Lễ trao giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội đã diễn ra từ 16h30 đến 19h30, ngày 8/10 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám với 4 giải thưởng được trao. Giải thưởng Lớn đã được trao cho GS-TS-KTS Hoàng Đạo Kính, một "hiệp sĩ của những di tích kiến trúc", bên cạnh đó là 3 giải đồng hạng mang tên Giải Tác phẩm, Giải Ý tưởng, và Giải Việc làm.
Báo Thể thao và Văn hóa xin trân trọng giới thiệu bài phát biểu của Nhà báo Lê Xuân Thành, Tổng biên tập báo Thể thao và Văn hóa, Trưởng BTC, thành viên Hội đồng Giám khảo.
Kính thưa Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập báo Nhân dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam;
Kính thưa Bà Vũ Việt Trang, Tổng Giám đốc TTXVN cùng các vị lãnh đạo TTXVN;
Kính thưa: Ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
Kính thưa Ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP. Hà Nội.
Kính thưa đại diện Gia đình Cố họa sĩ Bùi Xuân Phái,
Thưa toàn thể quý vị!
Chúng ta đang đắm mình trong những thời khắc thu tuyệt vời nhất, khi nhiều ngày nay, cả Hà Nội hân hoan chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô. Và chúng tôi, những người tổ chức Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội cũng đã nỗ lực không ngừng nghỉ trong nhiều ngày qua để tìm kiếm, lập hồ sơ khoa học, nhằm nhằm tôn vinh những tác giả, tác phẩm, ý tưởng, việc làm - đã cống hiến hết mình cho Hà Nội trong năm qua, thậm chí đã đau đáu vì Hà Nội trong suốt cả cuộc đời và sự nghiệp của mình. Chúng tôi vẫn bền bỉ làm công việc đó và đến năm nay là mùa thu thứ 17.
Thưa quý vị, lần đầu tiên Giải thưởng được tổ chức tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, nơi tôn vinh đạo học của người Việt Nam, chúng tôi có cảm xúc rất khó tả. Qua những bức ảnh nhuộm màu thời gian về Hà Nội, chúng ta đều biết từng có thời kỳ Văn Miếu rất hoang sơ, tiêu điều, được gọi là chùa quạ, vì bị hoang phế. Rồi lại có thời kỳ, Văn Miếu bị quân đội Pháp biến thành trường dạy thổi kèn, thành nơi tập kết người bệnh bị dịch tả… Những trang sử lấm láp và buồn thương của Văn Miếu thời thuộc Pháp đã trôi qua cả hơn thế kỷ nay rồi. Nhưng cũng có những trang sử mới hơn vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức của rất nhiều người ở đây. Mới ba mươi năm trước thôi, chính tại nơi chúng ta đang đứng đây, sân thứ 5 của Văn Miếu, còn là phế tích của công trình cũ đã bị chiến tranh tàn phá, chưa có khu Nhà thái học như thế này. Khu Nhà bia mà chúng ta vừa đi qua vẫn còn trơ gan cùng tuế nguyệt, chưa có mái che…
Rõ ràng là, để di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám nói riêng, và văn hóa Hà Nội nói chung có được diện mạo như ngày hôm nay phải có sự đóng góp của rất nhiều người. Chưa nói đến cả ngàn năm Thăng Long, mà chỉ tính từ ngày Giải phóng thủ đô cho đến đến nay, với quãng thời gian 70 năm, cũng đã có biết bao nhiêu công sức, tiền của đầu tư cho Hà Nội rồi.
Nhưng cũng phải thẳng thắn mà nói rằng, để bảo vệ di tích, để xây dựng văn hóa của chúng ta thì công sức và tiền của thôi chưa đủ, chưa phải là tất cả. Điều quan trọng đầu tiên là phải có quan điểm, và phương pháp trùng tu và bảo vệ di tích đúng đắn. Phải có những con người có tâm, có tầm với di sản. Nói rộng ra là có tâm có tầm với cả nền văn hóa.
May mắn thay là những con người có tâm, có tầm như thế không hề thiếu. Văn Miếu Quốc Tử Giám hôm nay, đã trở thành di tích quốc gia đặc biệt, với hệ thống bia Tiến sĩ đã trở thành Di sản thư liệu thế giới, và toàn bộ khu di tích trở thành một không gian sáng tạo điển hình của Hà Nội – thành phố sáng tạo của UNESCO. Sự phát triển của văn hóa Hà Nội trong những thập niên vừa qua là kết quả tất yếu từ sự đi lên của nền kinh tế, xã hội, nhưng không thể bỏ qua yếu tố con người. Đã có lớp lớp các thế hệ trí thức, văn nghệ sĩ cống hiến cho Hà Nội bằng cả tài năng, trí tuệ và tâm huyết của mình.
17 mùa giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội chỉ là một chặng đường ngắn so với 70 năm xây dựng và phát triển Hà Nội từ ngày Giải phóng Thủ đô, và càng trở nên nhỏ bé so với lịch sử ngàn năm Thăng Long, nhưng bằng sự trọng thị và con mắt xanh của mình, chúng tôi mong muốn góp một tiếng nói nhỏ bé để phát hiện và tri ân những tác giả, tác phẩm, ý tưởng, việc làm đã nỗ lực bồi đắp cho văn hóa Hà Nội.
Tự bản thân những người làm báo Thể thao và Văn hóa không thể thực hiện được sứ mệnh này trong 16 mùa giải đã qua, cũng như trong mùa giải năm nay, nếu không có sự quan tâm, ủng hộ tuyệt đối của TTXVN, đơn vị chủ quản của Báo TT&VH; sự sát cánh của những văn nghệ sĩ, trí thức đầy tâm huyết với Hà Nội trong Hội đồng giám khảo như nhà thơ Bằng Việt, nguyên Chủ tịch Hội VHNT Hà Nội (chủ tịch Hội đồng); nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam; GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính; nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam; nhà báo Ngô Hà Thái, nguyên Phó Tổng giám đốc TTXVN; và đặc biệt năm nay, có thêm một thành viên mới trong Hội đồng giám khảo là PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.
Cho phép tôi được gửi lời cảm ơn đặc biệt tới gia đình cố họa sĩ Bùi Xuân Phái: đã chọn mặt gửi vàng cùng báo Thể thao và Văn hóa xây dựng một giải thưởng vô cùng danh giá mang tên cha, ông mình. Hôm nay, có mặt ở đây, tôi lại nhớ tới hình ảnh đôn hậu, nền nã, phúc đức của bà Nguyễn Thị Sính, người vợ tảo tần, là điểm tựa của cả cuộc đời và sự nghiệp của cố họa sĩ Bùi Xuân Phái, trong những lần bà xuất hiện tại các buổi lễ trao giải trước đây. Nhưng tuổi cao sức yếu, bà đã về đoàn tụ với ông vào tháng 6 vừa qua. Một lần nữa tôi xin được bày tỏ tấm lòng thương nhớ sâu sắc đối với bà.
Chúng tôi xin chân thành cảm ơn sự hỗ trợ to lớn của Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), cùng các đơn vị phối hợp tổ chức Lễ trao giải là Công ty cổ phần Ashui Việt Nam (Ashui Vietnam Corporation), Công ty cổ phần Tập đoàn Gỗ Minh Long tổ chức và nhà tài trợ Tập đoàn Nam Cường.
Chúc quý vị của một buổi tối thú vị, vui vẻ.
Tags