(Thethaovanhoa.vn) - Căng thẳng Mỹ-Pháp liên quan đến thỏa thuận tàu ngầm Australia đã phần nào được hóa giải sau cuộc đàm thoại giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khi hai bên nhất trí khởi động các cuộc tham vấn sâu về vấn đề này. Đây được coi là nỗ lực xây dựng lại lòng tin giữa hai quốc gia đồng minh này.
Lung lay quan hệ giữa các đồng minh
Quan hệ đồng minh Pháp-Mỹ đã lung lay sau thỏa thuận liên minh an ninh ba bên Australia, Anh, Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mang tên AUKUS đạt được ngày 15/9. Trong đó, Washington và London ký kết một thỏa thuận đóng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân với Australia khiến Canberra hủy bỏ hợp đồng mua tàu ngầm trị giá 40 tỷ USD ký năm 2016 với tập đoàn Naval Group thuộc Hải quân Pháp để đóng 12 tàu ngầm tấn công lớp Barracuda.
Pháp đã phản ứng khá gay gắt trước thương vụ tàu ngầm giữa Australia, Anh và Mỹ, cho rằng ba nước này đã giấu Pháp thỏa thuận và thay thế hợp đồng của Paris đóng tàu ngầm cho Canberra, trị giá hàng chục tỷ USD. Giới phân tích cho rằng có nhiều lý do khiến giới chức Pháp tỏ ra giận dữ như vậy trước động thái "lật kèo" của Australia.
Pierre Morcos, chuyên gia người Pháp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho hay hợp đồng chế tạo 12 tàu ngầm cho Australia đóng vai trò quan trọng không gì sánh được với nền công nghiệp quốc phòng Pháp. Hợp đồng này có thể mang lại “sức sống” cho hàng loạt doanh nghiệp nhỏ và vừa của Pháp trong lĩnh vực quân sự, không kém gì thỏa thuận cung cấp 36 tiêm kích Rafale cho Ấn Độ hồi năm 2015.
Nhìn lại hợp đồng mua tàu ngầm giữa Pháp và Australia, năm 2016, Bộ Quốc phòng Australia đã lựa chọn Block 1A của lớp tàu ngầm Barracuda do tập đoàn Naval Group của Pháp chế tạo. Đây vốn là lớp tàu ngầm năng lượng hạt nhân của Pháp, nhưng được sửa đổi thành tàu ngầm thông thường để bán cho Australia. Hợp đồng trị giá 40 tỷ USD vào thời điểm ký, là một trong những thỏa thuận quân sự lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, chương trình này nhiều lần bị trì hoãn và đội chi phí, khiến giới chức Australia ngày càng hoài nghi về hiệu quả của nó. Phía Australia cho rằng, phương án tàu ngầm chạy năng lượng hạt nhân của Pháp đòi hỏi công việc phức tạp suốt vòng đời của dự án và khó khăn trong việc đảm bảo sự tham gia nhiều của ngành công nghiệp trong nước vào dự án này. Điều này đòi hỏi Australia phải có một ngành công nghiệp hạt nhân tiên tiến hơn.
Trong khi đó, “kẻ thay đổi cuộc chơi” là Mỹ và Anh luôn sẵn sàng chia sẻ công nghệ đóng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân với Australia. Thực tế là, hợp đồng với Pháp trước đó dự kiến sẽ cung cấp cho Australia các tàu ngầm diesel - điện, trong khi công nghệ chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ khiến cho các tàu ngầm chạy nhanh hơn, khó bị phát hiện hơn và có khả năng sát thương cao hơn nhiều.
Do vậy, để bảo vệ thỏa thuận đóng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân với Mỹ và Anh, Thủ tướng Australia Scott Morrison cho rằng, công nghệ hạt nhân mà Mỹ và Anh chuyển giao tiên tiến hơn nhiều so với tàu ngầm của Pháp, do đó thỏa thuận mới rõ ràng đem tới lợi ích lớn hơn cho Australia. Về phía Mỹ, vấn đề Australia cần trang bị tàu ngầm hạt nhân ngày càng trở nên cấp bách khi các quan chức quốc phòng Mỹ cảnh báo, Trung Quốc đang tăng cường hiện diện hải quân và Bắc Kinh được cho là đang sở hữu 6 tàu ngầm tấn công hạt nhân.
Quyết định chia sẻ công nghệ hạt nhân với Australia cũng là minh chứng cho thấy Tổng thống Joe Biden ngày càng tập trung vào việc đối phó với Trung Quốc. Các quan chức Mỹ cũng coi việc trang bị tàu ngầm cho Australia là một bước đi quan trọng để thúc đẩy nỗ lực của liên minh nhằm răn đe Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Theo ước tính, thương vụ tàu ngầm thất bại với Australia có thể khiến Pháp thiệt hại 65 tỷ USD, điều có thể ảnh hưởng rất lớn đến ngành công nghiệp quốc phòng nước này những năm tới. Giới chuyên gia cũng cho rằng Pháp cũng chịu nhiều tổn thất về mặt chiến lược khi Australia hủy hợp đồng mua tàu ngầm.
Trên thực tế, chính phủ Pháp đã ca ngợi quan hệ đối tác chiến lược trong 50 năm tiếp theo sau khi ký thỏa thuận với Australia, tuy nhiên toàn bộ khuôn khổ này giờ đây đang đối mặt nguy cơ sụp đổ. Giới chức Pháp cũng từng tin rằng thỏa thuận tàu ngầm với Canberra cũng là hình mẫu cho hợp tác giữa Paris và Washington, do chi nhánh Australia của tập đoàn quốc phòng Mỹ Lockheed Martin cũng tham gia dự án.
Không chỉ bị mất đi nguồn lợi tài chính và chiến lược, Pháp dường như cũng giận dữ vì cách Mỹ, Anh và Australia công bố thỏa thuận đóng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian gọi thỏa thuận AUKUS là "cú đâm sau lưng" của đồng minh khi cho biết họ chỉ nhận được thông báo vào phút chót rằng Australia sẽ hợp tác với Mỹ để phát triển tàu ngầm hạt nhân. Trong khi đó, phía Mỹ cho biết đã thông báo với Pháp trước khi thỏa thuận tàu ngầm với Australia được chính thức hóa trong một sự kiện tại Nhà Trắng vào chiều 15/9. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng Washington đã thảo luận với Paris 24-48 giờ trước khi công bố.
Khủng hoảng ngoại giao chưa từng có giữa Pháp, Mỹ và Australia sau thỏa thuận AUKUS khi ngày 17/9 Paris triệu hồi đại sứ tại hai quốc gia về nước để phản đối việc thỏa thuận tàu ngầm trị giá 40 tỷ USD của nước này bị hủy bỏ. Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cho rằng việc triệu hồi Đại sứ Pháp tại Australia Jean-Pierre Thebault và Đại sứ Pháp tại Mỹ, Philippe Etienne, là quyết định hiếm hoi được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra vì tính nghiêm trọng của vấn đề. Ngoại trưởng Le Drian cho biết lần đầu tiên trong lịch sử 250 năm quan hệ giữa Mỹ và Pháp, Paris đã phải triệu hồi đại sứ ở Mỹ về nước để tham vấn và “sự trở mặt, khinh thường và dối trá không phải là những gì chúng ta đối xử với một đồng minh".
Mỹ và Australia đã lấy làm tiếc về việc Pháp triệu hồi đại sứ, đồng thời khẳng định hai nước vẫn coi trọng mối quan hệ với Pháp và sẽ tiếp tục tiếp xúc để giải quyết khác biệt với Pháp xung quanh thỏa thuận AUKUS.
Nỗ lực hòa giải
Trong một động thái nhằm hạ nhiệt căng thẳng ngoại giao sau những ngày Pháp cảm thấy bị tổn thương trước hành động của liên minh AUKUS, Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc điện đàm trong vòng 30 phút hôm 22/9. Theo người phát ngôn của chính phủ Pháp, Tổng thống Macron đã yêu cầu ông Biden “làm rõ” về việc Australia hủy bỏ thỏa thuận tàu ngầm và Tổng thống Pháp muốn thảo luận về một sự bù đắp dành cho nước này sau khi mất hợp đồng hàng chục tỷ USD với Australia.
Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Pháp đã đồng ý hàn gắn quan hệ song phương, khởi động các cuộc tham vấn để xây dựng lại lòng tin sau căng thẳng vì thương vụ tàu ngầm hạt nhân của Australia và thống nhất gặp nhau tại châu Âu vào cuối tháng 10.
Thông cáo chung sau cuộc điện đàm của Mỹ và Pháp có đoạn “Cuộc điện đàm mang tính thân thiện được kỳ vọng sẽ giúp cải thiện quan hệ giữa hai nước. Hai lãnh đạo thống nhất sẽ có những cuộc tham vấn cởi mở giữa các đồng minh về vấn đề lợi ích chiến lược với Pháp. Tổng thống Biden đã nhất trí rằng tham khảo ý kiến của Pháp trước khi công bố một thỏa thuận an ninh đã có thể ngăn chặn được một cuộc tranh cãi ngoại giao".
Tham dự một cuộc họp kín của 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, diễn ra bên lề Khoá họp 76 của Đại hội đồng Liên hợp quốc, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng đã trao đổi quan điểm với người đồng cấp Pháp về cuộc khủng hoảng trong mối quan hệ. Ngoại trưởng Mỹ đã nỗ lực xoa dịu Pháp, gọi Paris là một đối tác quan trọng ở Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Sau cuộc điện đàm mang tính thiện chí, ngày 22/9, Văn phòng Phủ Tổng thống Pháp cho biết Tổng thống Macron sẽ cử Đại sứ nước này trở lại Mỹ.
- Sau liên minh AUKUS của Mỹ-Anh-Australia là chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của EU
- Thay đổi địa chính trị từ liên minh ba bên AUKUS
- AUKUS đang biến thành một cuộc khủng hoảng ngoại giao
Giới phân tích nhận định, nỗ lực hàn gắn quan hệ Mỹ-Pháp hoàn toàn dễ hiểu bởi từ khi trở thành Tổng thống, ông Biden đã khẳng định sẽ hàn gắn các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương và mang đến sự ổn định về chính sách đối ngoại sau nhiều gián đoạn trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Donald Trump. Do vậy, rạn nứt với Pháp - một trong những đồng minh châu Âu thân cận nhất của Mỹ, có thể hủy hoại nỗ lực này.
Đặc biệt, một số nước EU cảnh báo không nên để bất đồng Pháp-Mỹ ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán thương mại vốn đang tiến triển giữa Mỹ-EU. Pháp sắp đảm nhiệm chức chủ tịch luân phiên EU, Thủ tướng Đức Angela Merkel sắp hết nhiệm kỳ và nước Anh đã rời EU, mối quan hệ giữa ông Biden và ông Macron là một trong những mối quan hệ quan trọng nhất trong liên minh Mỹ-EU mà Tổng thống Biden từng cam kết sẽ tái xây dựng. Do đó, hiện là lúc cài đặt lại mối quan hệ hai bên.
Hơn nữa, trong bối cảnh Mỹ đang tìm kiếm sự hỗ trợ tại châu Á và Thái Bình Dương do lo ngại ảnh hưởng gia tăng từ Trung Quốc mà Pháp lại là nước có ảnh hưởng lớn tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương với khoảng 2 triệu công dân sinh sống và hơn 7.000 binh sĩ đóng quân trong khu vực, hàn gắn rạn nứt với Pháp sẽ có lợi cho Mỹ.
Thanh Lâm/TTXVN (tổng hợp)
Tags