(Thethaovanhoa.vn) - Đỉnh cao trong sự nghiệp của Michael Chang chính là danh hiệu Roland Garros năm 1999 mà ở đó, cây vợt mới 17 tuổi này trình diễn một cú giao bóng có một không hai.
Người ta đã quá quen với những hình ảnh mặt sân đất nện màu đỏ, những cú trượt của các cây vợt, tháp Eiffel tại Roland Garros. Tuy nhiên, có một thứ giờ ít thấy hơn trong năm nay, thậm chí là không, là cú giao bóng tầm thấp mà cách đây 30 năm, Michael Chang đã thực hiện đầy tranh cãi ở Roland Garros.
Với chiều cao khiêm tốn 1,75m, Chang là người đầu tiên đánh lừa cây vợt cao 1m88 Ivan Lendl, lúc đó là số 1 thế giới ở vòng 4 Roland Garros 1989 với một cú giao bóng không tưởng đó. "Nó đã khiến anh ấy bất ngờ", Chang nhớ lại. "Tôi nghĩ anh ấy đã choáng váng thực sự bởi sau khoảnh khắc đó, đấy không còn là một trận đấu thể lực nữa mà là một trận đấu tâm lí" (kéo dài 4 giờ 37 phút).
Tuyệt chiêu vô địch
Điều ngạc nhiên là một cây vợt cao tới 1,93m như Kyrgios cũng sử dụng cú giao bóng tầm thấp như vậy tại giải Miami Open hồi tháng 3 và trong suốt giai đoạn chuẩn bị cho Roland Garros, trong đó có trận gặp Daniil Medvedev tại vòng 1 ở Rome.
Ngoài ra, Pierre Hugues Herbert (Pháp) và Monica Niculescu (Romania) cũng thích giao bóng tầm thấp nhằm gây bất ngờ trước đối thủ. Chưa hết, đến vòng 1 Roland Garros hồi đầu tuần, Alexander Bublik lại “bổn cũ soạn lại” và thua điểm trước Rudolf Molleker.
Nếu hiện nay, các cây vợt thấy một người thành công với cú giao bóng tầm thấp và nghĩ rằng mình cũng có thể làm được thì 30 năm trước, Chang dùng đến tuyệt chiêu này chỉ đơn giản vì thể lực giảm sút và liên tục bị chuột rút. Ít ai ngờ là những cú giao bóng tầm thấp như vậy đã mở ra cánh cửa của một trong những bất ngờ lớn nhất trong lịch sử tennis và đưa cây vợt trẻ người Mỹ đánh bại Stefan Edberg sau đó ở trận chung kết, giúp anh trở thành cây vợt nam trẻ nhất vô địch một Grand Slam trong kỉ nguyên Mở.
Trong sự nghiệp của Chang (1988-2003), Roland Garros là danh hiệu Grand Slam duy nhất mà cây vợt có bố mẹ gốc Đài Loan (Trung Quốc) có được và theo một cái cách không tưởng. Đang là đương kim vô địch Australian Open và 3 năm liên tiếp giành Roland Garros, Lendl có vẻ như sẽ dễ dàng đi tiếp vào vòng tứ kết khi dẫn Chang 6-4, 6-4.
Video: Wawrinka an ủi Tsitsipas sau trận đấu
Chang, một thành viên trong thế hệ vàng của quần vợt Mỹ khi đó gồm Pete Sampras, Andre Agassi, Jim Courier và Todd Martin, bất ngờ thắng lại ở 2 set sau 6-3, 6-3 để buộc hai cây vợt có set quyết định. Lúc này, tất cả vẫn nghiêng về Lendl và thành tích 13-3 trong 16 set 5 ở Grand Slam cho thấy vì sao anh được xem là cây vợt có thể lực tốt nhất.
Vậy nhưng, Chang đã bẻ game để dẫn 4-3, trước lúc anh nhận ra rằng, kết thúc trận đấu là không hề dễ, đặc biệt khi anh liên tục bị chuột rút. Cũng vì thế mà cây vợt 17 tuổi người Mỹ thậm chí còn không dám ngồi lúc nghỉ giữa các game do lo sợ anh sẽ không thể đứng dậy nổi. Thế rồi khi điểm số là 15-30 ở game thứ 8, Chang đã có một khoảnh khắc mang tính bước ngoặt trong giao bóng. “Cú giao bóng của tôi lúc đó rất nhẹ bởi vì tôi không thể sử dụng được chân nữa, chỉ đơn giản là tay chuyển động thôi”, Chang nói.
"Bị dẫn 15-30, tôi có nguy cơ thua giao bóng một lần nữa. Lúc này tôi nghĩ, sao mình lại không làm một điều gì khác biệt bởi sớm muộn Ivan cũng làm được điều cần thiết và tôi thất bại”.
Chang thực hiện cú giao bóng tầm thấp và mặc dù Lendl đỡ được sau đó, có vẻ như anh vẫn chưa hết bất ngờ và đánh bóng hỏng ở đường phản công thứ hai. Như Chang thừa nhận thì ngay cả khi Lendl chuyên nghiệp đến mức nào, tập luyện mọi tình huống thì đây chắc chắn là pha bóng hoàn toàn mới đối với cây vợt người Tiệp Khắc cũ lúc đó.
Và không chỉ có Lendl, các camera đã bắt được hình ảnh một người hâm mộ trên khán đài với hai tay ôm đầu thể hiện sự kinh ngạc. "Đám đông hoàn toàn sửng sốt", Chang nói. "Cú giao bóng đó có vẻ như đã tạo ra sự khác biệt bởi vì kể từ đó, tôi đã chiếm ưu thế. Tôi không thể giải thích nổi nhưng bất ngờ đã xảy ra".
Thực ra, Chang đã không thua game nào nữa và khép lại set 5 với tỉ số 6-3 và 4 giờ, 37 phút.
Ngả mũ
Vốn được xem là cây vợt không cảm xúc và là một “robot” nhưng Lendl không cảm thấy cay cú khi thất bại trước một cây vợt 17 tuổi và liên tục bị chuột rút. Thay vào đó, anh dành rất nhiều lời khen cho Chang và cho báo chí biết rằng, Chang đã cho thấy “sự dũng cảm tuyệt vời”.
Họ đã không gặp nhau trong phòng thay đồ nhưng chạm trán một lần nữa sau đó vài tuần trên sân tập của Wimbledon. Theo Chang kể lại, Lendl đã tiến về phía anh, giơ tay ra bắt, mắt nhìn thẳng và bắt đầu câu chuyện. “Michael, thành công khó tin ở Roland Garros. Xin chúc mừng”.
"Khi mọi người nhìn thấy anh ấy trên sân tập, anh ấy là người rất nghiêm túc, chuyên nghiệp, rất tập trung”, Chang nói. “Nhưng bên ngoài sân, nếu ai đó biết anh ấy sẽ thấy anh ấy rất khác. Hài hước, nói nhiều".
30 năm trôi qua, Lendl vẫn không có một cảm giác cay cú hay khó chịu nào với Chang và về cú giao bóng tầm thấp mà cây vợt người Mỹ từng sử dụng. "Michael đã chơi tốt, chiến đấu kiên cường và xứng đáng thắng", Lendl nói. "Tôi không xem thất bại đó là vấn đề bởi Michael là một trong những người thú vị nhất. Tôi không tin anh ấy làm điều gì đó không công bằng".
Thực ra, Chang không bao giờ thực hiện lại cú giao bóng tầm thấp đó một lần nữa trong sự nghiệp và cũng chưa một lần phải đối mặt với nó. Tuy vậy, anh đã thắng Lendl trong một trận đấu 5 set khác tại Grand Slam Cup ở Đức năm 1991, trên một mặt sân khác.
Hiện nay, cả hai đều tiếp tục công việc huấn luyện. Khi họ trò chuyện với nhau, chủ đề là về golf, gia đình - Lendl có 5 cô con gái và Chang có 2 - và những cây vợt mà họ làm việc cùng. "Tôi luôn dành sự tôn trọng cao nhất cho anh ấy, không chỉ như một cây vợt chuyên nghiệp mà với tư cách một con người", Chang nói.
Mạnh Hào
Tags