(Thethaovanhoa.vn) - Khi sự cạnh tranh của Rafael Nadal và Novak Djokovic trở nên quyết liệt, và giúp cả hai cùng nỗ lực, Wimbledon được kì vọng sẽ có một cuộc đối đầu hấp dẫn hơn thế giữa họ.
Giữa tuần qua, Nadal đã mất gần 4 tiếng rưỡi để đánh bại Djokovic ở vòng tứ kết Roland Garros với tỉ số các set 6-2, 4-6, 6-2, 7-6 (4). Trận đấu này đánh dấu lần thứ 59 cả hai gặp nhau, nhiều nhất trong lịch sử quần vợt nam ở kỉ nguyên Mở. Đương nhiên, chiến thắng của Nadal cũng giúp anh và đối thủ đứng trước những cơ hội lớn trong tương lai.
Wimbledon vẫy gọi
Tám tháng trước, Djokovic đứng trước cơ hội giành danh hiệu US Open để trở thành người đầu tiên sau 52 năm vô địch cả 4 giải Grand Slam trong một năm dương lịch mà Rod Laver đã hoàn thành vào năm 1969. Thế nhưng, cây vợt người Serbia đã thất bại trước Daniil Medvedev trong trận chung kết. Kể từ đó, hai Grand Slam nữa đã trôi qua mà Djokovic không có thêm danh hiệu nào. Tính ra, lần cuối cùng 3 giải đấu trôi qua mà anh không vô địch là vào tháng 6/2018, khi chiến thắng ở Grand Slam cuối cùng của anh là giải French Open 2016. Nói vậy để thấy, Nole sẽ có động lực rất lớn để vô địch Wimbledon lần thứ 4 liên tiếp.
Trong khi đó, Nadal còn hai trận thắng nữa để giành được Grand Slam thứ 22, hơn 2 danh hiệu so với Djokovic và Roger Federer. Thật khó tin là chỉ gần 1 năm trước, tất cả đều tự hỏi liệu anh có còn thi đấu nữa hay không. Giờ thì là câu hỏi liệu Nadal có vô địch Roland Garros năm nay hay không. Nếu có, xem như tay vợt người Tây Ban Nha đã đi được nửa chặng đường của một Grand Slam dương lịch.
Thú vị là trong một năm nhiều hiện tượng nổi lên, như ngôi sao trẻ Carlos Alcaraz; nhà vô địch US Open là Medvedev và những người khác bị cấm tham dự Wimbledon; trong số những cái tên như Alexander Zverev, Stefanos Tsitsipas, Taylor Fritz và nhiều tay vợt trẻ đầy hi vọng khác, hai ứng cử viên hàng đầu tại Wimbledon vẫn là những “ông già” như Nadal 36 tuổi và Djokovic 35 tuổi.
Djokovic và Nadal thúc đẩy nhau tiến bộ
Nếu theo một nghĩa nào đó, cạnh tranh là nhiệm vụ để hạ gục đối thủ, thì nó cũng có chung điểm chung với những mối quan hệ lành mạnh: Hai người đặt câu hỏi cho nhau, cùng thử thách nhau đào sâu, tìm ra câu trả lời mới và trở nên tốt hơn rất nhiều.
Thật thú vị khi được chứng kiến cách Djokovic và Nadal bám sát nhau trong một thời gian dài. Còn ai tốt hơn Nadal khi thúc đẩy Djokovic giải quyết các vấn đề về thể lực đầu sự nghiệp của tay vợt người Serbia? Còn ai hơn Djokovic trong việc giúp Nadal cải thiện cú giao bóng và thuận tay cuối sân? Chỉ riêng hai câu hỏi đó đã đẩy sự cạnh tranh này lên một tầm cao mới. Rồi những vấn đề như bộ chân, vô lê, trả giao bóng, bao sân, cũng như theo đuổi ngày càng nhiều danh hiệu Grand Slam đơn, và chúng ta sẽ có một cuộc chiến khốc liệt, bền bỉ, hấp dẫn.
Giữa những yêu cầu này, điều tự nhiên là chất lượng của quần vợt sẽ được cải thiện, nếu không sẽ có một tay vợt bị bỏ lại phía sau. Trong quá trình chơi 80 trận đấu với nhau từ năm 1973 đến năm 1988, Martina Navratilova và Chris Evert ngày càng trở nên tốt hơn, những trận chiến hay nhất của họ là khoảng 60 trận đấu trở thành đối thủ vượt trội trong kỉ nguyên Mở. (Navratilova thắng 43 trận, Evert 37). Trong số 164 trận mà Rod Laver và Ken Rosewall đấu với nhau từ năm 1963 đến 1977 (89 so với 75, Laver), thành tích vĩ đại nhất của họ được cho là số 159 - trận chung kết WCT Dallas năm 1972 mà Rosewall thắng trong set thứ năm. Cả 4 tay vợt này đều đã ở độ tuổi 30 trong những thời khắc hào hùng nhất của họ.
Theo nghĩa này, Djokovic và Nadal có thể có một mức độ cảm ơn đối với nhau. Gọi nó là một hình thức kết nối và đánh giá không lời.
Nadal và Djokovic hưởng lợi từ sự cạnh tranh
Quần vợt đã thay đổi trong thế kỉ 21. Bắt đầu với sự gia tăng lớn về tiền thưởng để người chơi có thể tự hỗ trợ mình. Nguồn tài chính tăng lên giúp họ có đủ khả năng chi trả một đội ngũ huấn luyện viên có thể giữ cho một tay vợt khỏe mạnh hơn trong thời gian dài. Những chuyên gia này được cung cấp thông tin nhiều hơn bao giờ hết về các vấn đề thể dục và dinh dưỡng. Các bề mặt sân cũng đồng nhất hơn bao giờ hết, khiến các chuyên gia bề mặt sân ít có khả năng đột phá hơn ở một Grand Slam cụ thể. Gần đây nhất là vào cuối những năm 1980, rất nhiều tay vợt đã bỏ qua Australian Open. Kể từ năm 2001, đã có 32 hạt giống tại các Grand Slam, một hình thức bảo vệ cạnh tranh nhẹ nhàng giúp nhánh đấu của các tay vợt hàng đầu trở nên dễ dàng hơn.
Tất cả những thay đổi này làm tăng khả năng những tay vợt lớn sẽ gặp nhau thường xuyên. Bjorn Borg và John McEnroe chỉ gặp nhau 14 lần (7-7) trước khi Borg kiệt sức rời cuộc chơi ở tuổi 26. Pete Sampras và Andre Agassi gặp nhau 34 lần (20-14, Sampras). Sampras gần như không phải chuyên gia trên mặt sân đất nện như trên các bề mặt sân khác. Agassi đã bỏ qua 3 kì Wimbledon sớm trong sự nghiệp của mình, không chơi ở Australian Open cho đến khi anh 24 tuổi và đã công khai thừa nhận rằng đã có nhiều giai đoạn anh hầu như không còn động lực để thi đấu ở bất cứ đâu.
Thế nhưng, Djokovic, Nadal và Federer đã liên tục đi vòng quanh thế giới để theo đuổi tất cả 4 Grand Slam, trên các bề mặt sân giờ quá quen với họ, được bảo vệ trong 2 vòng đầu tiên không gặp bất kì tay vợt nào được xếp hạng trong Top 32, được hỗ trợ bởi các đội hậu cần. Và không phủ nhận là cả ba người này đều có kĩ năng cực kì tốt. Bên cạnh 59 trận mà Nadal và Djokovic đã đấu với nhau (30-29, Djokovic), Djokovic đã đấu với Federer 50 lần (27-23, Djokovic), trong khi Nadal và Federer có 40 trận (24-16, Nadal).
“Đúng vậy, giữa Novak, Roger, bản thân tôi, chúng tôi có một câu chuyện tuyệt vời khi đối đầu với nhau trong những trận đấu quan trọng nhất trong một thời gian dài”, Nadal nói. “Vì vậy, điều đó làm cho mọi thứ trở nên đặc biệt hơn và nhiều cảm xúc hơn”.
“Nhưng như tôi đã nói, theo quan điểm của tôi, tất nhiên luôn có cuộc thảo luận về tay vợt sẽ kết thúc với nhiều Grand Slam hơn hoặc ai là tay vợt xuất sắc nhất lịch sử, nhưng theo quan điểm của tôi thì không quan trọng lắm. Chúng tôi đạt được ước mơ của mình. Chúng tôi làm nên lịch sử trong môn thể thao này bởi vì chúng tôi đã làm những điều mà trước đây không xảy ra”.
Phương Chi
Tags