(Thethaovanhoa.vn) - Khi Hiệp hội MPA khởi kiện tới Bộ VH,TT&DL ba website “ăn cắp” phim vào năm 2013, không nhiều người quan tâm đến sự kiện này. Tới nay, chính các nhà sản xuất nội địa đã phải lo cho sản phẩm của mình sau hàng loạt vụ xâm phạm bản quyền, thậm chí trắng trợn đến mức ngay khi phim chưa ra rạp.
- Phim Việt chiếu rạp năm 2015: Nói kiểu gì cũng được
- Liên hoan Phim Việt Nam XIX mở “tiệc” phim cho khán giả
Các trang web này đã tải những bộ phim có bản quyền từ các trang web chia sẻ của nước ngoài về, đồng thời thu phí đối với người dùng khi xem các bộ phim này. Vào năm 2013, việc vi phạm bản quyền với phim Việt chưa thực sự “nóng” như bây giờ. Hầu hết các bộ phim đều hoàn thành nghĩa vụ thương mại, mới bị vi phạm bản quyền.
Quay lén, phát công khai
Nhưng trong vài năm trở lại đây khi lượng phim tăng nhanh, ngày càng nhiều phim Việt có doanh thu 2 triệu USD trở lên, phim Việt bắt đầu trở thành đối tượng kinh doanh bất hợp pháp của những trang web phim trên mạng.
2015 là năm có nhiều phim nội địa bị vi phạm bản quyền nhất từ trước đến nay. Mở màn là Chàng trai năm ấy, bị phát tán bản nháp trên mạng. Sau đó là Siêu nhân X, vừa công chiếu cho báo giới vào 4/2/2015, ngay hôm sau bị phát tán trên web dưới dạng bản quay lén trong rạp. Trên Youtube hiện giờ không còn những bản này, nhưng vẫn tồn tại những đường dẫn mang tên “Bản quay lén Chàng trai năm ấy”, và vẫn tiếp tục hút view.
Đến cuối năm 2015, phim Yêu vừa công chiếu sau 2 ngày thì trên mạng xuất hiện bản quay lén bằng điện thoại toàn bộ nội dung phim. Sang năm 2016, tới lượt Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Em là bà nội của anh bị quay lén và phát tán trên mạng.
Thực trạng này cho thấy, việc quản lý tại các rạp chiếu hiện nay đang có vấn đề. Những rạp đông khách thường có nhân viên trông coi rất sát sao, nhưng tại những rạp hẻo lánh, ít khách thì việc chụp ảnh, hay quay lại bộ phim tương đối dễ dàng vì nhân viên trông coi rạp không phải lúc nào cũng túc trực trong rạp.
Ngoài ra, năm 2015-2016 còn ghi nhận tình trạng, một số phim chiếu rạp khi hợp tác phát sóng trên một số kênh truyền hình như K+ ngay sau khi phát sóng đã bị phát tán. Phải kể tới Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Để Mai tính 2. Hiện tại, Để Mai tính 2 vẫn còn tồn tại trên mạng.
“Bắt cóc bỏ đĩa”
Tháng 6/2015, một hội thảo về bản quyền điện ảnh và truyền hình trong khuôn khổ Telefilm tổ chức đã cung cấp một con số đáng giật mình: 30-40% phim bị phát tán khi phim đang phát hành. Theo dõi các website về phim ảnh như “nấm mọc sau mưa” trên mạng, với lượng phim trong vào ngoài nước được cập nhật liên tục thì thấy con số này không phải là không có lý.
Những đơn vị nước ngoài như Hiệp hội MPA khi phát hiện, tố cáo các cá nhân, đơn vị vi phạm bản quyền điện ảnh họ thường xử lý rất rốt ráo. Nhưng với các nhà sản xuất phim trong nước, khi bị vi phạm bản quyền ai cũng kêu với truyền thông, nhưng vụ việc điều tra như thế nào, có bắt được đối tượng vi phạm hay không… sau đó đều không công bố rõ ràng.
Vụ việc Bụi đời Chợ Lớn bị phát tán toàn bộ bản nháp phim, cuối cùng không ai biết thủ phạm là ai. Các website phát tán các bản phim bất hợp pháp này nếu có bị xử lý vi phạm cũng không ai biết, hoàn toàn không có tính răn đe. Nên không khó hiểu khi tình trạng vi phạm ngày càng tràn lan.
Theo thống kê, hiện 90% người dùng internet tại Việt Nam xem video trực tuyến. Công ty Cổ phần đầu tư phát triển công nghệ cao (CNC), tính toán trong năm 2013, do không giải quyết được các vấn đề bản quyền, dịch vụ video theo yêu cầu, ngành nội dung số nói chung và điện ảnh, truyền hình, âm nhạc nói riêng đã bị thất thoát khoảng 2.000 tỷ đồng.
Đã đến lúc, các nhà sản xuất trong nước không thể làm ngơ với vấn đề bản quyền, vì quyền lợi của họ đang trực tiếp bị xâm phạm hàng ngày.
Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa
Tags