22/11/2022 17:00 GMT+7 | Văn hoá
Các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra nhiều dấu tích kiến trúc mới thuộc các thời kỳ Lý, Trần, Lê Sơ, Lê Trung Hưng, Nguyễn.
Sau một năm khai quật thăm dò tại khu vực phía Đông - Bắc di tích nền Điện Kính Thiên với tổng diện tích gần 1.000 m2 thuộc khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra nhiều dấu tích kiến trúc mới thuộc các thời kỳ Lý, Trần, Lê Sơ, Lê Trung Hưng, Nguyễn.
Những phát hiện khảo cổ học quan trọng này, đã giúp mọi người hiểu sâu hơn về cấu trúc và phạm vi của khu vực chính Điện Kính Thiên thời Lê.
Thông tin này được đưa ra tại Hội thảo khoa học Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật thăm dò Khu vực chính điện Kính Thiên năm 2022 do Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học tổ chức ngày 22/11.
Làm rõ hơn nhận thức về di sản
Các hố khai quật nằm ở khoảng giữa nền điện Kính Thiên và di tích Đoan Môn. Theo các nhà khảo cổ học, với việc phát lộ nhiều dấu tích kiến trúc các thời kỳ Lý, Trần, Lê Sơ, Lê Trung Hưng, Nguyễn đã làm rõ hơn nhận thức về các giá trị nổi bật toàn cầu khu di sản Hoàng thành Thăng Long.
Cụ thể, thời Lê Sơ và Lê Trung Hưng, cuộc khảo cổ thám sát tiếp tục làm phát lộ dấu tích sân Đan Trì, đường Ngự Đạo. Đặc biệt, các hố thám sát ở nhà Cục Tác chiến, lần đầu tiên xuất lộ Ngự Đạo thời Lê Sơ được lát bằng gạch vuông đỏ cỡ lớn, bên cạnh Ngự Đạo có thêm một lối đi phụ ở phía Đông bằng gạch lát nghiêng. Lối đi này cũng trùng khớp vào cửa phụ phía Đông của cửa Đoan Môn. Hố thám sát ở giữa lòng nhà xuất lộ hàng gạch bó 2 lớp chạy theo chiều Đông - Tây có khả năng là hàng gạch bó nền ngăn sân Đại Triều làm 2 cấp khác nhau và điều này đang được các nhà khảo cổ nghiên cứu thêm.
Các dấu tích kiến trúc thời Lý, Trần cũng tiếp tục được làm sáng tỏ hơn như: Dấu tích bức tường lớn chạy theo chiều Đông - Tây với nhiều lần cải tạo mở rộng, bức tường này có thể bao quanh khu vực tương đối lớn và có nhiều kiến trúc quan trọng. Vì thế, người xưa đã mở nhiều cống nước đi qua chân tường đổ vào đường nước lớn, đáy cống được làm bằng đá phiến có đục 2 lỗ vuông có thể được dùng để cài song sắt chống đột nhập. Ngoài ra, còn có dấu tích móng cột kiến trúc còn nguyên chân tảng đá hoa sen, nền lát gạch vuông còn lại khá nguyên vẹn.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, bên cạnh các dấu tích kiến trúc, cuộc khai quật thăm dò đã tìm thấy hàng nghìn hiện vật khảo cổ gồm các loại gạch, ngói, đồ gốm men, đồ sành, đồ đất nung, đồ kim loại, đồ đá… Tiêu biểu nhất là mảnh mô hình tháp đất nung thời Trần. Các di vật là các loại vật liệu xây dựng Hoàng cung Thăng Long, đồ dùng sinh hoạt Hoàng cung thời kỳ Thăng Long và một số ít thuộc thời tiền Thăng Long.
Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tống Trung Tín, với những kiến trúc đang nghiên cứu dở dang trước kia thì nay chúng ta đã có thêm tư liệu làm rõ hơn nhận thức về di sản. Một mặt, các dấu tích phát lộ làm rõ hơn Ngự triều, sân Đan Trì thuộc không gian Điện Kính Thiên. Như vậy, những yếu tố mọi người quan tâm đến nghiên cứu phục dựng không gian Điện Kính Thiên thì đợt khai quật thám sát này đã phát lộ nhiều dấu tích rất mới mà trước đây chưa có.
Củng cố thêm tư liệu để hoàn trả không gian Điện Kính Thiên
Tại hội nghị, các nhà khoa học đều khẳng định những phát hiện mới không chỉ góp phần hiểu sâu sắc thêm các giá trị ở khu di sản Hoàng thành Thăng Long mà quan trọng có thêm nhiều tư liệu mang tính xác thực cao góp phần hoàn trả không gian Điện Kính Thiên.
Tiến sĩ Phạm Quốc Quân, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia cho rằng, các dấu tích phát lộ lần này có tính thuyết phục cao về giá trị của không gian Điện Kính Thiên. Hai lớp văn hóa phát hiện rõ nhất là thời Lê Sơ và Lê Trung Hưng nhưng cần làm rõ một số vấn đề như, mối quan hệ giữa thời Lê Sơ và Lê Trung Hưng qua dấu tích bức tường, đường cống nước hay việc kết nối kết quả những lần khai. Nhiều dấu tích phát lộ lần này đã củng cố thêm dữ liệu để Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phục dựng không gian Điện Kính Thiên.
Cũng theo Tiến sĩ Trần Việt Anh, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, người có nhiều năm từng gắn bó với Hoàng thành Thăng Long, những phát hiện của cuộc khai quận thăm dò lần này gần như là “mảnh ghép” cuối cùng giữa Đoan Môn và nhà Cục Tác chiến tại khu di sản.
Nếu tính từ cuộc khai quật đầu tiên, khu Di sản Hoàng thành Thăng Long đã qua 20 năm thực hiện khai quật, còn nếu tính từ khi được công nhận là Di sản thế giới thì đã tới 12 năm. Trong thời gian đó, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phát hiện ra rất nhiều dấu tích về kiến trúc các cung điện, di tích và vô vàn hiện vật. Việc hình dung ra hình hài của Chính điện Kính Thiên và không gian Điện Kính Thiên bước đầu đã rõ ràng hơn. Tuy nhiên, việc hoàn trả không gian Điện Kính Thiên đang bị hạn chế bởi công trình nhà Cục Tác chiến, do đó Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội cùng các nhà khoa học đang tìm ra một giải pháp phù hợp nhất.
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Thanh Quang khẳng định, kết quả khai quật đã góp thêm tư liệu trong quá trình thực hiện đề án nghiên cứu phương án khôi phục không gian Điện Kính Thiên và Chính điện Kính Thiên, cũng như tiếp tục làm sâu sắc thêm giá trị của Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.
Ông cũng hy vọng những năm tiếp theo, công tác khai quật khảo cổ học và những kết quả nghiên cứu sẽ đưa ra được những nguồn tư liệu phong phú, đa dạng giải quyết những vấn đề còn đang bỏ ngỏ, đặc biệt chú trọng nghiên cứu so sánh, đóng góp thêm tư liệu nghiên cứu phục dựng không gian Điện Kính Thiên và Chính điện Kính Thiên.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất