Ngày 21/9, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết thông qua sử dụng dữ liệu từ kính viễn vọng James Webb của cơ quan này, các nhà nghiên cứu đã phát hiện CO2 từ đại dương ngầm dưới mặt băng Mặt Trăng Europa của Sao Mộc.
Phát hiện này đem lại hy vọng rằng nguồn nước ngầm này có thể nuôi dưỡng sự sống.
Dữ liệu từ máy quang phổ cận hồng ngoại của kính viễn vọng James Webb đã giúp các nhà khoa học lập bản đồ phân bố CO2 trên bề mặt Europa. Kết quả cho thấy điểm tích tụ nhiều CO2 là Tara Regio trên Mặt Trăng của Sao Mộc này. Đó là khu vực rộng 1.800 km2, có địa hình phức tạp với các vết nứt và rặng băng lởm chởm.
Hiện chưa rõ chính xác nguyên nhân tạo ra địa hình phức tạp này, song có giả thuyết cho rằng nước ấm từ đại dương dâng lên làm mặt băng tan chảy, sau đó đóng băng lại theo thời gian và tạo thành vách đá lởm chởm.
Kết quả phân tích chỉ ra rằng carbon nhiều khả năng có nguồn gốc từ đại dương ngầm, chứ không phải từ thiên thạch hay các nguồn bên ngoài đến. Theo NASA, nước đã đọng lại theo sự thay đổi của địa chất trong thời gian gần đây. Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Science mới đây.
Phát hiện này có ý nghĩa quan trọng, cho thấy đại dương trên Europa có tiềm năng để sự sống phát triển. Nhà thiên văn học Geronimo Villanueva của NASA cho rằng hiểu biết về tính chất hóa học của đại dương Europa sẽ giúp xác định liệu đây có thể là nơi duy trì sự sống hay không.
NASA có kế hoạch thực hiện sứ mệnh Europa Clipper vào tháng 10/2024 để tiếp tục nghiên cứu về các điều kiện sống trên “miền đất hứa” này. Trước đó, tàu Juice của Cơ quan Vũ trụ châu Âu đã bắt đầu thực hiện sứ mệnh thám hiểm Mặt Trăng của Sao Mộc vào tháng 4.
Tags