Phát hiện 12 cung hoàng đạo tại Ai Cập: Phóng đại tích cực, quên đi tiêu cực

Thứ Năm, 23/03/2023 18:43 GMT+7

Google News

Mới đây, nhóm các nhà khảo cổ học người Ai Cập và Đức đã phát hiện ra đầy đủ 12 cung hoàng đạo trên trần đền Esna ở Ai Cập. Đây là  một khám phá thú vị, đắp thêm hiểu biết của mọi người về hành trình phát triển của nhánh chiêm tinh học này.

Không thể biết ai là người đầu tiên nghĩ ra 12 cung hoàng đạo và tới nay, nó không được coi như môn khoa học chính thức, nhưng vẫn được nhiều người tìm kiếm.

Lộ diện sau 2.000 năm

Đền Esna, còn được biết tới là đền Khnum, là 1 quần thể đền dành riêng cho vị thần Ai Cập cổ đại  đầu cừu đực Khnum - người được tin là đã tạo ra con người trên 1 bàn quay gốm - và các phối phối ngẫu của ông là Menhit và Nebtu, con trai họ là Heka và nữ thần Neith.

Đền thờ Esna có từ thời La Mã. Việc xây dựng bắt đầu dưới triều đại Hoàng đế Claudius trong khi phần trang trí được hoàn thiện vào thời Hoàng đế Decius, giữa năm 249 - 251 sau công nguyên. Trong thế kỷ 19 và 20, ngôi đền bị các ngôi nhà xây dựng xung quanh xâm lấn và thậm chí còn bị dùng làm kho trữ bông dưới triều đại Mohamed Ali Pasha. Esna nằm cách Cairo khoảng 680km về phía Đông Nam.

Phát hiện 12 cung hoàng đạo tại Ai Cập: Phóng đại tích cực, quên đi tiêu cực - Ảnh 1.

Ngôi đền Khnum 1.800 năm tuổi ở Esna

Dự án trùng tu đền Esna bắt đầu vào năm 2018, được tài trợ bởi Viện Nghiên cứu Mỹ ở Cairo và do các nhà khảo cổ Ai Cập và Đức từ Đại học Tubingen chung tay thực hiện. Công việc bị gián đoạn do Covid-19 và tái khởi động vào năm 2020. Trước đó, việc bị bỏ bê trong nhiều thập kỷ đã khiến các bức phù điêu và chữ khắc của đền bị hư hại.

Mọi bề mặt của ngôi đền, từ chân cột tới trần nhà cao hơn 15m đều được phủ bởi các chữ khắc và hình tô màu. Năm ngoái, các chuyên gia Ai Cập - Đức cũng phát hiện 46 con đại bàng xếp thành 2 hàng trên đỉnh cổng vào đền Esna.

Mới đây, sau 5 năm làm sạch và phục hồi, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra hình ảnh về thiên văn với màu sắc tươi sáng trên bầu trời nền xanh lam nhạt của Ai Cập cổ đại, miêu tả các cung hoàng đạo, một số hành tinh như sao Mộc, sao Thổ và sao Hỏa. Ngoài ra còn có một số ngôi sao và chòm sao - còn được gọi là 7 mũi tên - mà người Ai Cập cổ đại dùng để đo lường thời gian. Nhóm nghiên cứu cũng tìm thấy hình ảnh của nhiều sinh vật khác, bao gồm rắn đầu cừu, chim đầu cá sấu đuôi rắn có bốn cánh, cũng như các hình vẽ rắn và cá sấu. Trước đó, qua nhiều thế kỷ, các bức phù điêu và màu sắc rực rỡ của nó đã bị bao phủ bởi lớp bụi bẩn và bồ hóng tích tụ trong gần 2.000 năm.

"Đây là lần đầu tiên người ta thấy những chữ khắc và phù điêu này trong một ngôi đền ở Esna" - tiến sĩ Hisham El-Leithy, Bộ Cổ vật Ai Cập, giám đốc phía Ai Cập cho dự án trùng tu này, cho biết. Ông nói thêm rằng phát hiện này không được ghi trong công bố trước đây về ngôi đền của nhà Ai Cập học quá cố người Pháp Serge Sauneron, người đã ghi chép những bức phù điêu của ngôi đền vào năm 1963 và 1975.

Christian Leitz, trưởng khoa Ai Cập học tại Đại học Tubingen nói: "Những biểu tượng về cung hoàng đạo này rất hiếm trong những ngôi đền ở Ai Cập. Bản thân cung hoàng đạo là một phần của thiên văn học Babylon và phải tới thời vương triều Ptolemy mới xuất hiện ở Ai Cập".

Các nhà khảo cổ học cho rằng hệ thống cung hoàng đạo và các chòm sao liên quan tới chúng chỉ xuất hiện ở Ai Cập khi được người Hy Lạp đưa vào, sau đó thường được sử dụng để trang trí các ngôi mộ tư nhân. Cung hoàng đạo cũng có tầm quan trọng lớn ở các văn bản chiêm tinh, như lá số tử vi được tìm thấy trên các mảnh gốm.

"Rất hiếm khi nó được trang trí trong các đền thờ: Ngoài Esna, chỉ có 2 phiên bản được bảo tồn hoàn thiện, đều từ đền Hathor ở Dendera" - ông Leitz nói thêm - "Trong đó, một nằm ở cổng vào điện thờ và một trên mái nhà nguyện đã được rời tới Louvre, Pháp.

"Mọi người phóng đại những điều tích cực và quên đi những mặt tiêu cực. Đó là bản chất của con người" - nhà thiên văn học Sten Odenwald.

Lịch sử cung hoàng đạo

Lý do các ngôi sao trông như luôn di chuyển là bởi trái đất tự xoay quanh trục của nó và quay quanh mặt trời. Thế nhưng, trước khi con người biết điều đó, họ đã dành nhiều thời gian để suy nghĩ về những gì xảy ra trên bầu trời.

Vì vậy, mặc dù chiêm tinh học tìm kiếm câu trả lời, dấu hiệu và dự đoán thông qua chuyển động của các thiên thể, bản thân nó không phải khoa học. Nhưng lĩnh vực này có một lịch sử lâu dài, trong đó con người nhìn lên các vì sao để lên kế hoạch cho cuộc sống của mình.

Người Ai Cập cổ đại từ lâu đã dùng bầu trời như một loại lịch có thể đoán thời tiết, trong khi những người lữ hành coi bầu trời như la bàn, đi theo lối các vì sao.

Nhưng ai là người đầu tiên nhìn lên bầu trời để phán đoán chuyện xảy ra dưới mặt đất và giải nghĩa tại sao con người lại hành xử theo những cách nhất định? Không ai biết chính xác điều này, nhưng các nhà sử học và thiên văn học có tìm hiểu được một chút về con đường phát triển của nó.

Phát hiện 12 cung hoàng đạo tại Ai Cập: Phóng đại tích cực, quên đi tiêu cực - Ảnh 3.

Biểu tượng cung Song tử được phát hiện trên trần ngôi đền

Những hình vẽ trên hang động cho thấy người xưa tin rằng mọi thứ có thể thấm nhuần một dạng tâm linh nào đó và chịu ảnh hưởng của nó. Chẳng hạn, Trung Quốc cổ đại coi nhật thực là điềm báo về hoàng đế. Người Samari và Babylon, vào khoảng giữa thiên niên kỷ thứ 2 trước công nguyên, đã có nhiều tập tục bói toán, quan sát các hành tinh và vì sao để xác định vị trí các vị thần trên bầu trời. Người Ai Cập cổ đại đóng góp ý tưởng về các chòm sao, qua đó, dường như mặt trời "di chuyển" tới nơi nào đó vào một thời điểm nhất định trong năm.

Người Babylon chia cung hoàng đạo thành 12 cung bằng nhau từ năm 1500 trước công nguyên, đặt tên tương tự như ngày nay và những cái tên này được đưa vào bói toán của người Hy Lạp sau này. Nhà thiên văn học người Hy Lạp Ptolemy (100 - 170), tác giả Tetrabiblos, cuốn sách sẽ trở thành cốt lõi trong lịch sử chiêm tinh phương Tây, đã giúp phổ biến 12 cung hoàng đạo. Ý tưởng rằng mặt trời di chuyển đều đặn qua các cung này mỗi năm đã được Ptolemy hệ thống hóa. Ngay cả từ "zodiac" (cung hoàng đạo) cũng bắt nguồn từ Hy Lạp, một thuật ngữ chỉ "hình động vật được điêu khắc". Thời Hy Lạp, ngày đầu tiên của mùa Xuân bắt đầu khi mặt trời tiến vào chòm sao Bạch dương.

Trong nhiều thế kỷ, chiêm tinh học (tìm kiếm các dấu hiệu dựa trên chuyển động của các thiên thể) về cơ bản được coi như thiên văn học (nghiên cứu khoa học về các vật thể đó). Ví dụ như nhà thiên văn học ở thế kỷ 17 Johannes Kepler, người nghiên cứu chuyển động của các hành tinh, vào thời điểm đó được coi là nhà chiêm tinh. Điều này chỉ thay đổi vào khoảng đầu thời kỳ Khai sáng vào cuối thế kỷ 17.

Khi Isaac Newton cơ bản biến bầu trời thành một máy tính, toán học hóa chuyển động của các hành tinh và nhận ra lực hấp dẫn kiểm soát mọi thứ, tất cả đã bắt đầu một cách tiếp cận hoàn toàn mới khi quan sát bầu trời và chuyển động của các hành tinh và Trái đất.

Tuy nhiên, theo thăm dò của Tổ chức Khoa học Quốc gia Mỹ năm 2014, 1 nửa thế hệ thiên niên kỷ (sinh trong khoảng từ năm 1981 - 1996) coi chiêm tinh là môn khoa học. Ngay cả khi câu trả lời của chiêm tinh không dựa trên nghiên cứu khoa học, lý do khiến mọi người tiếp tục hướng về bầu trời có thể vẫn là để tìm kiếm những diễn giải phù hợp với những gì chúng ta hi vọng là đúng. Như nhà thiên văn học Sten Odenwald từng nói: "Mọi người phóng đại những điều tích cực và quên đi những mặt tiêu cực. Đó là bản chất của con người".

12 cung hoàng đạo có từ bao giờ?

Về riêng 12 cung hoàng đạo mà mọi người quen thuộc thời nay - Bạch dương (từ ngày 21/3 tới ngày 19/4), Kim Ngưu (20/4 - 20/5), Song Tử (21/5 - 20/6), Cự Giải (21/6 - 22/7), Sư tử (23/7 - 22/8), Xử Nữ (23/8 - 22/9), Thiên Bình (23/9 - 22/10), Bọ Cạp (23/10 - 21/11), Nhân Mã (22/11 - 21/12), Ma Kết (22/12 - 19/1), Bảo Bình (20/1 - 18/2) và Song Ngư (19/2 – 20/3) – đã bắt đầu từ thời Hy Lạp cổ đại. Những cung này được đặt theo tên các chòm sao với thời gian dựa trên mối quan hệ nhìn thấy giữa vị trí của chúng trên bầu trời với mặt trời.

An Bình (tổng hợp)

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›