Được khai quật từ hồi năm 2000, nhưng phải đến khi nghiên cứu lại, các nhà cổ sinh vật học mới tìm ra bằng chứng đầu tiên khẳng định thú có vú làm mồi cho khủng long.
Khi đào sâu phân tích bữa ăn của một con khủng long bốn cánh, các nhà cổ sinh vật học phát hiện ra một bất ngờ: một chiếc chân hóa thạch thuộc về một cá thể động vật có vú.
Theo lời các nhà nghiên cứu, đây là bằng chứng đầu tiên cho thấy khủng long ăn thịt động vật có vú. Hóa thạch khủng long thuộc về một cá thể với pháp danh khoa học Microraptor zhaoinus, và trong dạ dày của nó chứa chim, cá thằn lằn; động vật có vú chỉ là một trong nhiều nguồn protein của con khủng long thời tiền sử.
“[Hóa thạch] cho thấy sự đa dạng trong bữa ăn của con khủng long có lông vũ nhỏ bé”, Hans Larsson, nhà cổ sinh vật học công tác tại Đại học McGill và tác giả chính của nghiên cứu, nói với tạp chí Gizmodo. “Việc ăn cả động vật có vú cho thấy con khủng long không kén ăn chút nào”.
Chi Microraptor sinh trưởng thịnh vượng trong thời kỳ đầu của Kỷ Phấn trắng. Theo nhận định của chuyên gia, loài Microraptor zhaoinus sống trên cây, và dùng cánh da lượn qua lại để kiếm mồi trên cành cũng như trên mặt đất.
Hóa thạch của những cá thể khủng long thuộc chi Microraptor xuất hiện rất nhiều tại miền Đông Bắc Trung Quốc. Mẫu hóa thạch được phân tích trong nghiên cứu mới đã được tìm thấy từ hồi năm 2000, nhưng đến khi phân tích lại, các nhà cổ sinh vật học mới phát hiện ra chân của một cá thể động vật có vú.
Tuy không thể xác định được “chủ nhân” của chiếc chân, phát hiện mang tính đầu tiên này vẫn cho ta biết về môi trường sống cũng như vị trí sinh vật trong chuỗi thức ăn của hàng triệu năm về trước.
“Trong hóa thạch, thức ăn trong ruột là những bức hình tuyệt hảo mô tả khẩu phần ăn của những sinh vật cổ, nhưng chúng hiếm có mà cũng rất khó khẳng định bữa ăn cuối cùng này cũng giống bữa ăn thường ngày, hay đây chỉ là một bữa tạm của sinh vật hóa thạch”, Stephanie Drumheller-Horton, nhà cổ sinh vật học công tác tại Đại học Tennessee, một chuyên gia không tham gia vào nghiên cứu mới, nêu nhận định.
“Nhưng Microraptor sắp sửa trở thành ngoại lệ, khi một loạt các hóa thạch của loài khủng long này cho thấy những ‘bữa ăn cuối cùng’ của chúng rất khác biệt”, nhà nghiên cứu Drumheller-Horton tiếp tục. “Khi tổng hợp lại, các tác giả nghiên cứu cho thấy con khủng long bé nhỏ không hề kén cá chọn canh, chúng ăn mọi thứ động vật nhỏ quanh môi trường sống của mình”.
Chiếc chân cũng không thuộc về tổ tiên xa của con người. Theo lời nhóm nghiên cứu, cá thể động vật có vú mất chân có lẽ thuộc những chi như Sinodelphys, Yanoconodon hay Eomaia - những con vật có vẻ ngoài gần giống loài gặm nhấm hiện đại.
Theo phân tích, kích cỡ con vật có vú tương đương con chuột, và gần như có thể chắc chắn rằng nó không giỏi leo trèo. Từ đó, các nhà nghiên cứu suy ra rằng con khủng long Microraptor zhaoinus đã sà xuống từ trên cao và bắt được mồi.
“Chiếc chân hóa thạch gần như nguyên vẹn, cho thấy nó đã bị nuốt trọn. Còn chủ thể của chiếc chân có bị nuốt không thì không rõ”, nhà cổ sinh vật học Larsson nhận định. “Tuy nhiên, có một số xương không rõ khác có trong phần khoang ngực của [cá thể Microraptor], có thể đó là những phần khác của con thú có vú”.
Chỉ dựa trên hóa thạch, nhóm chuyên gia cũng không thể xác định xem liệu cá thể động vật có vú bị săn bởi con Microraptor, hay con khủng long có cánh đã ăn thừa từ kẻ săn mồi khác. Dù gì, thành phần có trong ruột của sinh vật cổ đại cũng ít nhiều nói cho ta biết rừng Kỷ Phấn trắng đa dạng nhường nào, và kẻ nào trên phân trong chuỗi thức ăn cổ đại.
Tags