Phát hiện đột phá trong điều trị rối loạn não bộ

Thứ Bảy, 29/06/2024 06:59 GMT+7

Google News

Theo phóng viên TTXVN tại Bỉ, một nhóm nhà nghiên cứu tiên phong, do Tiến sĩ Pierre Vassiliadis từ Đại học Louvain (KU Louvain) của Bỉ và Trường Bách khoa Liên bang Thụy Sĩ (EPFL) dẫn đầu, đã đạt được đột phá quan trọng trong lĩnh vực thần kinh học.

Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã phát triển thành công phương pháp điều trị không xâm lấn, sử dụng kích thích não để tác động vào striatum, một khu vực sâu bên trong não bộ đóng vai trò quan trọng trong hệ thống thần kinh. Liệu pháp mang tính đột phá này có tiềm năng to lớn trong việc điều trị các rối loạn não bộ mãn tính như nghiện ngập, trầm cảm và nhiều bệnh lý khác liên quan đến hệ thống não bộ.

Phát hiện đột phá trong điều trị rối loạn não bộ - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Điểm mấu chốt của phương pháp này nằm ở kỹ thuật kích thích giao thoa xuyên sọ theo thời gian (tTIS). Sử dụng hai cặp điện cực đặt tại những vị trí quan trọng trên đầu bệnh nhân, tTIS truyền các trường điện yếu ở hai tần số khác nhau qua não bộ. Chính sự khác biệt về tần số này là yếu tố kích thích khu vực não bộ mục tiêu, mang lại hiệu quả điều trị.

Đây là lần đầu tiên phương pháp tTIS được áp dụng để kích thích striatum một cách không xâm lấn. Trước đây, các phương pháp điều trị khác cho các rối loạn liên quan đến striatum thường đòi hỏi phẫu thuật hoặc cấy ghép thiết bị, tiềm ẩn nhiều nguy cơ và hạn chế.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy tTIS có hiệu quả trong việc điều chỉnh hoạt động của striatum, mở ra tiềm năng to lớn cho các ứng dụng điều trị trong tương lai và mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân trong việc điều trị các rối loạn não bộ một cách hiệu quả mà không cần phẫu thuật hoặc cấy ghép thiết bị, từ đó giảm thiểu các nguy cơ và tác dụng phụ. Ngoài ra, quy trình điều bằng tTIS cũng đơn giản và dễ thực hiện hơn so với các phương pháp điều trị truyền thống, chưa kể còn giúp tiết kiệm chi phí cho bệnh nhân và hệ thống y tế.

Hiện nhóm nghiên cứu đang tiếp tục hoàn thiện phương pháp tTIS và mở rộng ứng dụng sang nhiều bệnh lý khác nhau với hy vọng sẽ đưa tTIS thành phương pháp điều trị tiên phong trong tương lai.

Hương Giang/TTXVN

Chia sẻ

Tags

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›