(Thethaovanhoa.vn) - Khối tượng đầu tiên mà tôi muốn nói đến là khối tượng dàn nhạc gồm 8 người đứng cân xứng trên một đế vuông rỗng lòng có 1 quai vành khuyên đúp để treo. Chiếc quai này gắn vào chính đỉnh của cột trống - loại trống da 2 mặt, treo nằm ngang. Lần đầu tiên tôi được chứng kiến tác phẩm kỳ lạ này vào mùa Hè năm 2008.
1. Năm đó, theo lời mời của ông Christian Hioco - chủ nhân Gallery Hioco ở Paris, trên đường tham dự Hội nghị Khảo cổ học Thế Giới (WAC) ở Dublin, Scoland, tôi đã dừng ở Pháp 1 tuần để làm việc với sưu tập Đông Sơn của bà Phạm Lan Hương đang trưng bày tại Hioco Gallery.
Trong thời gian làm việc với sưu tập đó, tôi được chị Phạm Lan Hương cho xem một hiện vật Đông Sơn rất đặc sắc sưu tầm ở Việt Nam mà chị đã quên không đưa cho xem 1 năm trước, mùa Hè năm 2007, khi tôi có dịp đưa đoàn truyền hình đến thăm nhà chị ở vùng Avignon phía Nam nước Pháp.
Đó là một khối hộp vuông, rỗng úp mặt hở xuống dưới (mỗi cạnh khoảng 8cm). 4 mặt cạnh đều có trang trí hoa văn gồm 2 băng vòng tròn có tâm, đặc trưng Đông Sơn. Bề mặt trên của khối hộp là dàn tượng khối gồm 8 người đàn ông Đông Sơn trong tư thế chơi nhạc (1 người thổi sáo, 1 người thổi khèn), một số đứng chống nạnh xung quanh chiếc trống da và người đánh trống ở chính giữa.
Tôi thực sự sững sờ trước khối tượng này và xúc động chúc mừng chủ nhân đã may mắn có được “báu vật Đông Sơn”. Tại sao khối tượng này lại có giá trị đến như vậy? Số là trong giới nghiên cứu Việt Nam cũng như quốc tế, nghệ thuật trang trí Đông Sơn được coi như nghệ thuật trang trí chủ yếu trên mặt phẳng 2 chiều. Như cách nói hiện đại thời kỹ thuật số đó là kỹ thuật trình diễn 2D. Đây là một đặc trưng phân biệt với nền mỹ thuật đồ đồng láng giềng cùng thời và cũng không kém phần nổi tiếng ở Vân Nam, là văn hóa Điền. Đó là một nền mỹ thuật thể hiện chủ yếu bằng phù điêu và tượng khối đồng thau.
Thực ra thì không phải nghệ nhân Đông Sơn không biết làm tượng khối. Chúng ta có hàng trăm dao găm có cán là các tượng khối hình người, thú các kiểu, rất sinh động. Cũng có hàng trăm hình cóc nổi trên các mặt trống Đông Sơn cũng như rất nhiều hình khối nho nhỏ gắn trên các cần đèn Giao Chỉ, trên lưng và cán các muôi đồng, trên các khóa thắt lưng. Lại còn cả những tượng người dẫn chó khai quật ở Phú Lương, tượng người cõng nhau thổi khèn do người Pháp khai quật ở Đông Sơn…
Nhưng quả thực, so với văn hóa Điền, nghệ nhân Đông Sơn vẫn chỉ đáng được xếp vào loại những nghệ nhân giỏi xử lý các đề tài trang trí bằng hình khắc trên các khuôn đúc mặt phẳng. Các đề tài cần thể hiện chính trong thế giới tinh thần Đông Sơn đều được trình diễn chủ yếu trên diện phẳng, như mặt, thân tang trống, thạp, rìu, liễn, ấm, chậu, bản lưỡi dao găm và lưỡi giáo… Chẳng vì thế mà nhiều nhà nghiên cứu khi gặp tượng khối Đông Sơn là lại gắn cho một câu: Phong cách Điền.
Rất có thể nhận xét đó là đúng, đó là phong cách làm tượng sáp đập khuôn lấy lõi. Như đã kể lể ở trên, có rất nhiều đồ vật Đông Sơn đã làm theo cách như vậy: Làm một tượng khối bằng sáp ong rồi ốp khuôn đất dẻo ở ngoài, trích lỗ thoát khí, đổ đồng, chờ cứng đập khuôn lấy lõi. Nhưng để mô tả cảnh dàn nhạc thì xưa nay chỉ thấy các hình khắc trên mặt trống đồng như Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Guimet, Khai Hóa (Wiene) hoặc trên thạp Hợp Minh (Yên Bái) chứ rất hiếm khi thấy làm tượng khối như vậy.
2. Thực ra, từ mấy năm trước tôi đã được Đặng Tiến Sơn cho xem một mặt khóa thắt lưng Đông Sơn có 3 người chơi nhạc cụ khèn, sáo và xênh (dụng cụ bằng 2 thanh tre hoặc gỗ gò vào nhau tạo nhịp).
Tôi cho rằng đây cũng là một tác phẩm tuyệt hảo, đáng tiếc hiện vật kích thước nhỏ lại bị gỉ quá nhiều mà chủ nhân lại tiếc ten gỉ không dám để chúng tôi làm sạch theo đúng phương pháp tiên tiến nhất trong các bảo tàng hiện nay trên thế giới, nên dù đã cố chụp cận cảnh cũng khó nhận ra hình ảnh chân xác. So với khối tượng dàn nhạc của chị Phạm thì quả là khó có thể sánh nổi. Khối tượng tuy gỉ xanh nhưng vẫn giữ nguyên được chi tiết dáng vẻ từng thành viên ban nhạc.
3. Gần đây, trong chuyến đi thăm và làm việc tại Mỹ, tôi lại bất ngờ được nghiên cứu một tiêu bản mô tả dàn nhạc lạ kỳ nữa. Đó là một ngôi nhà Đông Sơn kích thước chỉ hơn bao diêm một chút được làm theo kiểu nhà sàn không có cột. Bên trên có một vành khuyên đã đứt nằm không phải ở chính giữa mái nhà mà lệch một chút nhưng lại là chính giữa trọng tâm khối tượng, cho thấy hiện vật làm ra để treo.
Có lẽ trong thực tế nhà đó được đặt trên dàn cột bằng tre hay gỗ chăng. Tôi giả thiết như vậy, vì khi lật đáy sàn nhà lên thấy các vệt khắc chìm thể hiện các đường như các sàn ống bương đập dập làm sàn nhà hiện nay của người Mường vậy.
Điều diệu kỳ ở ngôi nhà này là sự diễn tả một dàn nhạc Đông Sơn ở cả bên ngoài lẫn bên trong ngôi nhà: Phía ngoài cửa là 2 tượng khối người ngồi đánh trống. 2 chiếc trống đồng lớn tầm người đặt trên một khối dàn đỡ trông như một chiếc cối rỗng. Người đánh trống ngồi vắt vẻo trên dàn tre, 1 tay vịn khỏi ngã, tay kia cầm dùi lớn đánh xuống mặt trống như cách giã dò vậy. Thật thú vị là cho dù kích thước mặt người đánh “trống” chỉ lớn bằng hạt đỗ xanh nhưng nghệ nhân xưa vẫn thể hiện được mắt mũi, và đặc biệt là cái miệng há ra như đang nghêu ngao hát!
Bên trong ngôi nhà, gần phía cửa có 2 người đánh trống là một cụm tượng cho thấy rõ 1 người ngồi đang ôm 1 chiếc dùi thúc vào mặt 1 chiếc trống da treo nằm ngang trên 1 cột gỗ trông như cái cột nhà. Sâu hơn nữa, gần cửa ra phía đầu nhà bên kia là 1 nhóm gồm 5 người: 1 người hầu đứng cạnh tường tay chống nạnh, 4 người còn lại ngồi vây quanh 1 chiếc vò. 1 người trong số đó đang dùng muôi múc rượu cho mọi người, 1 người đang ôm gõ 1 đồ đựng khác như kiểu gõ chiêng, trống, 1 người thổi khèn và người còn lại vỗ tay bắt nhịp.
Đây là cảnh dàn nhạc Đông Sơn rất hoàn chỉnh mà ta đã thấy thể hiện trên mặt trống đồng Khai Hóa và Ngọc Lũ: Dàn trống bên ngoài nhà sàn, bên trong có người thổi khèn, có trống bày và có người dâng rượu.
Nội dung như vậy cũng đã thấy ở hình khắc trên mặt 1 trống Điền và trên một vài phù điêu cũng thuộc văn hóa Điền. Khi hỏi về nguồn gốc, chủ nhân đầu tiên vốn là một nhà sưu tầm người Mỹ đã kể rằng anh mua hiện vật này từ một nhà sưu tầm nghệ thuật ở Hà Nội, chị cho biết hiện vật có nguồn gốc trung du sông Hồng, vùng Phú Thọ hoặc Yên Bái.
- Kể chuyện lịch sử từ trong lòng đất (kỳ 15): Tiến tới 90 năm vinh danh toàn cầu Văn hóa Hòa Bình
- Kể chuyện lịch sử từ trong lòng đất (kỳ 14): Làng thủ lĩnh và ngôi mộ của thủ lĩnh thời Hùng Vương
- Kể chuyện lịch sử từ trong lòng đất (kỳ 13): Bí ẩn hình người quỳ trên hòn đá cuội phủ mộ thời Trần
4. Trở lại với khối tượng của chị Phạm Lan Hương. Đây là 1 khối tượng lớn nhất trong 3 tiêu bản kể trên và cũng thể hiện rõ nhất nội dung một dàn nhạc Đông Sơn. Tôi đã chụp ở Paris năm đó khoảng gần 100 bức hình studio về khối tượng này và đã giới thiệu đâu đó trên một số sách báo, nhưng vẫn chưa có một ai chỉ cho tôi biết nguồn gốc bức tượng phát hiện được ở khu vực nào của văn hóa Đông Sơn.
Rất may, trong dịp đến thăm một nhà sưu tầm cổ vật, anh đã nhận ra bức hình khối tượng trong cuốn sách của tôi mới xuất bản: Hà Nội thời Tiền Thăng Long và không quản đường xa, anh đưa tôi đến tận nơi và gặp người nông dân đã trực tiếp đào được món đồ đó. Theo lời người nông dân Thanh Hóa kể lại, anh ta đã bắt gặp khối tượng ở trong lòng 1 chiếc trống đồng đang trong tư thế nằm nghiêng, bên cạnh 1 phần xương sọ vẫn chưa phân hủy hết. Ở vị trí tay trái người chết là 1 thanh kiếm sắt, 2 bên thân người còn một vài trống, thạp bằng đồng khác nữa.
Tôi muốn dừng ở đây để cảm ơn những người, mà có thể họ vẫn chưa muốn tôi nêu tên, đã tạo điều kiện cho tôi tiếp xúc với những món đồ quý hiếm và đã giúp tôi có được một nhận thức đầy đủ và đáng tin cậy về những món đồ Đông Sơn rất có ý nghĩa đối với việc dựng lại chân xác đời sống sinh hoạt của tổ tiên ta từ trên dưới 2.000 năm trước.
(Còn tiếp)
TS Nguyễn Việt
Tags