểu về nghệ thuật; không ngừng học hỏi; không ngừng theo dõi tin tức; thường xuyên xem triển lãm, nhất là những triển lãm về đề tài mình yêu thích.
Đặc biệt, mỗi khi đi đến một nơi nào đó có lịch sử về chủ đề yêu thích, phải cố gắng dành thì giờ đến quan sát, tìm hiểu. Cái nhìn bằng con mắt thật luôn trung thực hơn nhìn qua hình ảnh. Điều này sẽ cho mình kinh nghiệm để đánh giá mức hiểu biết của mình một cách đúng đắn hơn.
Mỗi khi phải chia rẽ một bức tranh hay đồ vật yêu thích, thường là vì hoàn cảnh bất đắc dĩ, nhà sưu tập chân thành sẽ cảm nhận được sự tiếc nuối. Thông thường, phẩm hạnh của nhà sưu tập thể hiện rất rõ trong những lần bất đắc dĩ như vậy, chứ không thể cơn cơn, hoặc có ý định thượng cẳng chân hạ cẳng tay để khẳng định đồ mình trưng bày là thật.Cho nên, người có tiền mà không có hiểu biết thì dễ bị lừa. Đành rằng mỹ thuật là có thể mua bán, nhưng nhà sưu tập trước hết phải có lòng yêu nghệ thuật, yêu cái đẹp. Không nên nghĩ đến mỹ thuật giống như những hình thức buôn bán khác. Nếu người có tiền mà không có lòng yêu quý nghệ thuật, thì không bao giờ trở thành nhà sưu tập, mà chỉ đơn thuần là một tay buôn mà thôi.
P.V
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất