Đầu tháng 11 vừa qua, UBND TP Đà Nẵng ban hành kế hoạch tổ chức Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng - DIFF 2023.
Thoạt nghe, đây có vẻ chỉ là một tin tức bình thường, trong vô vàn những tin tức thông báo lễ hội hàng năm tổ chức ở nước ta. Nhưng nếu xem xét đến quãng thời gian mà Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng vắng bóng đến tận ba năm (2020, 2021, 2022) so với bề dày của lễ hội này, thì sự trở lại lần này có thể xem là một tin vui báo hiệu sự phục hồi sau thời gian dịch bệnh.
Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng diễn ra lần đầu vào năm 2008, do UBND TP Đà Nẵng đứng ra tổ chức, liên tục đến năm 2020 thì phải dừng lại do dịch Covid-19.
Từ chủ đề đầu tiên "Vũ điệu Tiên Sa" với chỉ 4 nước tham dự, Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng đã diễn ra trong 10 năm liên tiếp. Số nước tham dự đã lên tới 8 nước, với 10 hoặc 11 màn trình diễn pháo hoa diễn ra trong vài ngày. Dù thời gian ít nhưng lễ hội đã thành điểm nhấn, và đủ lâu để ăn sâu vào đời sống sinh hoạt văn hóa của người dân Đà Nẵng cũng như du khách trong nước và quốc tế.
Các nước tham gia cũng trải dài qua Á, Âu, Phi như Austrlia, Nhật, Trung Quốc, Phần Lan, Cộng hòa Nam Phi, Mỹ, Anh, Pháp, Italy… đã giới thiệu và trình diễn nghệ thuật pháo hoa đến từ nhiều nơi trên thế giới.
Pháo hoa có lịch sử lâu đời, về nguồn gốc, có nhiều giả thuyết ủng hộ rằng Trung Quốc cổ đại là cái nôi khai sinh ra nghệ thuật pháo hoa. Ngày nay, nghệ thuật pháo hoa không còn là "tài sản" của riêng quốc gia hay nền văn hóa nào, mà trở thành nghệ thuật chung, mỗi quốc gia phát triển, thay đổi dựa trên nền tảng ban đầu để đẩy pháo hoa trở thành nghệ thuật trình diễn bắt mắt, quy mô lớn, phù hợp với đám đông khán giả.
Do tính chất và quy mô của mỗi màn trình diễn pháo hoa mà không phải lúc nào khán giả muốn cũng có thể chiêm ngưỡng trực tiếp. Còn nhớ lúc nhỏ, đối với tụi con nít ở một thị xã tỉnh lẻ, thì được ngắm một cảnh bắn pháo hoa là chuyện năm thì mười họa và trở thành những kỷ niệm khó phai trong ký ức.
Những "bông hoa" đủ màu sắc nở trên bầu trời đêm, rực rỡ trong một thoáng rồi chóng tàn còn nhanh hơn cả loài hoa thật. Điều đó biến mỗi lần trình diễn pháo hoa trở thành độc nhất. Nhưng sự cộng hưởng của không gian, thời tiết, sắc trời… sẽ tạo ra những cảm xúc khác nhau.
Và cũng nhờ bản chất ngắn ngủi của pháo hoa, mà người xem cảm nhận được vẻ đẹp mong manh, thoáng hiện như đời sống và khiến cho cái đẹp ấy trở nên ấn tượng, ghi dấu trong lòng người xem hơn. Văn hóa Nhật Bản có khái niệm "mono no aware" tạm định nghĩa là: Bi cảm trước cái đẹp vô thường.
Để tạo ra những khoảnh khắc "aware" như thế đòi hỏi cả một tập thể, các vật liệu phục vụ cho các màn trình diễn cũng khá đặc thù, vấn đề vận chuyển, bảo quản cũng cần đặc biệt cẩn trọng.
Sự trở lại vào năm 2023 của Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng có ý nghĩa tinh thần như một sự tiếp nối một lễ hội có lịch sử dài lâu, cũng là sự nối lại một hoạt động tinh thần bị gián đoạn. 3 năm, chậm nhưng cũng thể hiện được sự hồi phục của đời sống xã hội chúng ta. Cuộc sống vẫn tiếp diễn, và lễ hội pháo hoa năm sau, trong cái đẹp thoáng qua trên nền trời, chúng ta có lẽ còn hồi tưởng lại một thời "trước dịch" chưa xa.