Tutankhamun - pharaoh nổi tiếng qua đời cách đây hơn 3.000 năm, vào năm 1323 trước Công nguyên ở độ tuổi 18 hoặc 19. Giờ đây, qua cuộc triển lãm sống động - Tutankhamun: The Immersive Exhibition Experience - ông đưa du khách tham quan trở lại Ai Cập cổ đại và kể cho họ nghe về cuộc đời mình.
Triển lãm – được khai mạc tại Hamburg (Đức) hôm 3/11 - sử dụng công nghệ tiên tiến để biến trải nghiệm này thành hiện thực.
Với ảo ảnh đa phương tiện về hình ảnh và âm thanh cùng kính VR, du khách được đắm mình trong không gian thế giới đã mất của Ai Cập cổ đại - vẫn tiếp tục mê hoặc mọi người cho đến ngày nay.
Khám phá phát lộ ra "những điều tuyệt vời"
Cách đây 101 năm, nhà khảo cổ học người Anh Howard Carter đã có một trong những khám phá ngoạn mục nhất thế giới đã được thực hiện.
Trong 6 năm, Carter đã đào cát sa mạc ở khu vực Thung lũng các vị vua của Ai Cập, gần Luxor, để tìm kiếm lăng mộ của cậu bé pharaoh nổi tiếng Tutankhamun nhưng vô ích.
Người cung cấp tài chính cho ông, Huân tước Carnarvon, đã trở nên thiếu kiên nhẫn và Carter chỉ còn một cơ hội cuối cùng để khám phá hầm mộ.
Sau đó, vào ngày 4/11/1922, một cậu bé địa phương tên là Hussein Abd el-Rassul, khi đó đang mang nước cho công nhân, đã va phải một bậc đá dưới đống đổ nát.
Carter sau đó thích thú kể câu chuyện rằng cậu bé muốn bắt chước các nhà khảo cổ học từ châu Âu nên đã dùng một cây gậy chọc ngoáy xung quanh và trong quá trình đó cậu đã va vào bề mặt đá.
Từ đó trở đi, trong lòng háo hức, đội khai quật không dừng lại. Họ đã phát hiện ra tổng cộng 16 bậc thang và cũng tìm thấy hai con dấu có dấu hiệu hoàng gia của Tutankhamun.
Nhưng phải đến khi Huân tước Carnarvon từ Anh đến, Carter mới mở phòng chờ của lăng mộ vào ngày 26/11/1922 và bước đột phá thực sự đã xảy ra.
"Ông có thấy gì không?" – Huân tước Carnavon, đứng trong hành lang tối tăm, được cho là đã hỏi.
"Có đấy, những điều tuyệt vời" - Carter trả lời lại.
Nhóm khai quật đã tình cờ tìm thấy những kho báu vô giá mà mắt người chưa từng thấy trong hơn 3.000 năm.
Carter sau đó mô tả lại ấn tượng đầu tiên của mình: "Chúng tôi có ấn tượng khi nhìn vào căn phòng của một nền văn minh đã biến mất.
Các chi tiết từ bên trong căn phòng từ từ hiện ra từ màn sương - những con vật kỳ lạ, những bức tượng, vàng. Khắp nơi, ánh vàng lấp lánh".
Tin tức về phát hiện đột phá này lan truyền nhanh chóng, gây ra cơn sốt Ai Cập trên toàn thế giới.
Harry Victor Frederick Winstone, tác giả cuốn sách Howard Carter và việc khám phá lăng mộ Tutankhamun, xuất bản lần đầu năm 1991, viết về việc phát hiện này đã thúc đẩy các kiến trúc sư tạo ra những công trình theo phong cách Ai Cập như thế nào.
Winstone viết: "Túi xách, lọ bánh quy và chai nước trái cây mang biểu tượng không thể nhầm lẫn chiếc mặt nạ mạ vàng của vị vua này".
Tại Thung lũng các vị vua, người xem tập trung đông đúc tại địa điểm khai quật. Người dân địa phương và khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới muốn nhìn thoáng qua các kho báu trong khi có thể mua một món quà lưu niệm.
Điều này đã khiến Carter và nhóm của ông gặp khó khăn trong việc giữ khoảng cách giữa mọi người với khu vực khai quật.
Nổi tiếng nhất trong số khoảng 5.400 hiện vật được tìm thấy là chiếc mặt nạ màu xanh và vàng nặng 11 kg của chính Tutankhamun. Carter tìm thấy nó trong phòng quan tài.
Được bao bọc bởi 4 thánh tích bằng gỗ mạ vàng, một cỗ quan tài bằng đá và ba quan tài hình xác ướp đặt chồng lên nhau, vị pharaoh được ướp xác nằm trong một chiếc quan tài bằng vàng nguyên chất nặng 225 kg. Chiếc mặt nạ che kín khuôn mặt ông.
Trong một căn phòng khác, bức tượng thần chết của Ai Cập – Anubis - canh giữ một thánh tích chứa nội tạng của Tutankhamun.
Nguồn gốc của Tutankhamun
Nguồn gốc của Tutankhamun là một vấn đề tranh luận mang tính học thuật. Nhiều chuyên gia tin rằng ông là con trai của Pharaoh Akhenaten có vợ là Nefertiti.
Nhưng Akhenaten có nhiều phi tần và thê thiếp, và một nghiên cứu di truyền được thực hiện trên các xác ướp cho thấy Tutankhamun là con của một tình nhân, có thể là em gái của cha ông, được xác định thông qua xét nghiệm DNA một xác ướp không xác định được gọi là "quý cô trẻ".
Vị pharaoh trẻ tuổi lên ngôi vào khoảng năm 8-9 tuổi. Lúc đầu, ông được gọi là Tutankhaton - "hình ảnh sống của Aton" - vì khi ông sinh ra, thần Aton vẫn được tôn thờ.
Sau này, khi giới tăng lữ tôn thờ thần Amun, ông đổi tên thành Tutankhamun.
Tutankhamun - thuộc Vương triều thứ 18 - qua đời vào năm 1323 trước Công nguyên.
Việc khám nghiệm xác ướp cho thấy Tutankhamun đã chết trong một vụ tai nạn, mặc dù điều này không được biết chắc chắn. Tuy nhiên, rõ ràng vị pharaoh trẻ tuổi này là người khá yếu trong suốt cuộc đời của mình.
Một nhóm các nhà khoa học từ Tübingen (Đức), Bolzano ở miền Bắc Italy và Cairo cách đây nhiều năm đã phát hiện ra rằng ông mắc bệnh xương nghiêm trọng và sốt rét, cũng như các dị tật di truyền như sứt môi và bàn chân khoèo.
Trong cuộc đời của mình, Tutankhamun không phải là một pharaoh quyền lực song ngày nay cả thế giới đều biết tên ông.
KV62, tên khoa học cho lăng mộ của ông (KV là viết tắt của Thung lũng Vua), ngày nay vẫn là một thỏi nam châm thu hút khách du lịch.
Không giống như những kho báu được tìm thấy bên trong, chiếc quách với thi thể ướp xác của pharaoh vẫn nằm trong phòng chôn cất.
Trên các bức tường của nó có những bức tranh tráng lệ minh họa cuộc đời và cái chết của Tutankhamun.
Giờ đây, tất cả những điều đó có thể được trải nghiệm mà không cần đến Ai Cập. Trong triển lãm mới, Tutankhamun trở nên sống động và kể câu chuyện của mình.
Du khách cùng ông đi dạo qua Ai Cập cổ đại, khám phá Thung lũng các vị vua, những ngôi đền, kho báu và bí mật của một nền văn minh đã mất.
Tags