(Thethaovanhoa.vn) - Theo phóng viên TTXVN tại Paris, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire ngày 23/10 một lần nữa nỗ lực thuyết phục Liên minh châu Âu (EU) thông qua trước cuối năm 2018 dự luật về đánh thuế các tập đoàn công nghệ khổng lồ của Mỹ bao gồm Google, Apple, Facebook và Amazon (GAFA).
- EU 'trả đũa', đánh thuế hàng chục sản phẩm của Mỹ
- Tổng thống Donald Trump xem xét đánh thuế 100 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc
Trình bày trước Nghị viện châu Âu dự luật GAFA mà Pháp là nước khởi xướng, ông Le Maire lập luận rằng cần phải gửi đi một “tín hiệu chính trị đặc biệt và nhanh chóng” đối với các cử tri khi cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu đang đến gần, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 5/2019.
Theo ông Le Maire, EU cần sự nhất trí của tất cả các nước thành viên trong lĩnh vực thuế. Do vậy, EU phải chứng tỏ là có thể đạt được thỏa thuận đối với các vấn đề liên quan tới các cử tri, như vấn đề công bằng về thuế.
Hiện nay trong EU, bằng thủ thuật tối ưu hóa về thuế, các tập đoàn khổng lồ về mạng và điện thoại chỉ đóng 9% thuế doanh nghiệp, so với 23% đối với các lĩnh vực kinh tế khác. Trong một bức thư gửi đến các nghị sĩ châu Âu, Bộ trưởng Kinh tế Pháp đã nhấn mạnh rằng điều quan trọng là phải “thiết lập lại công bằng và hiệu quả của thuế”. Rất nhiều công dân trong toàn châu Âu đang chờ đợi một câu trả lời mạnh mẽ và thống nhất của EU. Trước đó, ngày 24/5, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã tuyên bố rằng Pháp “sẽ chiến đấu đến cùng để đánh thuế GAFA”.
Tuy nhiên, đề nghị của Pháp vẫn chưa nhận được sự ủng hộ của nhiều nước EU. Áo đã đứng về phía Pháp ủng hộ dự luật, các nước Trung và Đông Âu đã hé mở ý định tham gia, Luxembourg và Hà Lan cũng ngừng phản đối dự luật GAFA về mặt nguyên tắc.
Tuy nhiên, Ireland vẫn phản đối và các nước Bắc Âu như Đan Mạch và Thụy Điển còn lưỡng lự. Đặc biệt, dự luật này cần phải có sự ủng hộ hoàn toàn của Đức, nhưng nước này vẫn do dự vì lo ngại Mỹ trả đũa đối với ngành công nghiệp xe hơi. Liên minh cầm quyền tại Đức đặt câu hỏi về tính vững chắc pháp lý của dự luật và đặc biệt về sự cần thiết của GAFA khi loại thuế này mỗi năm chỉ đem lại nguồn thu cho EU khoảng 5 đến 9 tỷ euro.
Pháp không phải là nước duy nhất tỏ ra sốt ruột. Tây Ban Nha ngày 19/10 cũng đã thông qua khoản “đánh thuế Google” tại quốc gia này trong dự thảo ngân sách 2019. Madrid hy vọng sẽ thu được 1,2 tỷ euro thông qua việc đánh thuế thu nhập quảng cáo của các tập đoàn công nghệ khổng lồ.
Linh Hương
Tags